Dân vất lắm rồi, dừng ASIAD lại thôi!

Google News

(Kiến Thức) - Ông Nguyễn Lưu, một nhà báo kỳ cựu chuyên theo dõi mảng thể thao cho rằng, đến bây giờ vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy chúng ta sẽ tổ chức một kỳ ASIAD thành công. 

Chưa là cường quốc, đừng mong chủ nhà
Theo ông, nếu tổ chức ASIAD 18 vào năm 2019, Việt Nam sẽ được lợi gì?
Đó là dịp không gì quý hơn để quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam với bạn bè thế giới. Nó sẽ tạo điều kiện để nâng cao cơ sở hạ tầng, thúc đẩy thể thao phát triển. Đồng thời còn mở ra cơ hội phát triển cho du lịch. Nói chung, chúng ta có rất nhiều cái lợi.
Tại sao nhiều cái lợi như thế mà vẫn có rất nhiều ý kiến phản đối, thưa ông?
Bởi lẽ, thông thường trên thế giới, những nước nào dám hoặc được là chủ nhà của những kỳ đại hội thể thao lớn như OLYMPIC hoặc ASIAD phải đáp ứng được cả hai điều kiện: Cường quốc kinh tế và cường quốc thể thao. Công bằng mà nói, Việt Nam chưa thể là cường quốc ở cả hai lĩnh vực này. Về kinh tế, chúng ta là nước đang phát triển, nhất là khi suy thoái kinh tế diễn ra thì càng khó khăn hơn. Về thể thao thì tại ASIAD 16 (năm 2010 tại Quảng Châu), đến ngày cuối cùng đoàn Việt Nam mới đạt được 1 huy chương vàng karatedo. 
Trên thế giới đã có nước nào chỉ cần đáp ứng một trong hai điều kiện mà vẫn là chủ nhà ASIAD chưa?
Như tôi biết thì đến nay mới chỉ có Qatar là nước chủ nhà ASIAD năm 2006 và đoạt được 4 - 5 huy chương vàng. Tuy nhiên, điều quan trọng là họ giàu hơn chúng ta rất nhiều.
Nhà báo Nguyễn Lưu nói về việc tổ chức ASIAD 18 vào năm 2019. 
Không thể đem "ao làng" đấu với sông rộng
Nghĩa là, việc đăng cai ASIAD lần này chẳng khác nào trưởng giả học làm sang?
Đúng vậy. Đó là chưa kể dấu hiệu quá lạc quan khi đưa ra mục tiêu đoạt 10 - 15 huy chương vàng trong kỳ ASIAD này, nhưng tôi chắc chắn rằng điều đó là rất khó khăn. Vì đến thời điểm hiện tại, tôi chưa thấy có động tĩnh nào cho thấy một sự chuẩn bị nghiêm túc cho ASIAD. Thường thì khi một nước nào đó muốn làm chủ nhà của một kỳ đại hội thể thao tầm cỡ khu vực và quốc tế, người ta phải mất ít nhất từ 8 - 10 năm để đào tạo nguồn vận động viên triển vọng đoạt huy chương. Chưa kể, có khoảng 12 - 15 môn thể thao của ASIAD mà ta chưa chơi lần nào, như đua ngựa nghệ thuật, đua xe đạp lòng chảo...
Hình như ông đang lo xa quá, vì Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) cùng những người ủng hộ tổ chức ASIAD cho rằng chúng ta có thể tận dụng cơ sở hạ tầng đã xây dựng từ SEA Games 22 (năm 2003) để phục vụ cho ASIAD 18?
Các quan chức thể thao nói có tới 80% cơ sở hạ tầng cho ASIAD lấy lại từ SEA Games 22 nhưng tôi xin nói ngay: Phải phân biệt rạch ròi rằng cơ sở hạ tầng cho SEA Games khác xa cơ sở hạ tầng cho ASIAD, vì SEA Games chỉ như "ao làng", còn ASIAD có hơn 40 nước tham dự với các cường quốc như Trung Quốc, Nhật Bản... Đem ao làng đấu với sông rộng là không thể! Chưa kể các công trình của SEA Games có nhiều vấn đề, thậm chí có công trình đến giờ vẫn chưa được nghiệm thu cho nên không thể nói là hoàn toàn dựa vào cơ sở hạ tầng của SEA Games được. 
Tóm lại, dù ASIAD có mang lại rất nhiều thứ lợi, chúng ta đều mong đợi Việt Nam được là chủ nhà của kỳ đại hội thể thao lớn nhất châu lục, song xét về mọi khía cạnh, ở thời điểm này, cần phải rút lại để đợi cho thời cơ chín muồi. Nếu vẫn cố làm sẽ chẳng khác nào chiêm này không lo nổi mùa kia, còng lưng ra trả nợ.
Muốn đãi bạn, mâm bát cũng phải đủ chứ!
Đã có tiền lệ rút đăng cai ASIAD chưa, thưa ông?
Tôi chưa thấy có nước nào bỏ khi họ đã hoàn tất các thủ tục đăng cai. Họ chỉ bỏ sau khi đưa ra đề xuất đăng cai tổ chức ASIAD thôi, vào các năm 1970 và 1978.
Như vậy, mối lo của nhiều người rằng nếu bỏ ASIAD sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh quốc gia không phải là không có cơ sở?
Cái gọi là uy tín quốc gia thì hiểu như thế nào cho phải? Bây giờ, nếu tổ chức ASIAD mà sử dụng các công trình xuống cấp, chắp vá, tiền không đủ, chưa đào tạo được nguồn vận động viên và trọng tài... thì mới làm xấu hình ảnh đất nước. Đằng này, "tránh voi chả xấu mặt nào", biết lượng sức mình thì việc gì phải lo chuyện ấy! Việt Nam không thể hô hào rằng chúng tôi có tấm lòng để tiếp đón các bạn được, mà muốn tiếp đãi bạn cũng phải "mâm bát" đầy đủ chứ, phải có cơ sở hạ tầng tương xứng chứ. Tôi tin người dân sẵn sàng cùng Chính phủ chịu một khoản nộp phạt nào đó hơn là cố quá mức để tổ chức bằng được ASIAD 18 khi tất cả các điều kiện chưa sẵn sàng.
Tin vào sự sáng suốt của Chính phủ
Theo ông thì vì sao đến tận lúc này việc đăng cai ASIAD mới được Quốc hội, Chính phủ và dư luận nâng lên hạ xuống, thay vì chúng ta phải cân nhắc ngay từ những ngày đầu chuẩn bị cho việc đăng ký làm nước chủ nhà?
Tôi cũng thấy rất lạ và hơi bất ngờ. 
Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc này, thưa ông?
Đó phải là trách nhiệm của Bộ chủ quản chứ. Anh phải đo đạc được tầm vóc của vấn đề, phải xem cho chín muồi rồi báo cáo chứ anh làm như thế là sai quy trình rồi, không thể đổ cho bộ nọ hay ngành kia được.
Tuần này, Chính phủ sẽ quyết định xem Việt Nam có là chủ nhà ASIAD 18. Theo ông, khả năng nó được thông qua có cao không?
Tôi tin vào sự sáng suốt, vì dân của Chính phủ. Dân đã vất vả lắm rồi! Nên dừng ASIAD lại thôi, đợi thời cơ chín muồi cũng chưa muộn, dù có phải đợi sau chục năm nữa.
Giả dụ, người ta tính toán lại để vẫn tổ chức được ASIAD tiết kiệm, huy động được nguồn đầu tư từ xã hội hóa để giảm nguồn chi từ ngân sách thì theo ông có nên làm?
Thế nào là tiết kiệm? 150 triệu USD tôi chắc chắn là không đủ lo cho ASIAD đâu. Còn việc xã hội hóa để giảm gánh nặng cho ngân sách thì tôi không tin là huy động được. Đừng mơ doanh nghiệp bỏ tiền ra làm. Còn nếu họ làm thì ta cũng không thể chấp nhận được điều khoản mang tính đòi hỏi của họ. Nói chung là khó đấy. 
Trân trọng cảm ơn ông!
Năm 2011, trong đề án vận động đăng cai ASIAD 18, Bộ VH-TT&DL đã đưa ra dự toán tổng mức chi là 5.155 tỷ đồng (gần 300 triệu USD), trong đó ngân sách chiếm 4.979 tỷ đồng (96%).
Ngày 9/4/2011, Bộ Tài chính có công văn trả lời, nêu rõ: Khoản ngân sách 4.979 tỷ đồng là một gánh nặng với Nhà nước. Con số này thực tế sẽ cao hơn nhiều. Bộ cũng đề nghị chưa nên đăng cai.
Ngay sau đó, Bộ VH-TT&DL đã lùi con số 5.155 tỷ đồng xuống mức 3.000 tỷ đồng (150 triệu USD). Đồng thời, tỷ lệ ngân sách còn 28% (thay vì 96%), còn lại là nguồn huy động từ xã hội. Trong công văn ngày 8/7/2013, Bộ Tài chính cho rằng, khoản 72% kinh phí từ xã hội hóa này là thiếu căn cứ và đề nghị Bộ VH-TT&DL giải trình. Cho đến nay Bộ này giải trình vẫn chưa thuyết phục.
Tại phiên Chính phủ họp thường kỳ tháng 3 (1/4/2014), Thủ tướng chỉ đạo không khả thi không tổ chức ASIAD. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ tiếp tục giải trình. Trong tuần này, Chính phủ sẽ quyết định có nên tổ chức ASIAD hay không.
Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(0)