Nhìn đâu cũng thấy
- Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí vừa được ban hành có một mục riêng quy định về bồi thường thiệt hại trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Theo đó, người để xảy ra lãng phí sẽ phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Ông đánh giá thế nào về giải pháp này?
Việc quy định về bồi thường không phải bây giờ mới có. Luật ta đã có hết rồi, ai vi phạm thì cứ thế mà xử thôi. Người cố ý làm trái, làm lãng phí thì phải thực hiện trách nhiệm dân sự là bồi thường. Trường hợp gây thất thoát quá lớn thì phải xử lý kỷ luật, thậm chí là xử lý hình sự. Đầu tư công được chỉ ra là lĩnh vực gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng lớn nhất ở nước ta. Nhiều công trình được đầu tư vốn hàng trăm tỷ đồng rồi "đắp chiếu", xây hoành tráng cuối cùng chỉ để làm cảnh. Lãng phí ấy có ai phải chịu trách nhiệm đâu.
- Lãng phí ngân sách và bài toán trách nhiệm là vấn đề dư luận vốn rất quan tâm, việc gây lãng phí thất thoát ấy chủ yếu do năng lực kém hay do "có ý đồ"?
Làm công chức nhà nước thì không thể nói là không biết các quy định. Nếu không biết thì hỏi cấp trên, lấy các quy định về thu chi ra mà xem chứ một mình anh không làm được. Không thể nói tôi không biết, tôi lỡ làm thất thoát. Nếu thế ai cũng "lỡ" thì ngân sách đâu mà chịu nổi.
- Ông thấy việc xác định trách nhiệm trong gây lãng phí có dễ không?
Khoản lãng phí chủ yếu từ ngân sách là do quyết định, chủ trương đầu tư sai, nhưng rất khó xác định trách nhiệm để nói về tình trạng lãng phí trong đầu tư công ở nước ta hiện nay. Trong thất thoát ngân sách thì khâu gây lãng phí nhất chính là chủ trương đầu tư theo kiểu cứ vẽ dự án ra rồi đi xin tiền. Nhiều dự án bất bình thường, như chợ, trung tâm thương mại, rồi đường miền núi rộng tới 60 - 70m, sử dụng không hết công năng. Tất cả các quy định đều có rồi, cán bộ ai cũng nắm được, ai cũng biết thế nào là đúng, sai. Có điều họ có thực hiện hay không, nên không thể nói là do năng lực yếu kém mà để xảy ra lãng phí thất thoát được.
- Như ông vừa nói thì đội giá công trình cũng là một kiểu thất thoát lãng phí?
Chưa nói đến công trình hàng nghìn tỉ, chỉ cần một vài triệu đến vài chục triệu đồng mà để đội giá lên quá lớn, mỗi khâu "xà xẻo" một tí thì rõ là thất thoát còn gì. Nói chung nhìn đâu cũng thấy có thất thoát, nhưng tìm đâu cũng không thấy ai bị xử. Sờ vào đâu cũng có tham nhũng, nhưng không thể lôi được cái tên nào đứng ra chịu trách nhiệm.
- Ngoài lãng phí ngân sách thì còn có các dạng lãng phí nào thưa ông?
Lãng phí có mặt khắp mọi nơi. Lễ khởi công, khánh thành tổ chức linh đình; lễ hội cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp thôn tổ chức rình rang, đình đám, gần đây lại thêm hội chứng festival...
|
TS Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế. |
Giơ cao đánh khẽ
- Các chế tài xử lý tội lãng phí, theo ông đã đủ mang tính răn đe?
Vấn đề là luật đã có, đã được ban hành nhưng nhưng số cá nhân, tổ chức bị xử lý về tội lãng phí chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính việc "giơ cao đánh khẽ" ấy đã vô tình tiếp tay cho những cá nhân, tổ chức nhờn luật. Tất cả những quyết định đầu tư lãng phí, rõ ràng thấy hệ quả, sai trái nhưng không thấy ai chịu trách nhiệm và cũng chưa có văn bản nào chỉ rõ để xem trách nhiệm người ra quyết định như thế nào.
- Vì thế mà lãng phí vẫn cứ hoành hành?
Chúng ta chưa tập trung xử phạt các trường hợp lãng phí, vì thế tội lãng phí vẫn có cơ hội hoành hành, vẫn không đưa được người lãng phí nào ra tòa xử. Chỉ những người phạm tội tham nhũng mới bị lên án, trừng phạt, trong khi độ nghiêm trọng chưa biết hành vi nào hơn. Khi ban hành một quyết định đầu tư, hay quyết định hành chính về thực chất là ý chí của một cá nhân nào đó. Tuy nhiên, khi xảy ra hậu quả về sự lãng phí hoặc không hiệu quả thì lại núp bóng an toàn trong các chủ trương của tập thể hoặc vô can.
- Nói thế thì để lãng phí hoành hành là do luật còn sơ hở?
"Tiếp tay" cho sự thoát tội của những cá nhân này chính là những quy định chung chung của luật trước đây, không quy định rõ trách nhiệm của cá nhân khi để xảy ra vi phạm.
- Chống tham nhũng và chống lãng phí, nên tập trung giải quyết vấn đề nào trước?
Vấn đề chống tham nhũng phải kiên quyết với vấn đề chống lãng phí, cùng thực hiện song song. Phẩm chất cán bộ phải được đề cao, sai phạm phải xử lý nghiêm. Vấn đề là quản lý con người, chứ không phải là quản lý đồng tiền.
Không thể nói tôi chỉ có cái áo!
- Có ý kiến cho rằng, việc họ đến các cơ quan công quyền mà bị làm khó, bị hạch sách thì cũng là một kiểu lãng phí cần phải loại bỏ, ông nghĩ sao?
Đúng là thế, đó chính là lãng phí thời gian của người dân và của cả cán bộ. Cán bộ dành thời gian làm việc để đi chơi, để làm việc cá nhân là lãng phí. Nhiều lúc người dân gặp khó khăn nhưng không biết hỏi ai, hỏi cán bộ thì đùn đẩy, không ai trả lời đến nơi đến chốn. Việc lãng phí thời gian ở đây không chỉ là lãng phí thời gian của cán bộ mà của cả nhân dân. Nhiều lúc có những đơn vị dẫn nhau đến nhà hàng tổ chức tiệc linh đình, rồi đi công tác ăn uống no say, về lại có quà... thì cũng đều là những lãng phí đang tồn tại hiện hữu.
- Gần đây có một số văn bản pháp luật bị dư luận phản đối mạnh mẽ, liệu có thể coi là một kiểu lãng phí?
Các văn bản vi phạm pháp luật, không phù hợp với thực tế cần phải được rà soát để rút lại và đó cũng là một kiểu lãng phí. Có những quy định không tôn trọng quy định của pháp luật thì cũng phải xử lý.
- Vấn đề là hậu quả của thất thoát lãng phí thường rất lớn, nhưng con số bồi thường lại rất nhỏ. Để thất thoát hàng nghìn tỉ đồng thì liệu có chừng đó tiền để bồi thường?
Ở bất cứ mức độ nào cũng có các quy định của pháp luật điều chỉnh. Không thể nói để xảy ra lãng phí hàng nghìn tỷ đồng mà bảo rằng tôi chỉ có cái áo sơ mi để bồi thường thôi. Không thể nói thế được vì đã có các quy định về sử dụng ngân sách rồi. Con đường đi của một nghìn tỉ đó đi qua bao nhiêu công đoạn, bao nhiêu chữ ký, bao nhiêu quyết định... đều phải truy trách nhiệm hết chứ! Quy định về sử dụng quản lý ngân sách chặt chẽ, đâu phải ai muốn làm gì thì làm.
- Vậy khởi nguồn của lãng phí theo ông là vì họ bất chấp quy định, nên khi xử lý thì cứ theo quy định mà xử?
Đúng thế, họ bất chấp hết để làm, dù họ biết rõ là vi phạm thì sẽ bị xử lý thế nào. Nên cứ đúng mà làm, đừng hành xử theo kiểu chỗ quen biết, anh em xí xóa cho nhau, chúng mình cùng đoàn kết, thì người ta sẽ sợ mà không dám lãng phí nữa. Nếu cứ chỉ vận động tuyên truyền thì người ta sẽ đi vòng đi vèo, bắt tay nhau cùng bỏ túi chia chác thì không ai bị xử cả.
Xin cảm ơn ông!
Theo quy định mới, khi nhận được thông tin phát hiện lãng phí thuộc thẩm quyền giải quyết, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, nơi nhận được thông tin có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin, hành vi lãng phí và thiệt hại do hành vi lãng phí gây ra. Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết thì trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được thông tin phát hiện lãng phí phải chuyển đến cơ quan tổ chức có thẩm quyền giải quyết.