Buộc thôi việc thanh tra nhận hối lộ 50.000 đồng?

Google News

(Kiến Thức) - “Tôi cho rằng cần phải xử lý các thanh tra viên nhận tiền của dân, bất kể mức độ thế nào”.

Đó là khẳng định của TS Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển hỗ trợ cộng đồng về việc thanh tra viên của Sở Giao thông vận tải TPHCM sẽ bị buộc thôi việc nếu nhận hối lộ từ 50.000đ.
Không có nhu cầu tặng quà thanh tra giao thông

Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM xác nhận: Từ tháng 6 năm nay, đơn vị đã yêu cầu mỗi thanh tra viên cam kết nếu nhận hối lộ từ 50.000đ trở lên sẽ bị buộc thôi việc. Ông đón nhận thông tin này thế nào?

Tôi hoan nghênh quyết tâm của Sở GTVT TPHCM trong việc đấu tranh chống tiêu cực trong hàng ngũ thanh tra giao thông. Tham nhũng trong lĩnh vực này phổ biến và sự nhũng nhiễu người tham gia giao thông cũng như cấu kết của thanh tra giao thông với những thành phần vi phạm quy định nhà nước là những vấn đề đã gây bất bình kéo dài trong dư luận. Nó cần phải được ngăn chặn.

Có người cho rằng chỉ nhận hối lộ 50.000đ mà buộc thôi việc là quá nặng?

Trong nhiều lĩnh vực, người ta thường đặt ra một ngưỡng; những món quà hay số tiền trao tay dưới ngưỡng đó thì được coi là quà, còn trên ngưỡng đó sẽ bị coi là hối lộ. Tư duy này có thể hợp lý ở một số lĩnh vực mà người dân có thể thực sự có nhu cầu tặng quà cho cán bộ nhà nước để tỏ lòng biết ơn, ví dụ cho người nhân viên đã giúp họ làm giấy đăng ký kết hôn, hay cho bác sĩ đã tận tâm chữa bệnh cho họ. Nhưng trong lĩnh vực thanh tra giao thông, đưa ra ngưỡng theo tôi không hợp lý.

Vì sao lại có ngoại lệ với thanh tra giao thông, thưa ông?

Thứ nhất, thanh tra giao thông không cung cấp một dịch vụ công như bác sĩ hay giáo viên, do đó sẽ không ai có nhu cầu tặng quà hay tiền cho thanh tra để cảm ơn. Tôi chưa từng gặp một ai cám ơn thanh tra giao thông vì bị phát hiện xe anh ta chở quá tải. Thứ hai, quan trọng hơn, nhiều vụ việc thanh tra giao thông tham nhũng được phát hiện ra là do có bằng chứng ảnh hay video ghi lại. Do bản chất của sự việc, sẽ rất khó xác định là số tiền trao tay giữa một tài xế chở quá tải và thanh tra giao thông, được ghi lại trên video từ một khoảng cách khá xa, là bao nhiêu.

Như vậy thì quy định này sẽ rất khó khả thi?

Tôi e rằng người ta có thể viện vào quy định ngưỡng này để biện minh rằng không xử lý được – do không xác định được số tiền hối lộ. Vì thế, tính khả thi sẽ không cao.
 

Cứ nhận tiền của dân là phải xử lý

Như ông vừa nói ở trên thì người ta có quyền đặt ra một ngưỡng để phân định giữa quà tặng và hối lộ. Nhưng làm sao để phân định được đâu là quà tặng và đâu là hối lộ chứ? Và dựa vào đâu để người ta ban hành quy định về ngưỡng đó?

Hoàn toàn có thể làm được. Quy định ngưỡng để phân biệt giữa quà tặng và hối lộ cần dựa vào những người trong cuộc, ví dụ trong giáo dục thì dựa vào ý kiến của phụ huynh, giáo viên và các tổ chức xã hội dân sự liên quan... Nên nhớ, người dân biết rõ nhất họ muốn gì.

Ông có cho rằng, chính việc có những cái ngưỡng còn mập mờ, không rõ ràng trong các cơ quan nhà nước đã khiến cho tham nhũng vặt tràn lan, phổ biến hiện nay?

Điều đó cũng có cơ sở. Bởi tham nhũng vặt hiện nay phổ biến vì hoặc không có những quy định ngưỡng cụ thể, hoặc có nhưng chỉ cho gọi là, vì trên lý thuyết, không có cơ chế theo dõi, kiểm tra và kỷ luật.

Quay trở lại với quy định của Thanh tra Sở GTVT TPHCM. Tôi cho rằng, nhận 10.000đ cũng mang tiếng là nhận hối lộ. Quy định như vậy thì người ta nhận 49.000đ sẽ chẳng sao cả?

Như đã nói ở trên, việc đưa ra ngưỡng nhận hối lộ ở thanh tra giao thông theo tôi là không hợp lý và gây khó khăn trong việc triển khai. Tôi cho rằng cần phải xử lý các thanh tra viên nhận tiền của dân, bất kể mức độ thế nào.

Xếp xó quyết tâm chống tiêu cực

Xét ở một góc độ nào đó, ông có cho rằng quy định này cũng là một động thái tích cực để ngăn chặn, làm giảm sự tham nhũng trong lực lượng thanh tra giao thông?

Tôi ghi nhận động thái tích cực của Sở GTVT TPHCM và hy vọng rằng Sở GTVT sẽ kiên quyết, triệt để trong việc thực hiện quy định này, để nó không bị nhanh chóng xếp xó như nhiều quyết tâm chống tiêu cực trước đó.

Để tránh tiêu cực, sở cũng tổ chức những đội kiểm tra liên ngành, kiểm tra chéo giữa các lực lượng với nhau. Liệu chúng ta có thể tin vào hiệu quả của việc kiểm tra ấy?

Tôi không rõ nguồn lực của Sở GTVT như thế nào để có thể tổ chức hiệu quả các đoàn kiểm tra, và tôi cũng muốn được nghe trình bày từ phía Sở về các phương án “kiểm tra người kiểm tra” để tránh hiện tượng đoàn kiểm tra thông đồng với thanh tra giao thông. Nếu như Sở GTVT cung cấp những thông tin cụ thể hơn về số lượng đoàn kiểm tra, tần suất hoạt động, phối hợp cụ thể với các đơn vị nào khác để kiểm tra chéo... thì sẽ làm dư luận tin tưởng hơn.

Tuy nhiên, có một cách tiếp cận khác mà tôi khuyến nghị Sở GTVT nên xem xét: đó là dùng người dân.

Dùng người dân ư? Trong khi nghiên cứu Chỉ số Quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI 2012) chỉ ra rằng, chỉ có 21% người dân sẽ tố cáo tham nhũng từ 10.000 - 500.000đ?

Số liệu của khảo sát PAPI cho ta thấy những kênh tố cáo truyền thống không khuyến khích người dân làm chuyện này. Họ không biết phải đến gặp ai, viết thư cho ai, liệu có tác dụng gì không. Trong thời đại của internet ngày nay, tai mắt của dân ở khắp nơi, mọi bằng chứng về nhận hối lộ có thể được nhanh chóng được ghi lại bằng chiếc điện thoại di động rồi đưa lên mạng, tạo ra một sự minh bạch rất lớn vì sức lan toả nhanh của thông tin. Với chi phí thời gian và công sức thấp như vậy, chắc chắn người dân sẽ sẵn sàng tham gia, kể cả người chứng kiến hối lộ lẫn người bị vòi vĩnh, nhũng nhiễu.

Theo ông thì các bộ, ban, ngành khác có nên đưa ra quy định cứng về mức tiền nhận hối lộ sẽ bị xử lý như thế này? Nếu có thì mức tiền bao nhiêu được cho là phù hợp?

Mỗi ngành nên có cách xử lý riêng, dựa vào định nghĩa hợp lý thế nào là hối lộ chứ không thể đưa ra một con số cứng nhắc áp dụng chung được. Ví dụ, phụ huynh học sinh có thể tặng giáo viên mấy cân cam, hay một bó hoa mà giáo viên không phải từ chối. Nhưng tặng một hộp bánh Trung thu đáng giá hàng triệu đồng thì rõ ràng là có vấn đề rồi.

Xin cảm ơn ông!

“Một lĩnh vực liên quan và rất sát sườn với người dân là tham nhũng trong cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông. Hiện nay, người ta coi cảnh sát như một sự nhũng nhiễu phải tránh xa, thay vì một lực lượng giúp đỡ người dân trong lúc khó khăn. Hoàn toàn có thể sử dụng mô hình dùng internet để người dân cung cấp các chứng cứ tham nhũng cho chính quyền. So với cách thức dùng các đoàn thanh tra, mô hình này có chi phí thấp, nhanh, cung cấp thông tin tức thời và hiệu quả”.
Vũ Thủy

Bình luận(0)