Bến xe Mỹ Đình: Gay gắt chuyện “kẻ ở, người đi”

Google News

(Kiến Thức) – Bến xe Mỹ Đình có quá tải? Vì sao việc điều chuyển các hướng xe lại gây nhiều tranh cãi? Các cơ quan chức năng đã trao đổi với PV Kiến Thức để làm rõ các vấn đề trên.

Điều chuyển để giảm tải? 

Vấn đề lộn xộn, quá tải diễn ra ở bến xe Mỹ Đình đã được các cơ quan liên quan tiến hành mổ xẻ nguyên nhân và đưa ra những giải pháp nhằm chấn chỉnh, sắp xếp lại trật tự, giảm tải cho bến xe này.

Tại một hội nghị bàn thảo vấn đề quản lý vận tải hành khách mới đây, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Linh khẳng định: “Thực trạng đang đặt ra vấn đề cần phải rà soát, chấn chỉnh sắp xếp luồng tuyến tại các bến xe khách và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định. Từ đó nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, lập lại trật tự và đưa hoạt động kinh doanh vận tải hành khách vào kỷ cương, đúng quy định”.

 
 Sở GTVT Hà Nội đã đưa ra kế hoạch điều chỉnh luồng, hướng xe để giảm quá tải ở bến xe Mỹ Đình.

Theo đó, Sở GTVT Hà Nội đã đề ra kế hoạch 735/KH – SGTVT về việc điều chuyển các hướng tuyến vận chuyển hành khách trên địa bàn TP Hà Nội (dự kiến thực hiện từ 3/6 và kết thúc vào ngày 20/7). Cụ thể, một số tuyến có cự ly ngắn khoảng 200km sẽ được điều chuyển. Tuyến đi tỉnh Hòa Bình sẽ điều chuyển về bến xe Yên Nghĩa, các tuyến đi các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình về các bến xe Yên Nghĩa, Gia Lâm, Nước Ngầm. Ngược lại, các tuyến ở phía Bắc hoạt động ở Giáp Bát sẽ được điều chuyển về Mỹ Đình như tuyến Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Vĩnh Phúc.

Các tuyến được điều chỉnh có cự ly ngắn, xe khai thác chủ yếu là 16 chỗ, phù hợp với hướng các tuyến và quy hoạch GTVT TP Hà Nội. Bên cạnh đó, điều chỉnh các tuyến có tần suất xe chạy lớn như Thái Bình, Nam Định đều trên 100 lượt xe/ngày sẽ giảm áp lực cho giao thông Thủ đô và giảm tải tại bến xe Mỹ Đình. Bởi theo đề xuất của Sở GTVT Hà Nội, 525 phương tiện sẽ được điều chuyển ra khỏi bến xe Mỹ Đình.

Nói về việc điều chuyển các tuyến xe ra khỏi bến xe Mỹ Đình, trao đổi với PV Kiến Thức, ông Nguyễn Mạnh Tiến - Giám đốc Xí nghiệp quản lý bến xe Mỹ Đình cho biết, bến rộng 34.600 m2, mỗi ngày có khoảng 950 xe xuất bến, cao điểm tăng lên 1.200 xe, trong khi đó công suất tối đa có thể lên tới 1.600 xe xuất bến mỗi ngày. Tình trạng lộn xộn, mất trật tự đô thị chủ yếu do nhiều xe dù, bến cóc, xe ôm chèo kéo khách bên ngoài bến, chứ không thật sự quá tải trong bến.

Tuy nhiên ông Tiến khẳng định, đến thời điểm cuối tháng 6, vẫn chưa có hoạt động gì về vấn đề điều chuyển các tuyến xe mà Sở GTVT Hà Nội đã từng công bố.

Vì sao các doanh nghiệp phản đối điều chuyển?

Khi có thông tin về việc đề xuất điều chuyển một số tuyến xe ra khỏi bến xe Mỹ Đình, một số doanh nghiệp vận tải đã có ý kiến cho rằng, việc điều chuyển trên là không hợp lý, ảnh hưởng đến doanh nghiệp vận tải, và quan trọng hơn nữa nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến người dân ở những địa phương đó.

Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội GTVT Hà Nội cho biết, sau khi kế hoạch trên được công bố đã khiến một số doanh nghiệp vận tải Hòa Bình, Hà Nội. Nam Định, Thái Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa… cực lực lên tiếng phản đối, có chiều hướng vượt tầm kiểm soát gây mất ổn định...

Ông Liên lý giải, hiện nay quy hoạch bến xe Mỹ Đình mới đạt 1,8 ha/3,5 ha thì không thể gọi là quá tải.

“Sự gia tăng phương tiện ở Bến xe Mỹ Đình trong những năm qua có nhiều nguyên nhân. Quyết định 08-09-16 của Bộ GTVT cho phép các tỉnh thỏa thuận với bến xe để đưa xe vào bến hoạt động, sự gia tăng dân số theo cấp số cộng, kinh tế các tỉnh miền núi như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai…phát triển, các tuyến đường 6, đường 32 được nâng cấp, bến Mỹ Đình trở thành nơi trung chuyển hành khách về Hà Nội và đi các tỉnh”, ông Liên cho biết.

Một số doanh nghiệp vận tải cho rằng, kế hoạch điều chuyển tuyến của Sở GTVT là không hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp và hành khách.

Ông Liên cho biết, các vấn nạn tồn tại trước đó ở bến xe Mỹ Đình có nhiều nguyên nhân, ví như việc mất trật tự, mất vệ sinh là do tổ chức quản lý ở bến xe. Việc hình thành các bến cóc, xe dù, bãi đỗ xe ngoài bờ rào bến xe thuộc phạm vi quản lý hành chính trên địa bàn của địa phương. Vấn nạn xe chạy lòng vòng đón trả khách một mặt do nhu cầu của khách, nhưng cũng phải nói đến năng lực quản lý của doanh nghiệp. Trách nhiệm thuộc về cơ quan tuần tra kiểm soát, các doanh nghiệp vận tải. Việc nhượng nốt, bán nốt giữa các doanh nghiệp và HTX là có thật, mỗi nốt lên đến cả trăm triệu, nhưng họ làm tay bo giữa các doanh nghiệp, và là quan hệ dân sự (không làm tăng thêm nốt). Việc các tuyến ngắn có nốt trong bến xe, nay họ quay vòng thêm nốt 2 trong ngày là có thật, nhưng chưa có biện pháp nào để phát hiện xử lý…

“Tôi ủng hộ chủ trương phân luồng giao thông theo hướng Đông – Đông, Tây – Tây nhưng cần đưa ra lộ trình và công khai cho các doanh nghiệp vận tải và nhân dân biết để tham gia góp ý kiến, tạo ra sự đồng thuận xã hội”, ông Liên bày tỏ.

Ở góc độ doanh nghiệp vận tải liên quan đến việc điều chuyển trên, ông Đinh Quang Thắng, Giám đốc Công ty XNK Thương mại Du lịch Anh Thắng cho rằng, việc điều chỉnh và đưa một số tuyến ra khỏi Bến xe Mỹ Đình sẽ làm mất tính ổn định tại bến xe Mỹ Đình, xáo trộn việc đi lại của nhân dân, các doanh nghiệp vận tải lúng túng trong việc chuyển đổi từ bến này sang bến khác, sẽ có đơn vị có nguy cơ phá sản.

Nói về việc lộn xộn ở bến xe Mỹ Đình, ông Thắng cho rằng, sự bất lực của các cơ quan chức năng trong việc dẹp xe dù, bến cóc, cò mồi dẫn đến tình trạng lộng hành và ngang ngược của các xe dù, cò mồi ngày càng tinh vi và phức tạp.

“Điều chỉnh có khi là một trong những yếu tố làm tăng cường nạn xe dù, bến cóc tại Mỹ Đình. Việc Sở GTVT Hà Nội không lấy ý kiến của các doanh nghiệp trong vấn đề điều chỉnh luồng tuyến là không khách quan. Nếu sau khi điều chỉnh luồng tuyến, nạn xe dù bến cóc tăng lên đột biến, kèm theo sự phá sản của một số doanh nghiệp vận tải, trách nhiệm thuộc về ai?”, ông Thắng đặt câu hỏi.

 Chủ tịch Hiệp hội Giao thông Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên.

Ở góc độ người dân, ông Trần Văn Hoàng (Mường La, Sơn La) cho rằng, nếu điều chuyển thì không ít người dân ở các địa phương sẽ bị ảnh hưởng.

“Việc điều chuyển như trên không tránh khỏi hành khách sẽ rất thiệt thòi. Chúng tôi sẽ phải mất thêm chí phí, thời gian để đi xe buýt (hoặc phương tiện khác) sang bến mới bắt xe; Trong hoàn cảnh giao thông như hiện tại, việc đi xe buýt ùn tắc, bất tiện như thế nào không khó để hình dung. Hơn nữa, việc điều chuyển một số tuyến về Yên Nghĩa trong điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đủ, đường vành đai 4 chưa xây dựng xong, phải đi theo đường vành đai 3, xuống Hà Đông về Yên Nghĩa, như vậy lại gây áp lực giao thông rất lớn trên tuyến Nguyễn Trãi – Hà Đông”, ông Hoàng băn khoăn.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc điều chuyển là điều cần thiết. Tuy nhiên, khi điều chỉnh là một đòi hỏi thực tế thì các cơ quan chức năng và doanh nghiệp vận tải cần tìm được tiếng nói chung, đặt lợi ích người dân lên hàng đầu. Chủ trương giảm tải bến xe Mỹ Đình cần được thực hiện nghiêm túc và được nhìn nhận theo chiều hướng phát triển, vì lợi ích của người dân và sớm được đồng thuận và triển khai.
Hải Ninh

Bình luận(0)