|
Ảnh minh họa. |
Có người đã nói vứt đồ ăn như thế là tội ác. Biết thế, nhưng mà bánh chưng mốc, giò thiu... không vứt đi thì biết làm thế nào? Cố ăn thì có khi mang bệnh vào thân.
Dù đã bảo không mua sắm nhiều, nhưng mà Tết không mua không được, ít ra cũng phải có vài cái bánh chưng để thắp hương và để bóc ra khi có khách, phải có con gà để cúng Giao thừa, rồi thì mỗi thứ một ít để khi khách đến đột xuất còn có cái mà ăn... Thế rồi có khi mấy ngày Tết đi chơi, không ăn đến, mùng 5, mùng 6 mới về, sờ đến đồ ăn thì hỏng cả. Vậy chỉ còn nước vứt đi dù tiếc lắm chứ.
Tất nhiên, nói tiết kiệm thì phải tiết kiệm ngay từ khâu mua sắm. Nhưng mà trước Tết hàng hoá nhiều thế, bánh chưng, giò chả, rau quả, đồ ăn sẵn ngồn ngộn, chất như núi thế kia, không có người mua thì ế ẩm. Bánh kẹo còn để được, chứ đồ ăn sẵn... nếu ai cũng mua ít, thừa ra đấy, sau Tết, quá hạn thì chắc lại phải tái chế. Cho nên mua sắm là trách nhiệm của người tiêu dùng để hàng hoá được lưu thông. Không mua lại thấy áy náy như người có lỗi. Có lẽ đó cũng là một tâm lý mới.
Nhiều người lên án người Việt Nam còn nghèo mà lại lãng phí, người nước ngoài giàu thế vẫn tiết kiệm... Nhưng vừa rồi xem chương trình truyền hình một cuộc thi nấu ăn, cứ mỗi đĩa thức ăn không đủ tiêu chuẩn là giám khảo ném vào thùng rác, đĩa thì vỡ, đồ ăn thì bỏ đi. Nếu theo quan điểm tiết kiệm thì đây là hành động không thể chấp nhận được. Nhưng trong xã hội tiêu dùng, có thể đây lại là chuyện bình thường.
Nhà văn Murakami của Nhật Bản đã viết: Sự lãng phí khiến xã hội phát triển. Người ta có mua nhiều, dùng nhiều thì mới sản xuất được nhiều, bán được nhiều. Nghĩ cũng đúng! Chứ như các cụ xưa, một cái nồi đồng dùng đến mấy đời thì các nhà sản xuất hàng gia dụng ngày nay đến phải đóng cửa mất.
Tất nhiên cái sự tiết kiệm vẫn là cần thiết. Mua sắm phải phù hợp với hoàn cảnh của mình. Đừng vung tay quá trán, làm ít tiêu nhiều đến mức phải mang nợ. Vậy nên điều quan trọng nhất vẫn là phải biết thế nào là đủ, thế nào là phù hợp với mình.