“Các lực lượng gồm bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, Cục Kiểm ngư đang tăng cường, phối hợp chặt chẽ và dùng nhiều biện pháp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân trên vùng biển chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Cụ thể, các lực lượng sẽ phối hợp ngăn chặn tàu cá Trung Quốc tràn sang và có biện pháp bảo vệ ngư dân, kiên quyết bảo vệ chủ quyền. Chúng tôi đề nghị ngư dân các nước phải tôn trọng, thừa nhận chủ quyền trên biển của Việt Nam”. Chiều 23/12, ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh như trên khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.
Trước đó, tại một hội nghị tổng kết, có sự tham gia của đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Cảnh sát biển Việt Nam mới đây, Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết thời gian qua, hàng ngàn tàu cá Trung Quốc đã vào biển Việt Nam trái phép.
Hơn 3.720 tàu cá Trung Quốc vi phạm
Theo Cục Kiểm ngư Việt Nam, thời gian qua tình hình trên biển Đông tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Trung Quốc vừa tăng cường nhiều đợt diễn tập quân sự trên biển vừa duy trì lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam. Điều này gây ra áp lực đối với ngư dân Việt Nam hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
“Trong năm 2015, số tàu cá và ngư dân Việt Nam hoạt động hợp pháp trên ngư trường truyền thống thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc kiểm soát, xua đuổi, đập phá, tịch thu tài sản và đâm chìm vẫn tăng” - đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam thông tin.
Cụ thể, theo thống kê, trong năm 2015 số lượng tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam tăng so với năm trước. Tính từ đến tháng 11-2015 có gần 3.720 lượt/chiếc tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam, tăng hơn năm 2014 gần 1.770 lượt/chiếc. Ngoài ra, tính đến tháng 12-2015 có 93 vụ tai nạn tàu cá trên biển, trong đó 34 hư máy thả trôi, sáu vụ đâm va, 19 vụ mắc cạn phá nước, bốn vụ bị tàu Trung Quốc rượt đuổi…
Đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết thời gian qua đơn vị và các lực lượng khác phải thường xuyên bám sát ngư trường để tuần tra, kiểm soát và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh về hoạt động khai thác hải sản trên biển để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Cứng rắn với hành vi vô nhân đạo, bảo vệ ngư dân
Chiều 23/12, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM về việc tàu cá Trung Quốc gia tăng vi phạm, ông Võ Văn Trác - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho biết Hội Nghề cá Việt Nam cực lực lên án, phản đối hành động vi phạm của tàu cá Trung Quốc. “Đây là sự việc rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống ngư dân Việt Nam. Đặc biệt, các tàu cá của Trung Quốc còn vi phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam” - ông Trác nhấn mạnh.
Ông Trác cũng đề nghị thời gian tới, các đơn vị chức năng liên quan phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa, hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi; đồng thời không để Trung Quốc tái phạm ngày càng nghiêm trọng. Về phía ngư dân cũng cần nắm vững quy định trên biển để thực hiện cho đúng.
“Phía Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Ngoài ra, tàu cá Trung Quốc không cứu ngư dân gặp nạn trên biển mà còn có các hành động làm cho ngư dân gặp nạn là hành vi vô nhân đạo. Thời gian tới cơ quan chức năng cần có sự phối hợp cụ thể hơn để bảo vệ ngư dân trước sự tấn công của tàu cá nước ngoài. Chúng ta không trả đũa việc tàu cá Trung Quốc đập phá tàu của ngư dân ta nhưng phải có các hành động cụ thể, theo luật pháp quốc tế để cương quyết xử lý nhằm bảo vệ cho ngư dân Việt Nam” - ông Trác đề nghị.
Đồng tình, ông Lưu Văn Huy nói: “Nước ta có hơn 1 triệu lao động cùng hơn 120.000 tàu thuyền đánh bắt ngoài biển. Chúng ta có đầy đủ bằng chứng để khẳng định về chủ quyền vùng biển, quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông. Lực lượng kiểm ngư sẽ làm hết mình để đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền trên vùng biển”.
Hiện nay nhiều nước tăng cường tuần tra trên biển, trong đó có Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều tàu hải giám Trung Quốc đã tấn công một số tàu cá ngư dân Việt Nam.
Họ tấn công bằng nhiều cách như lấy ngư cụ, các trang thiết bị, lấy gần hết dầu chỉ còn để lại một ít để ngư dân vào bờ chứ không thể tiếp tục đánh bắt thủy hải sản. Họ làm bằng mọi giá, mọi cách để triệt tiêu động cơ đánh bắt của bà con trên ngư trường truyền thống của Việt Nam.
Ông LƯU VĂN HUY, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam