Tính đến 18h hôm qua, Bình Định có 17 người chết, mất tích; Quảng Ngãi 13 người chết; Quảng Nam 5 người chết; Gia Lai 3 người chết, mất tích; Kon Tum, Phú Yên mỗi tỉnh 1 người chết.
Lũ dữ còn khiến cho 53 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 166 nhà tốc mái và hơn 100.000 nhà bị ngập, trong đó nhiều nhất là ở Bình Định với gần 99.000 nhà.
Đến chiều qua 17/11, lũ rút rất chậm, hàng nghìn ngôi nhà vẫn ngập chìm trong nước lũ, hơn 1.000 ha lúa, gần 700 ha hoa màu bị ngập úng. Các hồ thủy điện vẫn tiếp tục xả lũ.
|
Hai cụ già trong căn nhà ngập gần nửa ở vùng lũ nhận hàng cứu trợ. |
Theo thống kê của Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, hiện còn 59.042 ngôi nhà bị ngập, trong đó nhiều nhất là ở huyện Đại Lộc với 34.000 nhà. Các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên và TP Hội An (Quảng Nam) vẫn ngập, nhất là những vùng trũng ở hạ du sông Thu Bồn.
Trớ trêu nhất là chuyện hàng trăm triệu đồng lương hưu, chế độ ở xã Gari (huyện miền núi Tây Giang, Quảng Nam) cũng bị lũ dữ cướp mất. Ngày 14/11, anh Bríu Ngô (cán bộ chi trả của xã Gari) đi xe máy xuống kho bạc của huyện Tây Giang nhận tiền lương hưu về phát cho người dân của xã. .
Đến ngày 15/11, anh Bríu Ngô mang 641 triệu đồng trở về xã thì vừa lúc mưa to gió lớn, nước lũ đổ về nhanh, chảy xiết. Khi đi qua con suối thuộc thôn Knoonh (xã AXan), anh Ngô nhờ người dân đẩy xe máy để qua con suối nhưng nước lũ chảy mạnh khiến xe máy và túi tiền cột trên xe bị trôi, rất may anh Ngô không bị lũ cuốn đi. Khi túi tiền vớt lên, chỉ còn lại hơn 2,5 triệu đồng.
Ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch huyện Đại Lộc, cho biết, đến chiều 17/11, mực nước ở mức xấp xỉ báo động 2 (7m 96). Hầu hết tuyến đường tỉnh lộ bị ngập.
Tại thị trấn Ái Nghĩa, đoạn qua cầu Ngoại Thương, nước vẫn ngập 80cm. Đường 609 đoạn qua địa phận Ba Khe nước vẫn ngập 1m. Các xã Đại Sơn, Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Hồng đã bị cô lập, do hầu hết tuyến đường tỉnh lộ đều ngập nước. Hiện chưa thể tiếp cận nhiều địa phương, chủ yếu huy động lực lượng xung kích của thôn ứng cứu dân.
Tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), ông Trần Văn Thường, Chủ tịch UBND huyện, cho biết nước lũ cơ bản đã rút. Quốc lộ 14G, đoạn qua xã Hòa Phú, các tuyến đường liên xã Hòa Phong, Hòa Tiến bị sạt lở. Không có thiệt hại về người, nhưng nhiều gia súc, gia cầm bị cuốn trôi.
Từ Quảng Nam đến Phú Yên đã sơ tán gần 79.000 người dân từ các vùng ven biển, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trũng thấp... Riêng Quảng Ngãi di dời gần 67.000 người.
Mưa lũ đã làm mố cầu Bình Định bị lở, hỏng 30m đường dẫn cầu khiến giao thông trên quốc lộ 1A bị ngưng trệ. Tổng cục Đường bộ đã phân luồng phương tiện đi theo quốc lộ 1 cũ. Dự kiến đến hết ngày 19/11 sự cố mới được khắc phục để thông tuyến quốc lộ 1A.
Bình Định là tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất. Trong đó, huyện Tuy Phước ngập 80% diện tích, nhiều xã bị nước lũ chia cắt, cô lập. Toàn bộ hệ thống đê Đông bị ngập, độ sâu ngập trung bình 0,5m, chỗ sâu nhất 1m