Từ một nước liên tục bị đặt dưới ách nô lệ, không có tên trên bản đồ thế giới, Việt Nam trở thành một quốc gia có vị thế bình đẳng với tất cả các nước thành viên Liên Hợp quốc (LHQ), thậm chí còn là Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an LHQ, có quân tham gia gìn giữ hòa bình quốc tế, là thành viên các nước ký Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS), là nước thành viên, từng chủ tọa các nhiều diễn đàn quốc tế quan trọng như Diễn đàn An ninh châu Á Shangri-La (SLD), hiệp hội APEC, ASEAN… Đó là thành quả kết tinh sau những cuộc trường chinh suốt lịch sử đấu tranh dựng nước - giữ nước trên một nguyên tắc tối thượng “Dĩ bất biến”: độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ là bất khả xâm phạm.
Không để mất một tấc đất của Cha ông
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa tính nguyên tắc, kiên định với tính linh hoạt, uyển chuyển tầm chiến lược trong nhiều thời kỳ.
Chưa bao giờ trong lịch sử 90 triệu dân Việt Nam cùng 5 triệu kiều bào ta ở nước ngoài có chung tiếng gọi tự hào Tổ quốc, một lá cờ đỏ sao vàng, một quốc ca, thống nhất ý chí hành động đến như thế, bởi một nguyên tắc “bất biến”- đó là chủ quyền thiêng liêng đã thấm đẫm mồ hôi và máu của thế hệ cha ông dày công khai phá mở cõi, chinh phục thiên nhiên thú dữ, đấu tranh chống ngoại xâm để có hình hài đất nước hôm nay .
Bởi vậy vụ giàn khoan Hải Dương 981 (HD 981) đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước, khơi dậy nỗi hận suốt hơn 4 thập kỷ về trận hải chiến Trường Sa 19/01/1974. Sự kiện hôm nay lật tung tất cả sự thật vốn bị dồn nén kìm hãm vì chữ “Nhẫn” để “dĩ hòa vi quý – một nhịn chín lành”, đồng thời mở ra một chương mới trong quan hệ Việt Nam với Trung Quốc trên nguyên tắc phải tôn trọng chủ quyền như tuyên ngôn bất hủ “Nam Quốc Sơn Hà chi hữu chủ” của Lý Thường Kiệt trên sông Như Nguyệt năm 1077, tuyên ngôn Độc lập 1945 và nay lại có Hiến chương LHQ và “Hiến pháp” quốc tế về Luật biển 1982 khẳng định bảo vệ.
Sự kiện không chỉ giữa hai nước mà là đánh thức, báo động toàn cầu về một trật tự thế giới đang bị thách thức bởi “Hiến pháp”, đặc biệt quốc tế là Luật Biển 1982 bảo hộ đang bị chà đạp, bị vẩn đục bởi sự kiện Hoàng Sa (1974), “đường lưỡi bò” phi lý (2009), vụ bãi cạn Philippines (2013) và vụ đột nhập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đầu tháng 5/2014. Chưa bao giờ trong lịch sử ngoại giao, toàn thế giới đang đồng tình ủng hộ bảo vệ Việt Nam theo Luật biển 1982. Từ tiếng nói trên diễn đàn LHQ, các nước ASEAN, các nước Liên minh châu Âu, cường quốc như Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc…. chưa bao giờ tại thủ đô của các cường quốc và nhiều nước trên thế giới lại rợp cờ đỏ sao vàng của kiều bào ta và bạn bè quốc tế đồng thanh ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo theo luật pháp quốc tế .
Chưa bao giờ Hoàng Sa - Trường Sa thiêng liêng được nhắc nhiều đến thế, trở thành tiêu điểm đặc biệt để chứng minh tính pháp lý của Luật Biển 1982 .
Khởi kiện đòi lại Trường Sa là thời cơ mang tính trọng trách
“Quyền chủ quyền – quyền tài phán” về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được các hội nghị quốc tế - quan trọng nhất là San Francisco 1951 và văn bản Hiệp định Genève 1954 với các cường quốc là Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ thừa nhận bằng chữ ký của các bên tham gia. Hoàng Sa là hòn đảo hoang dã trên Thái bình Dương được các triều đại phong kiến Việt Nam phát hiện, khai thác từ nhiều thế kỷ trước, được các nhà hàng hải quốc tế vẽ bản đồ ghi rõ thuộc chủ quyền An Nam và đậm nét nhất vào đầu thế kỷ 19 do triều đình nhà Nguyễn đã thực hiện… làm chủ 2 quần đảo.
Trong UNCLOS 82 “Đảo” là địa vật quan trọng nhất để xác lập chủ quyền, nhưng điều kiện “cần và đủ” là có cơ chế nghiêm ngặt về tọa độ, bề dày sở hữu qua thời gian, không gian, bằng văn bản pháp lý, nhân chứng vật chứng … chứ không phải là một đảo “nhân tạo” có được thừa nhận bằng hành vi cướp bóc xâm chiếm để ngụy tạo.
Tấm bản đồ cổ Trung Quốc - quà tặng từ tay Thủ tướng Đức 2013 tặng Chủ tịch TQ Tập Cận Bình có giá trị pháp lý và thông điệp ngoại giao thông minh. Bản đồ cổ do triều đình nhà Thanh – triều đại phong kiến cuối cùng của TQ phát hành (đầu thế kỷ XX), chỉ có Hải Nam là đảo cực Nam, trong khi triều Nguyễn (1802) đã có mặt khai thác, làm chủ trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Bản đồ Hàng hải của nhiều nước phương Tây xuất bản từ thế kỷ 18,19 đều ghi quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc An Nam. Thời Pháp thuộc đã đặt trạm khí tượng thủy văn, đèn hải đăng, cột phát sóng vô tuyến, lập mốc chủ quyền thực hiện chào cờ, bắn 21 phát đại bác rền biển trời và ký biên bản xác nhận chủ quyền. Châu Âu là chiếc nôi văn minh tìm ra châu Mỹ, Ấn Độ và nhiều quốc đảo.
Kẻ cướp cầm vũ khí xộc vào nhà, ta kháng cự, la ó, lên tiếng phản đối xua đuổi sẽ ngăn được tức thời nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm và tự biến mình thành nạn nhân của "bạo hành quốc tế" bởi họ đã rắp tâm làm được một lần thì sẽ còn làm nhiều lần! Thế giới sinh ra Hiến chương LHQ, Luật Biển, Tòa án tội phạm chiến tranh để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền sống, quyền bình đẳng và nền hòa bình cho cả nhân loại, giải quyết, xử lý những kẻ có hành vi ngang ngược, uy hiếp sự sống bằng bạo hành vũ lực. Nếu không làm tới nơi tới chốn, thì tính mạng hàng chục triệu ngư dân Việt Nam hoạt động trên biển và trên các đảo còn bị đe dọa. Không có chuyện “mạnh được, yếu thua”, “mềm nắn rắn buông” bất chấp chân lý, đạo lý của lãnh đạo Trung Quốc hành xử với Việt Nam trong suốt thời gian qua. Nếu không đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế thì chẳng thể giải quyết dứt điểm việc nhà lãnh đạo Trung Quốc đang rắp tâm xâm lược lãnh thổ, vùng trời, vùng biển đất nước Việt Nam!
Trách nhiệm của những người Việt Nam hôm nay là không để mất một tấc đất của Cha ông. Độc lập dân tộc “bất biến” thì Chủ quyền quốc gia cũng đồng nghĩa với vĩnh cữu .
Chúng ta trân trọng tình hữu nghị lâu đời nhưng không để bị o ép bắt nạt. Chúng ta phải hành động ngay, khởi kiện ra Tòa án Công lý Quốc tế (The International Court of Justice – ICJ) của LHQ và tòa án Luật Biển 1982 (ITLOS) là giải pháp mạnh, hữu hiệu có giá trị pháp lý quốc tế cao nhất để đòi lại bằng được Hoàng Sa mà không tốn xương máu. Đồng thời, giúp thế giới bảo vệ Hiến chương LHQ – Công ước UNCLOS không bị vẩn đục bởi sự kiện Hoàng Sa 1974, yêu sách “đường 9 đoạn” vô lý, vụ Bãi Cạn Philipin. Thế giới đang ủng hộ và chân lý đang là của chúng ta!
Khóa chặt các họng súng gây hấn để bảo vệ chủ quyền bằng pháp lý!
Luật Biển đề cao tính khoa học, giá trị lịch sử nhân văn, tạo dựng mối liên kết quốc tế, quyền lợi của mọi quốc gia có biển và không có biển trên các huyết mạch hàng hải quốc tế… Kẻ gây hấn đang tìm mọi cách nhằm châm ngòi nổ chiến sự trên biển để lập lờ “đánh lận đỏ đen trên chiếu bạc” chủ quyền. Bài học xung đột trên biên giới Trung-Xô 1969 tại đảo Damansky trên sông Ussuri và chiến sự trên biên giới Việt-Trung 17/2/1979 cho thấy bản chất cực kỳ nguy hiểm trong quan hệ “đồng chí tốt”, “láng giềng tốt” và “16 chữ” trên đầu môi chót lưỡi - chỉ là ngụy trang cho hành vi lấn chiếm lãnh thổ.
Việt Nam phải tự tin vì có đủ bằng chứng cụ thể để đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Muốn có hòa bình và giải quyết tất cả những cuộc xung đột bằng biện pháp hòa bình thì việc đưa Trung Quốc ra tòa là hành động đúng đắn, cần thiết nhất lúc này. Nếu như không đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế, không để cho cộng đồng quốc tế biết rõ sự vô nhân đạo, ngang ngược của Trung Quốc thì nhà cầm quyền đất nước này sẽ được nước làm tới?!
Khởi kiện ra tòa quốc tế là hành vi đối xử văn minh mà các quốc gia văn hiến khôn ngoan áp dụng để không cần dùng đến “cơ bắp”. Đây là lúc VN phải tỉnh táo để khóa chặt tất cả các họng súng hiếu chiến của TQ để kéo họ ra tòa công lý quốc tế, mà không cần năn nỉ đàm phán thanh minh, nên phán xử sòng phẳng bằng luật pháp quốc tế, bảo vệ nguyên tắc trật tự quốc tế theo Luật Biển 1982 và nguyên tắc “ bất biến” về chủ quyền quốc gia của VN đã được quốc tế nhiều lần thừa nhận. Ta minh bạch chủ quyền trước thế giới và họ cũng phải làm như ta vì thế giới!
“Ứng vạn biến” là nghệ thuật đấu tranh trong việc đồng loạt mở các mặt trận chính trị, ngoại giao nghị viện, ngoại giao nhân dân, mặt trận pháp lý đấu tranh kiên quyết để đòi chủ quyền Hoàng Sa khác hẳn với quan niệm “Dĩ hòa Vi quý” trong quan hệ quốc tế.
Với lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp chính phủ tháng 5/2014 “Chúng ta không kích động, không hận thù dân tộc nhưng trước việc làm sai trái đó không vì hữu nghị mà chúng ta giấu, không nói. Ta phải nói sự thật... Chúng ta cung cấp tới cộng đồng quốc tế hành vi sai phạm, sai trái ngang ngược của Trung Quốc.... Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viễn vông!”, thì một tấc đất cha ông cũng không thể để mất vì chủ quyền Quốc gia thiêng liêng là “Dĩ bất biến”. VN có đầy đủ quyền chủ quyền – quyền tài phán thì phải hành động ngay mà không phải tốn thời gian tranh luận hay bàn lùi.