Chủ trì hội nghị, ông Nguyễn Bá Thanh tâm tình: “Nội chính là lĩnh vực không tiếng súng nhưng đầy hiểm nguy. Cứ đụng đâu “chém” đó thì không nên nhưng tham nhũng hàng chục, hàng trăm tỉ đồng thì phải đụng thôi. Cũng phải đương đầu với thế lực bao che tham nhũng, nhóm lợi ích, dựng chuyện, vu khống, gài bẫy, hãm hại…”.
|
Ông Nguyễn Bá Thanh trao đổi với lãnh đạo Ban Nội chính các tỉnh, thành. |
Ông Thanh cho biết: “Tôi đã nghe 6 vụ rồi, có vụ lên đến mấy ngàn tỉ thất thoát, đằng sau sự thất thoát có tham nhũng”. “Chuyện tham nhũng đã bị lên án nhiều rồi, nói không còn lời lẽ gì nữa, hết mức rồi nhưng không làm được nhiều, có người nói là nội xâm, có người nói là bầy sâu nên bây giờ đừng nói một đường làm một nẻo nữa mà dân thêm mất niềm tin”, ông nói và nhắn gửi đến lãnh đạo Ban Nội chính các tỉnh, thành là sau khi đã ổn định tổ chức rồi thì đừng cầu toàn. Ngừng trong chốc lát, ông Thanh đề nghị “phải xáp vô làm ngay, không chờ đợi gì nữa, làm một cách quyết liệt, có hiệu quả”.
“Vừa làm vừa giữ mình”
Rất nhiều vấn đề mà các tỉnh thành còn băn khoăn và đặt ra trong phần thảo luận về công tác nghiệp vụ được người đứng đầu Ban Nội chính T.Ư giải đáp tường tận.
Phó ban Nội chính tỉnh Long An Nguyễn Văn Ngài nêu lên một số trăn trở liên quan đến việc “tách rồi nhập, nhập rồi tách”. Ông Thanh dẫn ra thực trạng trước đây các địa phương cũng từng xảy ra chuyện nhập tỉnh rồi tách tỉnh, “nhưng bây giờ ban đã thành lập rồi thì cứ làm đi đã, chuyện nếu có giải tán gì thì để tính sau. Giờ vừa làm vừa giữ mình để tồn tại lâu dài”.
Người đứng đầu Ban Nội chính T.Ư cũng dành thời gian chia sẻ về những cái khó trong buổi đầu để các ban ở tỉnh thành đi vào hoạt động. “Có những cái khó vô cùng tận vì chưa đủ quân, chưa đủ lực, có nơi có chiếc xe để đi lại mà mới chạy một lúc thì tắt máy, phải đẩy”, ông nhìn nhận, và nói: “Các anh đề cao tinh thần trách nhiệm mà làm. Tập thể giao mình làm chứ không phải cá nhân mình muốn”.
“Công việc ngồn ngộn còn bao nhiêu thứ như thế. Tôi sẽ đề nghị Tổng bí thư hằng tháng phải giao ban một lần vì các tỉnh làm sao không có chuyện này hoặc chuyện kia được”, ông cho biết thêm, và đề nghị "khi các ban có chuyện gì thì cứ bám chặt ông bí thư (tỉnh, thành - PV), đầu giờ sáng và cuối giờ chiều thiếu gì thời giờ để hỏi”.
Theo ông Thanh, ngoài các nhiệm vụ chính được quy định từ T.Ư, Ban Nội chính các tỉnh thành có thể làm thêm các nhiệm vụ do Ban Thường vụ giao, “tinh thần là như thế, không thống nhất bắt buộc trong toàn quốc chi hết, cứ bám chặt chỉ đạo của thường trực tỉnh ủy, thành ủy”.
“Các anh phía nam sao hỏi ít”
Có những lúc hội trường trầm lắng, ông Thanh khơi gợi “các anh phía nam sao hỏi ít, chứ phía bắc hỏi nhiều lắm, thảo luận sôi nổi lắm á”, có khi ông lại nói vui “văn phòng chuẩn bị nước để giải lao sớm”, thì hàng loạt vấn đề lại được đặt ra.
Trưởng ban Nội chính tỉnh Long An Đỗ Văn Dũng băn khoăn: “Ban Nội chính có chức năng kiểm tra, giám sát nhưng về đối tượng kiểm tra, giám sát thì thấy còn lấn cấn với Ủy ban Kiểm tra. Suy nghĩ hoài vẫn chưa biết cái gì Ban Nội chính chủ trì, cái gì Ủy ban Kiểm tra chủ trì?”.
“Tất cả đối tượng cấp ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy thì các đồng chí có quyền kiểm tra, giám sát. Còn về chủ trì thì tùy theo từng vụ việc mà thường trực giao cho ai chủ trì thì người đó chủ trì”, ông Thanh nói, và lưu ý: "Có những ông giám đốc như Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoài Đức không thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, nhưng khi xảy ra chuyện đơn thư tố cáo sai phạm thì các anh cũng có quyền xem xét, thẩm tra bởi quy mô sai phạm không lớn nhưng hoạt động có tổ chức, tính chất vô cùng nguy hiểm, liên quan đến sinh mạng con người”.
Giữa lúc nhiều vấn đề nghiệp vụ đang được đặt ra, bất ngờ có một ý kiến “nên chọn ngày sinh nhật của Ban Nội chính để cho anh em gặp mặt trong ngày truyền thống”. “Giờ chọn ngày thì không biết nên chọn ngày chi hè. Tui thấy ông doanh nhân ngày 13 nên cứ làm ăn thua lỗ hoài. Chắc chuyện này cũng phải nghĩ nhưng giờ thì cứ làm đi đã, chứ làm không tốt thì có gặp mặt nhau cũng không biết nói cái chi. Cứ lo làm đi cái đã”, ông chia sẻ.
“Không phải đưa đâu nhận đó”
Nhiều ý kiến băn khoăn về việc với những bản án xử sai, dư luận xã hội nói có tiêu cực nhưng sau đó không được kháng nghị, không được cấp phúc thẩm xem xét, thì Ban Nội chính có quyền kiểm tra, giám sát trách nhiệm của thẩm phán hoặc các bên liên quan hay không? Theo ông Thanh, Ban Nội chính không làm thay chức năng của các cơ quan tố tụng, không khởi tố, không truy tố, không phán xét nhưng có quyền có ý kiến nếu người ta làm không đúng, “nhưng mà có điều khó, anh phải hiểu biết đủ sức để góp ý”.
Ông Thanh “nói nôm na” như trên một chiếc xe, hai ông ngồi hai bên. Người lái thì có nhiệm vụ lái, nhưng người ngồi cạnh cũng phải biết giám sát, yêu cầu người lái đi đúng phần đường, nếu lấn qua làn thì không được, “thậm chí cũng phải biết đường đi chứ, như đi Cần Thơ mà không biết đường rồi để người ta chạy tầm bậy thì biết lúc nào mới tới được”.
Ông Thanh cũng dẫn ra một số bất cập làm cho công tác phòng chống tham nhũng chưa phát huy được hiệu quả, như “10 người tham nhũng mà có đến 7 - 8 người án treo rồi thì răn đe ai được”. “Nhưng mà đồng chí Tổng bí thư đã có kết luận kiên quyết chấn chỉnh, mình cứ thế làm”, ông Thanh nói.
Với mong muốn các Ban Nội chính phát huy được chức năng và nhiệm vụ, ông Thanh nhắn gửi đến lãnh đạo Ban Nội chính các tỉnh, thành đừng để bị áp lực bởi chuyện “để chị lo”, “không phải đưa đâu nhận đó” và “đừng nói một đằng làm một nẻo mà khiến dân mất thêm niềm tin”. Theo ông Thanh, phải làm sao để xây dựng được, áp dụng thành công nguyên tắc là “không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không cần tham nhũng và không muốn tham nhũng”.