Ngày 29/8, tại buổi hợp báo, ông Giang Sơn – Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố: Nhân dịp Quốc khánh mùng 2/9 và kỷ niệm 68 năm Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định đặc xá năm 2013 cho 15.446 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện được hưởng đặc xá.
|
Công bố đặc xá cho các phạm nhân năm 2013 của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
|
Nhân dịp này, Chủ tịch nước cũng đã ký quyết định đặc xá cho 72 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, 5 người đang được đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2013.
Tại cuộc họp báo, ông Giang Sơn cũng phát biểu: Đặc xá năm 2013 một lần nữa khẳng định và thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội bị kết án phạt tù đã thực sự cải tạo tiến bộ, có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Trong những năm qua, Việt Nam đã tiến hành nhiều đượt đặc xá cho những phạm nhân có quá trình học tập, lao động, cải tạo tốt, trở về với cộng đồng và những phạm nhân đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù có điều kiện theo quy định của pháp luật là xuất phát từ bản chất nhân đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Theo ông Giang Sơn, Hội đồng tư vấn đặc xá năm nay, do một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch Hội đồng và các uỷ viên là đại diện lãnh đạo của các cơ quan: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, TAND tối cao, VKSND tối cao, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong đó, Bộ Công an là cơ quan thường trực.
Ông Giang Sơn cũng khẳng định: Đặc xá không có sự phân biệt đối xử hoặc hạn chế với bất kỳ phạm nhân nào cho dù họ là người Việt Nam hay người có quốc tịch nước ngoài nếu họ đủ điều kiện theo quy định đều được đặc xá. Trong quá trình xét, quyết định đặc xá cho các phạm nhân được thực hiện chặt chẽ, chính xác, công khai, công bằng, đảm bảo dân chủ….
Thực tiễn đã chứng minh, tuyệt đại đa số những người được đặc xá đã có ý thức hoàn lương, hướng thiện, nhanh chóng tái lập cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng. Chính vì vậy, để đạt được mục đích là giáo dục, cải tạo và đưa họ trở về cùng cộng đồng xã hội, để họ có cơ hội tiếp tục phấn đấu trở thành công dân có ích cho xã hội và không tái phạm thì các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội và mọi công dân tiếp tục quan tâm, quản lý, giáo dục, tạo điều kiện giúp đỡ người được đặc xá trở về hoà nhập cộng đồng như mục tiêu đã được đặt ra.
Qua các đợt đặc xá cho thấy, đây là những cơ hội để mỗi phạm nhân suy xét lại những lỗi lầm của họ đã phạm phải, tự mỗi người phải đánh giá kết quả cải tạo của mình, kiên quyết dứt bỏ quá khứ tội lỗi, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.