"Đổ cho Dương Chí Dũng nhận tham ô là sai"

Google News

(Kiến Thức) - Luật sư Trần Đình Triển khẳng định: "Bản án cũ là đổ cho Dương Chí Dũng nhận tham ô là sai, quá trình điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm đã có vi phạm tố tụng nghiêm trọng".

Giám đốc điều hành công ty Addpower Pte Ltd (AP) và đại diện cho công ty trong việc mua bán ụ nổi 83M là ông Goh Hoon Seow cho biết (qua văn bản), Dương Chí Dũng không liên quan thương vụ ụ nổi và khoản 1,66 triệu đô không phải để lại quả mà chuyển Tín dụng thư (liên quan tới chi phí hồ sơ, hải quan nhập khẩu...) Ngoài ra, ông này cũng nhấn mạnh, công ty AP chỉ làm việc với cá nhân ông Trần Hải Sơn. 
Dư luận đặt ra câu hỏi, với những tuyên bố trên, Dương Chí Dũng có được giảm án để thoát án tử hình.
 Dương Chí Dũng (áo trắng) tại phiên tòa phúc thẩm.
Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân cho biết, văn bản mà Giám đốc điều hành AP ký là đúng luật, có giá trị pháp lý. Trong văn bản đều có chữ ký xác nhận của công chứng viên Lui Jong Sim và đóng dấu của phòng công chứng Singapore vào ngày 16/4/2014. Hơn nữa, văn bản có sự “Chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự”, có đóng dấu của Đại sứ quán nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Singapore.
Luật sư Trần Đình Triển cho biết, tại tòa ông đã công bố văn bản trên (ông thu thập ở Singapore). Đó cũng là lời tuyên thệ của ông Goh Hoon Hoew (Giám đốc điều hành AP, người đại diện công ty trong việc mua bán ụ nổi).
“Tại lời tuyên thệ, ông Goh cho biết chưa từng liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với ông Dương Chí Dũng và ông Mai Văn Phúc trong vụ bán ụ nổi 83M. Khoản tiền 1,666 triệu USD là phí giao dịch, phí bảo hiểm của 83M chứ không phải khoản tiền lại quả.
Lời tuyên thệ của ông Goh Hoon Hoew cũng nêu rõ, việc thanh toán mua ụ nổi 83M được thực hiện dưới hình thức Tín dụng thư của Vinalines theo thỏa thuận mua bán. Số tiền 1,666 triệu USD là một phần của khoản thanh toán theo Tín dụng thư để trả cho việc chuẩn bị hồ sơ xin phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu liên quan đến ụ nổi 83M. Khi ký thỏa thuận, AP không hề biết công ty Phú Hà.
"Tôi không yêu cầu ông Sơn mở tài khoản của Phú Hà tại ngân hàng UOB. AP lần đầu nghe tới tên Phú Hà qua GS với tư cách là một công ty sẽ nhận các khoản thanh toán cho việc chuẩn bị hồ sơ xin phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu ụ nổi 83M sau khi Tín dụng thư được phát hành. Chi tiết tài khoản công ty của Phú Hà được ông Sơn gửi cho AP sau đó để tôi thực hiện thanh toán theo Tín dụng thư cho Phú Hà theo các điều khoản của bản thỏa thuận. Tôi không thỏa thuận với ông Dũng và ông Phúc về khoản tiền 1,666 triệu USD", ông Goh nêu rõ.
"Theo yêu cầu của ông Sơn, tôi đã ký một thỏa thuận đầu tư Dự án khai thác điểm thông quan nội địa (cảng cạn) ngay sau khi hoàn thành thỏa thuận mua bán ụ nổi 83M. Tôi không nhớ rõ ngày ký thỏa thuận này, không có bản sao của thỏa thuận và cũng không tham gia vào hoạt động của công ty liên doanh. Tôi nhớ có một tập tài liệu được ký để chấm dứt hoạt động của liên doanh này sau đó, cũng theo yêu cầu của ông Sơn", ông Goh viết trong bản tuyên thệ.
 Luật sư Trần Đình Triển.
Tóm lại, “bản án cũ là đổ cho Dương Chí Dũng nhận tham ô là sai, quá trình điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm đã có vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Các nước ASEAN đã ký hiệp định tương trợ tư pháp, vụ án chưa có kết quả tương trợ tư pháp từ phía Nga và Singapore nhưng vẫn được đưa ra xét xử. Vụ án không có kháng nghị, kháng cáo tăng hình phạt thì đại diện VKSND tối cao căn cứ vào đâu để đề nghị tăng mức hình phạt đối với Dương Chí Dũng. Ngay lời khai của bị cáo Trần Hải Sơn về các lần đưa tiền cho Dũng và Phúc là không chính xác về thời gian, địa điểm. Bây giờ cần làm rõ số tiền đó, ai nhận, ai hưởng cần làm rõ từ phía công ty ở Nga”, Luật sư Trần Đình Triển cho biết.
Luật sư Trần Đình Triển cũng tiết lộ thêm, trong phiên xử hôm qua, mặc dù luật sư đã cung cấp tài liệu cho VKS nhưng VKS vẫn đòi y án. Luật sư Triển đề nghị tòa phúc thẩm tuyên hủy một phần án sơ thẩm về tội tham ô tài sản, trả hồ sơ để điều tra lại.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Hoàng Cao Sang, Văn phòng luật sư Hoàng Việt Luật nhận định, nên hoãn phiên tòa để điều tra bổ sung cho bị cáo có cơ hội để chứng minh. “Giám đốc điều hành công ty AP nói Dương Chí Dũng không liên quan đến 1,66 triệu đô, bản thân Dương Chí Dũng tại phiên phúc thẩm đều khẳng định mình không tham ô, nếu đúng như thế và được làm rõ thì tội của Dương Chí Dũng chưa cấu thành tội tham ô. Lời khai của ông Trần Hải Sơn phải phù hợp với những chứng cứ khác thì mới có giá trị pháp lý”, Luật sư Sang nhìn nhận.
“Về khoản tiền bồi thường khắc phục hậu quả 4,7 tỷ đồng mà người nhà Dương Chí Dũng giao nộp, không rõ là số tiền đó để khắc phục cho tội tham ô hay cố ý làm trái. Tại tòa phúc thẩm, Dương Chí Dũng khai, số tiền 4,7 tỷ đồng nộp khắc phục hậu quả là do “để xảy ra tội cố ý làm trái, và tham ô trong cơ quan, cảm thấy có lỗi, nên bán hết tài sản, đã nộp lại 4,7 tỷ đồng”, chứ không nói rõ khắc phục cho tội nào. Như vậy, Tòa án cần phải làm rõ là khoản tiền 4,7 tỷ bị cáo Dương Chí Dũng khắc phục cho tội nào. Nếu bị cáo Dương Chí Dũng khẳng định là bị cáo không phạm tội tham ô và không khắc phục cho tội đó thì không được xem là tình tiết giảm nhẹ cho tội tham ô.
Nếu số tiền 4,7 tỷ đồng để khắc phục tội cố ý làm trái thì mức hình phạt của tội này có thể giảm xuống nhưng tổng chung mức án cho hai tội (nếu có) vẫn là tử hình.
Hải Ninh

Bình luận(0)