Tiết lộ Ban chuyên án vụ án Nguyễn Hải Dương thảm sát 6 người

Google News

(Kiến Thức) - Ban chỉ đạo chuyên án thảm sát ở Bình Phước mà nghi can là Nguyễn Hải Dương do Thượng tướng Lê Quý Vương, UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng ban.

Ngay sau vụ thảm án kinh hoàng ở Bình Dương khiến 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ (48 tuổi, chủ Công ty gỗ Quốc Anh, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) bị giết chết rạng sáng 7/7, theo Báo Công An Nhân dân, thực hiện sự chỉ đạo của Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thì một Ban chuyên án vụ thảm sát Bình Phước đã được thành lập. Nhiều tướng lĩnh, điều tra viên cao cấp, trinh sát giỏi đã được huy động. Trong số đó, nhiều người đã từng tham gia những chuyên án nổi tiếng như vụ án Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa.
Tiet lo Ban chuyen an vu an Nguyen Hai Duong tham sat 6 nguoi
Thượng tướng Lê Quý Vương, UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng ban chỉ đạo chuyên án thảm sát ở Bình Dương. Ảnh: Chinhphu.vn 
Ban chỉ đạo chuyên án do Thượng tướng Lê Quý Vương, UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng ban. Ban chuyên án do Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát làm Trưởng ban. Lãnh đạo các Tổng cục Cảnh sát, An ninh, các Cục nghiệp vụ: C44, C45, C46, C54, C53, A70, A71 – Bộ Công an; Phòng PC44, PC45, PC46, PC47, PC54, PA71 và Công an huyện Chơn Thành, Bình Phước là thành viên chuyên án.
Với sự nỗ lực cao độ của Ban chuyên án, phối kết hợp các biện pháp nghiệp vụ cùng thông tin của quần chúng nhân dân tố giác tội phạm, sau 4 ngày nỗ lực điều tra truy tìm hung thủ, đến 15h ngày 10/7, Ban chuyên án đã bắt giữ được 2 nghi can: Nguyễn Hải Dương (SN 1/2/1991 tại An Giang) và Vũ Văn Tiến (SN 21/10/1991).
Qua đấu tranh khai thác, hai đối tượng đã cúi đầu thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Diễn biến quá trình buộc Nguyễn Hải Dương nhận tội thảm sát được Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến (Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - người trực tiếp nói chuyện với nghi phạm Nguyễn Hải Dương) chia sẻ: Cùng với việc thu thập dấu vết, cảnh sát tập trung xác minh các mối quan hệ của từng nạn nhân, trong đó tìm hiểu xem ai trong số họ đang có mâu thuẫn. Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang), người yêu cũ của con gái đại gia Bình Phước, do vậy nằm trong "tầm ngắm" của Ban chuyên án.
Ban chuyên án xác định, Dương từng có thời gian ở cùng nhà với gia đình ông Lê Văn Mỹ. Trước khi xảy ra thảm án, Dương bị con gái vị đại gia ngành gỗ chủ động nói lời chia tay. Giả thuyết về một vụ án trả thù tình được đặt ra bên cạnh hai hướng điều tra khác.
Rạng sáng 8/7, thi thể 6 nạn nhân được công an bàn giao cho gia đình tổ chức tang lễ. Sáng hôm đó, thấy Dương xuất hiện tại hiện trường, cảnh sát bí mật tiếp cận, khéo léo mời thanh niên quê An Giang về trụ sở hỗ trợ việc cung cấp thông tin, giúp truy tìm hung thủ.
Tại cơ quan công an, Dương trưng nhiều bằng chứng ngoại phạm, chứng minh mình vô tội. Để tránh rút dây động rừng, thanh niên này được cho về dưới sự theo dõi bí mật của trinh sát, đề phòng việc bỏ trốn.
Sau gần một ngày củng cố chứng cứ, đối chiếu tài liệu thu thập được và lời khai của Dương, cảnh sát một lần nữa mời anh ta lên làm việc. Lần này, tướng Tiến trực tiếp trò chuyện, động viên Dương khai trung thực về di biến động của mình trong thời điểm vụ án xảy ra.
"Lúc đầu, Dương tỏ ra lì lợm, đưa ra nhiều chứng cứ ngoại phạm. Anh ta tuyên bố im lặng cho đến khi có luật sư bào chữa", thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến kể về nghi phạm 9X.
Tuy nhiên, trước vị tướng dày dặn kinh nghiệm, những chứng cứ "ngoại phạm" của Dương lần lượt bị bẻ gãy. Bị khuất phục, thanh niên này khai nhận mình chính là hung thủ.
Từ lời khai của nghi can Dương, Ban chuyên án lên kế hoạch vây bắt đồng phạm Vũ Văn Tiến, quê Thanh Hóa, đang trốn khu trọ thuộc xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP HCM. 
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến khẳng định, cho tới bây giờ, tất cả các nhân chứng, vật chứng đã chứng minh vụ thảm sát này do hai hung thủ Dương và Tiến thực hiện.
Tiet lo Ban chuyen an vu an Nguyen Hai Duong tham sat 6 nguoi-Hinh-2
Thượng tướng Lê Quý Vương khẳng định chỉ có hai hung thủ gây ra vụ thảm sát ở Bình Phước. 
Tại buổi họp báo chiều nay (11/7), Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cũng khẳng định: “Bước đầu đối tượng Nguyễn Hải Dương đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Đến nay, chuyên án cơ bản kết thúc và chuyển sang giai đoạn tố tụng…”.
Đại tá Trần Thắng Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước cho biết, trong vòng một tháng, cơ quan điều tra sẽ đưa hung thủ vụ án thảm sát ở Bình Phước ra xét xử lưu động công khai.
Tiet lo Ban chuyen an vu an Nguyen Hai Duong tham sat 6 nguoi-Hinh-3
2 nghi can liên quan đến vụ thảm sát là Nguyễn Hải Dương (SN 1/2/1991 tại An Giang - ảnh phải) và Vũ Văn Tiến (SN 21/10/1991 - ảnh trái). 
Hiện, dư luận đang đặt câu hỏi: Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến sẽ phải chịu hình phạt như thế nào?
Theo nhận định của Luật sư Mạc Kính Thi, Công ty Luật Lincon & Brothers, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hành vi của hai bị can trên có đầy đủ yếu tố cấu thành 2 tội danh: "Giết người" - theo Điều 93 và "Cướp tài sản" – Điều 133 Bộ luật Hình sự với tổng hợp mức hình phạt cao nhất cho hai tội danh này là Tử hình.
Trong vụ giết người này, có nhiều tình tiết đáng chú ý như giết nhiều người, giết trẻ em (theo luật thì trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi), thực hiện tội phạm một cách man rợ, vì động cơ đê hèn (nếu hung thủ giết người với mục đích để trả thù tình vì nạn nhân có người yêu mới). Tất cả những tình tiết này đều được quy định tại khoản 1 điều 93 Bộ luật Hình sự về tội giết người.
Dưới đây là nội dung cụ thể của khoản 1 điều 93 và điều 133 Bộ luật Hình sự. Những nội dung chúng tôi in đậm là những tội mà hung thủ phạm phải.
Điều 93. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
1. Cướp tài sản: theo Điều 133 BLHS
Điều 133. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Vũ Anh

>> xem thêm

Bình luận(0)