Tổng cục trưởng TC Đường bộ thi tuyển xong, “nhận mặt”... quyết?

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều người lo lắng, thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ thì thi đấy, nhưng sợ nhất là thi xong... lại "nhận mặt", phải ngồi họp để quyết xem ai trúng?

Nhiều cán bộ đã rơi rụng
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ vào tháng 4/2014. Đây được xem là sự thay đổi đáng chú ý trong cơ cấu tổ chức cán bộ của Bộ này với những yêu cầu cao về năng lực làm việc và kinh nghiệm công tác. Hẳn là ông cũng vui mừng về chủ trương này, thưa TS Lê Đình Thái?
Đây là lần đầu tiên Bộ GTVT thực hiện điều này, tôi nghĩ đây là tín hiệu rất đáng mừng, việc làm đúng đắn. Các ứng viên dự tuyển hẳn là phải có chương trình hành động, đáp ứng yêu cầu khả năng vị trí công việc thì mới được tuyển. 
Đây được coi là vị trí khá “nóng”, làm thế nào để thi tuyển để chọn lựa được một người thực sự có tài năng?
Sẽ vừa dễ vừa khó để chọn. Dễ là bởi đã có chủ trương để làm rồi, nhưng khó là bởi liệu có chọn được người thực sự vì công việc không, vì nước vì dân không hay chỉ vì cá nhân họ, vì lợi ích nhóm. Trước đây trong công tác các bộ của ta cũng đã gặp phải tình trạng này. Tuyển cán bộ thì đương nhiên là chọn người có đức và tài. Cái đức không đơn thuần là hạnh kiểm tốt mà phải là người có chính kiến, bản lĩnh, dám nghĩ dám nói, dám làm. Trước đây có tình trạng cán bộ đa di năng, thế nào cũng gật, đưa gì cũng ký, phân công làm ở đường bộ cũng được, đường thủy cũng xuôi, thậm chí là dân số cũng ổn. Là bởi ông ấy chỉ việc ngồi ký thôi, còn làm gì thì có cấp dưới làm hết rồi. Rồi đề bạt kiểu con ông cháu cha mà người ta vẫn nói đùa là thành phần 4c đấy.
Thế còn “tài”, chọn người tài ở vị trí này liệu có khó?
Người tài không có nghĩa là phải có bằng cấp cao, đương nhiên phải là người có học, có chuyên sâu về lĩnh vực mà họ được phân công. Ví dụ, về đường bộ thì phải được đào tạo chuyên ngành giao thông. Chưa cần phải là một chuyên gia giỏi, nhưng phải am hiểu về lĩnh vực của mình. Phải am hiểu các khâu khảo sát, thiết kế, thi công, công nghệ, vật liệu, quản lý. Sửa chữa một con đường, một cây cầu theo một quy trình nào thì phải am hiểu rõ... Chứ không phải là kiểu cán bộ đa di năng như trước đây. Nếu chỉ ký thì ai chả ký được, cần gì phải lãnh đạo.
Nếu chỉ đơn giản là giỏi nghề hiểu nghề thì nhiều lắm?
Đương nhiên cái mấu chốt là khả năng quản lý, tầm nhìn chiến lược. Ngoài việc am hiểu sâu thì phải có tầm nhìn để có những quyết sách đúng. Vấn đề đề bạt cán bộ thực ra cũng là vấn đề xã hội. Nhưng mặt trái của kinh tế thị trường làm băng hoại đạo đức xã hội, làm rơi rụng nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao.
TS Lê Đình Thái, nguyên giảng viên Đại Học Giao thông Vận tải. 
Có tài mà không có đức thì cũng nhắm mắt thôi
Những bức xúc về chất lượng cầu đường từ trước đến nay chưa bao giờ nguôi, lúc nào cũng có những dấu hỏi to đùng về công trình này bị xà xẻo, công trình kia bị ăn bớt. Một người như thế nào mới có thể giải được bài toán đó?
Tìm một người trong sạch đến mức không tì vết là gần như không thể. Để chọn được một cán bộ được việc vốn đã không dễ rồi, tài và đức cũng chỉ là chung chung thôi. Để biết 1 triệu USD chi cho 1km đường có đúng không thì phải có chuyên môn. Nhưng làm thế nào để biết trong khi thi công người ta có làm ẩu hay không, có ăn bớt hay không, có cắt xén chỗ này chỗ kia hay không thì lại là đức của cán bộ ấy. Nếu có tài mà không có đức, biết là có sai phạm đấy nhưng đã trót ăn hối lộ rồi thì có biết cũng chỉ nhắm mắt thôi.
Nghĩa là biết nhưng giả vờ không biết?
Anh có tài, biết chuyên môn, biết rõ là họ làm láo, nhưng anh không xử lý, nhắm mắt cho qua. Thế thì cái tài cũng không để làm gì.
Nghĩa là mâu thuẫn giữa quyền lợi và tài năng?
Đó mới là cái khó của cán bộ. Tôi nói đơn giản là cầu Thăng Long, Liên Xô xây dựng từ năm 1973 mà đến tận giờ lớp nhựa trên đường mới hỏng. Thế mà ta sửa đằng trước thì đằng sau đã hỏng rồi. Do chất lượng thi công cả thôi, đáng lẽ phải 10 phần nhựa thì đây họ rút ruột đi chỉ còn 6 - 7 thôi, làm sao mà nó không hỏng được, làm sao mà nó bám dính được. Tôi nghĩ việc rút ruột công trình là các lãnh đạo biết thừa, kể cả không có chuyên môn sâu. Mà chỉ cần thấy lãnh đạo xuống kiểm tra là họ đã không dám làm láo rồi. Vấn đề là vị lãnh đạo ấy phải liêm chính, vô tư. Chứ cứ muốn tham nữa, muốn vơ nữa, thì chịu.
Tiêu cực đó đến nay vẫn không ít?
Đúng thế. Mà khi đã ăn tiền thì “há miệng mắc quai”, nên tiêu cực vẫn chẳng thể giảm. Đã nhận phong bì thì nói làm sao được nữa. Tất nhiên là không phải tất cả đều như thế, vẫn có những cán bộ tốt lắm, vì dân vì nước lắm.
Có người đã đặt câu hỏi về tham nhũng trong chính lực lượng thanh tra, kiểm tra, liệu trong việc thi này, có khi nào cũng có kịch bản giống thế?
Đó là đạo đức của mỗi người, mà đạo đức thì chắc là không có điểm số hay thang đo nào để bảo người nào điểm cao, người nào điểm thấp. Nếu vì việc chung thì họ sẽ không làm bậy, còn vì cá nhân, vì lợi ích nhóm thì họ sẽ làm ngơ. Còn trong việc gì cũng có thể có tiêu cực, không thể khẳng định là có hay không nhưng người ta có quyền đặt câu hỏi. 
Trong xây dựng cầu đường, việc rút ruột công trình là vấn đề nhức nhối. Có người bảo nhà thầu nước ngoài làm đáng tin hơn người Việt, vì sao vậy?
Nếu là nhà thầu ngoại thi công thì việc rút ruột gần như không có, nếu có thì rất ít. Là bởi họ có đạo đức đi kèm kỷ luật, chế độ đãi ngộ đi kèm trách nhiệm cao. Họ trả lương rất cao cho cán bộ nhân viên, nhưng xử lý sai phạm cũng quyết liệt. Còn nhà thầu Việt Nam, không phải 100% nhưng rất nhiều nhà thầu chưa làm đã tính đến rút ruột công trình. Họ thường trả giá thầu rất thấp để được công trình, nhưng khi được rồi thì họ lại không làm đúng yêu cầu, cố ý dây dưa thêm thời gian. Có công trình vừa làm vừa sửa, có công trình kéo dài đến vài năm thi công.
Sự khác nhau ở đây là gì, vai trò quản lý ở đây thế nào?
Đó là sự khác nhau trong tư duy làm ăn và tư duy quản lý. Quan trọng là biết dùng người. Lãnh đạo biết dùng người và phải dùng được thì chính họ phải thanh liêm, gương mẫu. Cha mẹ không tử tế thì sao đòi hỏi con cái tử tế được.
Thi xong lại phải ngồi họp để quyết?
Làm thế nào để tạo ra được tiền lệ mọi vị trí lãnh đạo đều sẽ tổ chức thi tuyển?
Chúng ta không thiếu người tài, về chuyên môn thì có rất nhiều người giỏi, kể cả thợ. Còn về đức, đề bạt bổ nhiệm phải mở rộng dân chủ, công khai để mọi người cùng biết. Càng cán bộ cấp cao thì quy trình tuyển chọn càng phải nghiêm ngặt, kỹ càng. 
Nhiều người lo lắng rằng, thi thì thi đấy, nhưng sợ nhất là thi xong lại phải ngồi họp để quyết xem ai trúng?
Tôi không khẳng định được vì ai cũng có những mối quan hệ xã hội và quyền lợi cá nhân, người trong hội đồng đó có vô tư, khách quan hay không. Phải lựa chọn kỹ những người trong hội đồng đó, chứ tuyệt đối không nên “mâm bát”, bố trí mỗi phòng ban một người ngồi đó cho đủ thành phần. 
Xin cảm ơn ông!
Việc thi tuyển Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nằm trong Đề án thí điểm đã được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt. Bộ GTVT khẳng định không có hạn chế “ngầm” nào đối với bất kỳ thí sinh đạt đủ các tiêu chuẩn chung đã được quy định. Theo đó, đối tượng tham gia là những người đang giữ chức vụ: Vụ trưởng thuộc Bộ GTVT, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Cục trưởng các Cục trực thuộc Bộ GTVT; Hiệu trưởng các trường Đại học trực thuộc Bộ GTVT, Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam; Viện trưởng các Viện trực thuộc Bộ GTVT; Chủ tịch Hội đồng thành viên (Hội đồng quản trị), Tổng Giám đốc các Tổng công ty trực thuộc Bộ GTVT; Giám đốc các Sở GTVT.
Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)