Theo dự thảo Luật bảo hiểm xã hội chuẩn bị trình Quốc hội vào tháng này, nhiều người sẽ phải nhận mức lương hưu thấp hơn, trong khi độ tuổi nghỉ hưu lại được nâng lên.
Cụ thể, theo dự thảo trên, từ năm sau trở đi, lương hưu của khu vực nhà nước sẽ lấy mức bình quân đóng bảo hiểm xã hội của cả quá trình đóng, thay vì 10 năm cuối cùng của quãng đời làm việc như hiện nay, như vậy nhiều người sẽ nhận lương hưu thấp hơn.
|
Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, sắp tới tuổi nghỉ hưu của nam giới là 62 và nữ giới là 60. Ảnh minh họa. |
Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, tuổi hưởng lương hưu cũng sẽ được đưa ra lấy ý kiến quốc hội. Cụ thể, từ năm 2016 trở đi, tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức, cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đủ 62 tuổi đối với cả nam và nữ; hoặc đủ 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ.
Từ năm 2020 trở đi, sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại với lộ trình như trên. Như vậy, nam giới sẽ phải làm việc thêm 2 năm và nữ sẽ phải làm thêm 5-7 năm so với quy định hiện hành.
Như vậy, có thể hiểu sắp tới, người lao động phải đi làm nhiều thời gian hơn, và hưởng lương hưu thấp hơn.
Những thông tin này đã tạo nên cuộc tranh luận sôi sục trong dư luận cũng như trên các trang mạng ngay sau khi đăng tải, trong đó hầu hết ý kiến đều không tán thành với dự thảo này.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, phân tích: “Theo các số liệu thống kê mà tôi được biết, kiến nghị tăng tuổi nghỉ hưu ngoài việc tác động vào nhóm muốn nghỉ hưu sớm còn có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến cơ hội việc làm của giới trẻ. Theo con số đã được ngành chức năng công bố cho thấy có một lượng không nhỏ lao động có trình độ cao không có khả năng hoặc khó có khả năng tìm được việc làm. Cụ thể, trên phạm vi toàn quốc hiện có thêm 72.000 lao động thuộc nhóm có trình độ đại học. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động trình độ đại học trở lên tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo tôi việc quy định nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình phải căn cứ vào tình trạng sức khoẻ, thể chất, điều kiện, môi trường làm việc của người lao động. Đối tượng chúng ta cần nghiên cứu nhiều nhất đó chính là lực lượng lao động trực tiếp sản xuất, bởi đây là đối tượng chịu nhiều áp lực công việc. Một yêu cầu nữa đó chính là tăng tuổi hưu nhưng không tạo sức ép về việc làm cũng như hạn chế cơ hội tìm việc làm của lao động trẻ”.
|
Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương. |
Trên một diễn đàn, thành viên có nickname Aprilbride cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là không hợp lý, là có lợi ích nhóm, trong nhiều trường hợp còn vi phạm luật. “Tại sao chúng ta không quan tâm đến hàng vạn sinh viên ra trường hiện nay đang thất nghiệp?”, bạn đọc này đặt câu hỏi.
Theo bạn đọc Mạnh Hiếu, hiện nay, nước ta đang trong thời kỳ phát triển, lực lượng lao động tương đối đông, chiếm số lượng lớn. Tuy nhiên, đối với nữ tuổi nghỉ hưu tăng từ 55 lên 60 tuổi sẽ rất bất cập. Độ tuổi này đối với nữ là khá lớn, sức khỏe yếu, đầu óc, tác phong không nhanh nhẹn, khả năng đáp ứng công việc được giao là khó. Tâm lý cũng sẽ ỷ lại, vin vào cớ già rồi, cả đời cống hiến, nay còn chưa được về hưu. Ngoài ra, việc vướng bận gia đình là rào cản lớn, hầu hết đều muốn dành thời gian chăm sóc các cháu nội ngoại. Chính vì vậy, việc tăng tuổi hưu là gánh nặng cho bản thân nữ lao động cũng như đồng nghiệp.
“Thiết nghĩ, nên cân nhắc kỹ khi đưa ra quyết định này, trừ những người có học vị cao hoặc những nhà nghiên cứu, đã đóng góp nhiều cho xã hội. Còn những lao động khác ngồi lâu để làm gì, khi sức đã gần cạn, nhất là những ngành nghề độc hại, nguy hiểm hoặc lao động chân tay?”, độc giả Mạnh Hiếu nói.
Còn bạn đọc Trần Thanh Hà mặc dù không phản đối gay gắt dự thảo trên, nhưng đưa ra ý kiến phải có luật riêng về tuổi nghỉ hưu cho những đối tượng lao động trực tiếp và gián tiếp. Vì người lao động chân tay sẽ không đủ sức khỏe để làm đến 60 tuổi. “Tuổi cao có mấy ai đảm bảo sức khỏe đâu, vì vậy chỉ nên khuyến khích họ làm chứ không nên bắt họ phải làm thêm”, Thanh Hà nói.
Bạn đọc Vinh Nguyên cho rằng cần làm rõ mục tiêu của dự thảo này, nếu là để giảm áp lực cho quỹ bảo hiểm xã hội thì có nhiều biện pháp khác để xem xét như cần giảm bớt biên chế, loại bỏ những người làm công ăn lương “vật vờ”…, chứ không nên tăng tuổi nghỉ hưu, nhất là lại tăng mạnh với giới nữ như vậy.
Độc giả Nguyễn Văn Hải nêu ý kiến: “Sao lại lo vỡ quỹ bảo hiểm xã hội? Bộ máy quản lý của cơ quan bảo hiểm xã hội quá cồng kềnh, chi phí cho bộ máy quản lý lớn, chi phí cho việc mua sắm tài sản phục vụ cho bộ máy nữa... Ta không nên đỗ lỗi cho người lao động "sống dai quá" nên vỡ quỹ. Đề nghị Quốc hội giữ lại độ tuổi nghỉ hưu như cũ, nếu lớn tuổi quá còn làm việc thì hiệu quả lao động kém, tỷ lệ thất nghiệp tăng, .... bao nhiêu vấn đề sẽ xảy ra vì thất nghiệp”.
Bạn đọc Lê Hải Yến cho rằng, nếu quỹ bảo hiểm xã hội có nguy cơ vỡ thì ta tăng mức đóng bảo hiểm xã hội lên 2 hoặc 3 % nữa và kêu gọi các công ty, xí nghiệp và cán bộ ai đóng góp nhiều thì được hưởng lương hưu nhiều, không nên tăng tuổi về hưu. Bên cạnh đó, cần bàn đến công tác tổ chức bộ máy quản lý quỹ. Nếu như bộ máy cồng kềnh không tinh giảm thì cho dù có tăng tuổi nghỉ hưu cũng khó giải quyết nguồn gốc vấn đề. Một vấn đề nữa cần phải làm triệt để đó là yêu cầu tất cả doanh nghiệp trên cả nước phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, không được nợ, chây ì...
Có quá nhiều ý kiến không đồng tình với dự thảo luật trên. Vậy chuyên gia trong ngành bảo hiểm xã hội nói gì?
Theo ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP HCM, về nâng cao tuổi nghỉ hưu để cân đối, tránh vỡ quỹ hưu trí, tử tuất, ông Sang cho rằng đây là giải pháp cần thiết nhưng không căn cơ. Thực chất việc nâng tuổi nghỉ hưu cao hơn hiện tại cũng chỉ kéo dài thời gian mất cân đối thêm vài năm, thay vì mất cân đối vào năm 2034.
Ông Sang phân tích thêm, thời gian tới các khoản thu chi hết cho các khoản chi nên giải pháp trước mắt kéo dài thời gian quỹ mất cân đối bằng cách tăng số người tham gia, mức lương đóng cao lên, thời gian đóng kéo dài hơn, tính toán thu nhiều hơn chi...
Về việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, ông Sang thẳng thắn: “Không nên kỳ vọng quá nhiều vào loại hình bảo hiểm này, vì thực chất loại hình bảo hiểm này mức đóng cao gấp 2,75 lần nhưng mức hưởng lại quá thấp (2,5 lần), thời gian kéo dài 20 năm khiến người dân chưa mặn mà. Chẳng hạn một người chọn mức thu nhập 2 triệu đồng thì mỗi tháng phải trích đóng khoảng 440.000 đồng. Sau 20 năm đóng liên tục như vậy, tương ứng với lương hưu 1,1 triệu đồng/tháng (mức hưởng 55%). “Bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ là lối thoát cho những người đã tham gia bảo hiểm xã hội lâu năm bị gián đoạn, họ tiếp tục đóng đủ thời gian để sau này có sổ hưu mà thôi. Còn những người bình thường không ai đủ kiên nhẫn đóng liên tục 20 năm để sau này chờ hưởng lương, vì tính trên mức chênh lệch không có lợi”, ông Sang nói.