Trong đêm mùng 7 và rạng sáng mùng 8/1 âm lịch (tức ngày 6/2,7/2), ở xung quanh chợ Viềng thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, từ các dịch vụ ăn uống cho đến trông giữ xe, ở đâu cũng thấy cảnh "chặt chém" du khách.
|
Một bãi gửi xe ô tô giá cao ở ngoài đường.
|
Cạnh chợ Viềng, ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, chúng tôi gọi một chai nước C2 cùng 3 quả táo bé, khi đứng dậy chúng tôi bị hét giá gần 90.000đ.
Cũng tại đây, chúng tôi gửi xe máy và hỏi giá trước, chủ điểm trông xe đáp: “Ở đây rẻ nhất đấy anh ạ, giá 20.000 đồng/xe/lượt, còn nơi khác đắt hơn nhiều. Chỗ khác giá dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/xe/lượt, còn ô tô từ 350.000 - 500.000 đồng/lượt”.
Vờ hỏi nơi gửi xe ô tô cho người bạn, chủ bãi xe nói: “Nếu xe 4 chỗ giá trông xe là 300.000 đồng/lượt, xe trên 4 chỗ giá cao hơn. Nếu ô tô vào cái ra luôn (khoảng 20 phút) chỉ phải trả 100.000 đồng”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, du khách càng gửi xe gần chợ Viềng hay gần các chùa thì giá càng cao. Tuy nhiên, đến khi ra về gặp rất nhiều khó khăn, bởi tắc đường và các phương tiện tham gia giao thông liên tục xung đột nhau, vượt ẩu, không đi đúng làn đường. Trong khi đó, lực lượng công an, CSGT phân luồng đường khá mỏng.
Ngay ở ngã ba lối vào chợ Viềng và Phủ Dày, anh Trần Văn Linh (37 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội), vị khách đi chợ Viềng cầu may, nói: “Tôi gửi ô tô ở bãi này phải trả 400.000 đồng/lượt, đắt quá. Chắc lần sau có đi chợ Viềng thì rủ bạn bè 2-3 người đi taxi cho tiện. Lấy giá trông ô tô kiểu này khác gì người dân địa phương mài dao 1 năm “chém” khách 1 ngày”.
|
Vé xe máy có chữ đỏ, nhưng chẳng có dấu cũng chẳng có ngày tháng gửi xe, mất ai chịu?
|
Anh Lê Văn Minh (23 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Chợ Viềng cả năm mới có một ngày, vui thì vui thật nhưng cái gì cũng đắt đỏ, phở 50.000 đồng/bát, thịt bê 300.000 đồng/kg... Tôi gửi ô tô với giá 350.000đồng/lượt, rút tiền ra trả xót hết cả ruột. Điều đáng nói là, sao năm nay đội quân ăn xin tập trung ở các phủ và chợ Viềng nhiều quá".
Biết chúng tôi cũng là người tỉnh khác đến chợ Viềng du xuân, anh Minh khuyên: “Các anh muốn ăn uống gì, mua gì phải hỏi giá trước đấy nhé. Đặc biệt là ăn uống phải hỏi giá, không ăn uống xong hỏi trả tiền là bị hét giá trên trời đấy. Không chỉ có vậy, ở đây các chủ quán còn tính thêm tiền thời gian ngồi nghỉ chân ăn, uống nữa hay sao ấy? Ngồi ăn uống lâu giá cao hơn”.
Khi về, chúng tôi bắt xe ôm ra điểm trông xe để lấy xe. Dù chỉ cách chợ khoảng 1km nhưng khi hỏi giá, các chủ xe ôm đều hét 30.000 đồng, không đi thì thôi.
|
Những cửa hàng thịt bê bên đường vào chờ Viềng.
|
Dù giá cao, nhưng chúng tôi đành phải đi. Khi lên xe, anh lái xe ôm tâm sự: “Chú gửi xe ở trong nhà người dân hay ở bãi gửi xe ở ruộng vậy?” Tôi đáp: “Trong nhà dân anh ạ”. Người lái xe ôm nói: “Tốt đấy, đi chợ Viềng đừng gửi xe ở bãi ruộng, vừa đắt, vừa bị mất xe như không đấy. Gửi nhà dân là an toàn nhất còn các bãi xe như ở ruộng họ không đăng ký với chính quyền sở tại đâu, mất là họ mặc kệ".
Đến nơi lấy xe, chúng tôi ghé vào quán nước bên đường và hỏi, chợ Viềng năm nay vắng người chị nhỉ. Bà chủ quán đáp: “Ừ vắng, phần không phải thứ 7, chủ nhật, phần có đường quốc lộ mới 21, nên thông rất nhanh. Nhưng điều quan trọng là người dân nơi đây bán cái gì cũng đắt”.
“Nói thật lòng, tôi cũng người dân ở đây, nhưng mình thấy họ bán cái gì cũng đắt gấp đôi, thậm chí gấp 3, còn những dịch vụ khác thì giá trên trời. Đến chợ Viềng chẳng có gì để mua, chỉ có vài cái cây cảnh, thịt bò, dao… Dịch vụ ăn theo chợ Viềng thổi giá cao, nên năm nay du khách về ít và vào các quán xá ăn uống cũng ít hẳn chú ạ”, bà chủ quán nước ven đường tâm sự.