Dừng họp, khẩn cấp ứng phó bão số 5

Google News

(Kiến Thức) - Trước diễn biến cơn bão số 5, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã khẩn cấp chỉ đạo, hoãn tất cả các cuộc họp ngày 3/8, sẵn sàng thường trực phòng chống bão.

Các tỉnh gần tâm bão đi qua như Hải Phòng, Nam Định cũng đã chủ động, sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 5 (bão Jeri).
Sáng 3/8, bão đổ bộ các tỉnh phía Đông Bắc Bộ
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 10h ngày 2/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 230km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Đường đi và vị trí cơn bão số 5. Ảnh: nchmf.gov.vn 
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km.
Đến 10h ngày 3/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, ngay sát bờ biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.
 Ảnh mây vệ tinh: nchmf.gov.vn
Từ tối nay (2/8), vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.
Từ sáng sớm 3/8, các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.
Từ ngày 3/8, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 – 5m.
Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.
Dừng họp, di dời dân tránh bão
Tại Quảng Ninh, sáng 2/8, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đọc đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, các ngành, địa phương triển khai các phương án phòng chống bão.
Để chủ động các biện pháp phòng chống bão, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu, dừng tất cả các cuộc họp của ngày 3/8, tất cả các ngành, địa phương đều phải thường trực chống bão 24h/ngày, theo dõi sát sao, chặt chẽ, thường xuyên thông tin về cơn bão; thông tin cho nhân dân biết về tình hình của cơn bão số 5, sẵn sàng các biện pháp phòng chống.

 Các tàu thuyền được chỉ đạo di chuyển về nơi an toàn tránh bão. Ảnh: Internet

Từ chiều 2/8 dừng toàn bộ các chuyến tàu tham quan và nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long cho đến khi bão tan; Cảng tàu khách, Sở VHTT&DL thông báo cho tất cả các chủ phương tiện, tour tuyến tạm dừng các hoạt động tham quan, du lịch trên Vịnh Hạ Long trong thời gian đang có bão.
Các địa phương Vân Đồn, Cô Tô thông báo đến các khách du lịch thông tin về cơn bão, yêu cầu di chuyển về nơi an toàn.
Đối với các phương tiện neo đậu tránh trú bão phải được neo cẩn thận; các địa phương lên danh sách cụ thể và thực hiện di dời những hộ dân đang sinh sống trên các ao đầm nuôi trồng thủy sản, ngư dân sinh sống trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long lên bờ xong trước 8 giờ sáng 3/8.
Tại Hải Phòng, chiều qua (1/8), Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Điền đã chủ trì cuộc làm việc với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCBL&TKCN) các ngành, đơn vị liên quan bàn biện pháp phòng chống cơn bão số 5.
Theo dự báo, cơn bão số 5 có thể gây mưa lớn trên diện rộng, đây thực sự là mối lo ngại, vì Hải Phòng vừa trải qua đợt mưa lớn diễn ra liên tục trong hơn 10 ngày. Trước diễn biến của cơn bão, Chủ tịch Dương Anh Điền chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, các lực lượng liên quan, theo dõi, chủ động có phương án phòng, chống bão ở mức cao nhất.
Sáng nay (2/8), UBND tỉnh Nam Định cũng tổ chức họp khẩn cấp với các ngành thành viên Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, triển khai các biện pháp phòng, chống cơn bão số 5.
Sau khi nghe báo cáo tiến độ công tác chuẩn bị và các biện pháp ứng phó với cơn bão số 5, kết quả xử lý các công trình đê điều, việc tiêu thoát nước, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Tuấn, nhận định: "Theo dự báo, cơn bão số 5 có diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta vào thời điểm triều cường. Vì vậy các cấp, các ngành, các địa phương phải tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ đối phó với cơn bão số 5 theo đúng chức năng và sát với tình hình bão lũ cụ thể, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là".
Anh Tuấn

Bình luận(0)