“Mỹ sẽ giúp VN mua tàu tuần tra cao tốc“

Google News

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry công bố gói tài trợ 32,5 triệu USD để tăng cường năng lực phòng vệ trên biển của các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

“Gói tài trợ này sẽ bao gồm việc đào tạo và mua tàu tuần tra cao tốc cho các lực lượng cảnh sát biển, giúp các nước Đông Nam Á thực hiện các hoạt động nhân đạo, kiểm soát và bảo vệ lãnh hải của họ” – Ngoại trưởng Kerry lý giải. Ông tái khẳng định lập trường của Mỹ không công nhận vùng phòng không của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc không nên có hành động đơn phương xác lập vùng phòng không tương tự ở những khu vực khác, đặc biệt tại Biển Đông.
Mỹ không công nhận vùng phòng không Trung Quốc
Ngoại trưởng Mỹ dẫn ví dụ về tình hình trên biển Hoa Đông. “Khi bàn về tranh chấp lãnh thổ, tôi đã thể hiện mối quan ngại sâu sắc trước tuyên bố của Trung Quốc về vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông. Việc làm này rõ ràng làm tăng nguy cơ có sự tính toán sai, hoặc một sai sót ngoài ý muốn có thể làm leo thang căng thẳng hơn nữa” – ông nói. Ngoại trưởng Kerry đã tái khẳng định với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh rằng Mỹ không công nhận và không chấp nhận vùng này.
“Tuyên bố của Trung Quốc sẽ không làm thay đổi cách thức mà Mỹ đang thực hiện các hoạt động quân sự của mình trong khu vực. Đây là một quan ngại chúng tôi đã bày tỏ rất thẳng thắn và trực tiếp với Trung Quốc, rằng không nên xác lập vùng phòng không đó. Trung Quốc cũng không nên có những hành động đơn phương xác lập vùng phòng không tương tự ở những khu vực khác, đặc biệt tại Biển Đông” – ông nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định “hòa bình và ổn định ở Biển Đông là một ưu tiên hàng đầu” của Mỹ và các nước trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh sự “quan ngại và phản đối mạnh mẽ những hành động khiêu khích và gây sức ép nhằm đạt mưu đồ về chủ quyền lãnh thổ”.
 Ông Kerry được chào đón tại sân bay Nội Bài. 
Không thể có ổn định khu vực, nếu không có ổn định lãnh hải
Theo Ngoại trưởng Kerry, các nước tranh chấp có trách nhiệm phải giải trình rõ và bảo đảm những yêu cầu của họ là phù hợp với luật quốc tế. Các nước này có thể tham gia những cơ chế trọng tài cũng như nỗ lực ngoại giao. Ông Kerry cũng bày tỏ sự ủng hộ việc ASEAN sớm hoàn tất một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Ông khẳng định Mỹ đang nỗ lực phối hợp và làm việc để tăng cường an ninh khu vực như mở rộng hợp tác về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai và hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình mà VN sẽ lần đầu tiên tham gia vào năm tới.
Theo ông Kerry, một khu vực không thể có ổn định nếu không bảo vệ được sự ổn định lãnh hải của mình, Ông cho rằng COC có vai trò rất quan trọng trong tương lai dài hạn, song trong tương lai ngắn cần có những biện pháp để các nước “tránh được những tính toán sai lầm có thể làm leo thang căng thẳng”.
Về vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, an ninh hàng, an toàn hàng hải, chia sẻ quan điểm vấn đề biển Đông cần được giải quyết trên cơ sở hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế như UNCLOS 1982. Ông yêu cầu các bên phải tôn trọng Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông (DOC) và tiến tới COC giữa ASEAN và Trung Quốc.
Sớm thành lập Đại học Fulbright
Ông cho rằng, kể từ khi Mỹ bãi bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Việt Nam đã trở thành một quốc gia hiện đại và một đối tác quan trọng của Mỹ, với khoảng 40% dân số ở lứa tuổi dưới 25 đầy năng động. Tháng 7 vừa rồi, Tổng thống Obama và Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã nâng quan hệ song phương lên tầm mới, với tuyên bố về quan hệ đối tác toàn diện.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, giáo dục và các mối liên hệ nhân dân đang đặt nền móng cho quan hệ đối tác Việt-Mỹ gần gũi hơn trong các năm tới. Hiện nay có hơn 16.000 sinh viên VN đang học tập tại Mỹ, nhiều hơn hầu hết các quốc gia khác trên thế giới. Ông khẳng định sẽ làm việc chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để sớm thành lập một Đại học Fulbright tại Việt Nam trong tương lai gần.
Một lĩnh vực hợp tác khác mà Mỹ muốn thúc đẩy với Việt Nam là thương mại. Ông cho rằng đây là ví dụ rõ rệt nhất về những thành quả hai quốc gia đạt được trong 18 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ với nhau, khi thương mại hai chiều kể từ năm 1995 đã tăng gấp 50 lần.
Ông kỳ vọng, khi hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được hoàn tất sẽ góp phần nâng cao các chuẩn mực, bao gồm chuẩn lao động, thị trường mở và tạo thêm nhiều triệu việc làm không chỉ ở Mỹ và VN mà còn ở khắp các nước ở Châu Á – Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Mỹ cũng mong hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu với Việt Nam.
Ngoại trưởng Mỹ nhớ hình ảnh Hà Nội “thời xe đạp”
Chia sẻ những kỷ niệm cá nhân, Ngoại trưởng John Kerry nói: “Tôi rất vui mừng được có mặt tại Hà Nội lần đầu tiên với cương vị là Ngoại trưởng, để chứng kiến mối quan hệ Việt-Mỹ đang hướng tới chiều sâu và tiến lên phía trước. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với cá nhân tôi, không chỉ bởi lịch sử giữa hai nước mà là vì tương lai của hai nước chúng ta. “Không có nơi nào mà sự gia tăng về đầu tư, hợp tác được thể hiện rõ ràng như ngay ở đây tại Việt Nam”, ông khẳng định.
Ngoại trưởng Mỹ tâm sự: “Khi tôi đến Hà Nội vào năm 1991 trên tư cách dân sự và là một thượng nghị sỹ, tôi nhớ như in hình ảnh một thành phố Hà Nội khác hẳn hiện nay, hầu như không thể hiện sự năng động về mặt kinh tế, đời sống thương mại. Hà Nội lúc đó hầu như không có xe máy. Đa số mọi người đi bằng xe đạp, số khách sạn cũng không nhiều”. Song khi trở lại Hà Nội lần này, Ngoại trưởng Mỹ vô cùng ấn tượng trước sự năng động của thành phố, cũng như sức năng động lan tỏa trên khắp Việt Nam.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry tin rằng trong những năm tới, quan hệ Việt – Mỹ sẽ đạt được tiến bộ. “Mặc dù giữa hai nước có một lịch sử khó khăn, song những nỗ lực vừa qua đã thực sự phát huy tiềm năng hòa bình giữa hai nước. Chúng ta tiến gần kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, và tôi biết rằng, một Việt Nam thịnh vượng và tôn trọng quyền con người sẽ là một đối tác trọng yếu của Hoa Kỳ khi chúng ta đối phó với thách thức ở khu vực và thế giới”.
Theo Lao Động

Bình luận(0)