Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội sáng nay tiếp tục xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Bước vào ngày làm việc thứ 10, HĐXX cho các bị cáo nói lời sau cùng trước khi nghị án...
Tới lượt mình, bị cáo Nguyễn Đức Kiên bày tỏ sự lo lắng cho vợ mình, người chưa bao giờ phải lo chuyện kinh doanh, nay phải đứng mũi chịu sào mọi thứ.
Ông Kiên nói: “Lúc này đây tôi đang cần sự giúp đỡ của những người bạn thân để giúp đỡ gia đình tôi mà cụ thể là vợ tôi để vượt qua khó khăn”. Khi nói đến gia đình mình, Nguyễn Đức Kiên đã không kìm được cảm xúc và rơi nước mắt.
Đối với hơn 15.000 cán bộ, nhân viên ACB, ông Kiên mong họ tiếp tục làm việc gắn bó, làm việc tại ACB. Nguyễn Đức Kiên cũng yêu cầu vợ, con không được bán cổ phần tại ACB để tiếp tục gắn bó với ACB. “Tôi cũng xin lỗi những nhân viên và gửi lời tri ân đến khách hàng của Ngân hàng ACB, những người đã đồng hành với tôi trong suốt hơn 20 năm qua. Tôi khẳng định rằng, khách hàng của Ngân hàng ACB có thể tin rằng Ngân hàng ACB là ngân hàng quản trị tốt nhất”, bầu Kiên nói.
Đối với bạn bè, bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói: “Tôi mong bạn bè mình tiếp tục đi và làm những gì chúng tôi đã dự định để trước khi nhắm mắt xuôi tay có thể thấy đội tuyển Việt Nam tham dự World Cup. Đó là hoài bão của chúng tôi. Tôi tin rằng bạn bè tôi không kiện tôi. Còn những người đã ép họ phải kiện tôi thì trước sau gì cũng phải ra trước ánh sáng. Tôi xin lỗi VietBank vì gia đình tôi buộc phải bán cổ phiếu để đáp ứng nhu cầu tiền mặt khi đó. Tôi tin một ngày nào đó gia đình tôi sẽ quay lại VietBank”.
Không chỉ nhắc tới vợ, bạn bè đồng nghiệp, trong lời nói sau cùng, Nguyễn Đức Kiên còn nhắc tới mẹ mình và các con: “Tôi muốn nói với mẹ tôi. Tôi không cho các em tôi kinh doanh và nắm các vị trí quan trọng ở ngân hàng vì tôi cho rằng các em chưa đủ trình độ, và hơn hết, tôi nhìn thấy rủi ro trong tương lai nên không muốn các em và vợ tôi phải gánh. Tôi đã nói chuyện với con trai tôi, mong con là người tốt, không làm kinh doanh và tôi mong con trai tôi là người đàn ông thay tôi chăm sóc vợ tôi. Tôi không trốn chạy trách nhiệm vì tôi tin đất nước này có kỷ cương có phép tắc. Mặc dù visa của tôi dài hạn, tôi có quan hệ khắp nơi nhưng tôi không chạy trốn”.
Khi nói với hai con trai, Nguyễn Đức Kiên đã cố kìm nén để không bật khóc nhưng ông đã khóc tại tòa.
Cũng trong lời nói sau cùng, ông Nguyễn Đức Kiên còn dặn dò vợ mình không bao giờ xin xỏ bất kỳ ai phụ trách vụ án này vì có thể tự đẩy mình vào phạm pháp. “Tôi có thể tự giải quyết và tôi tin rằng mình đủ khả năng, đủ tư duy để chứng minh mình vô tội”, bị cáo nói.
Ở phiên tòa xét xử phúc thẩm cuối tuần trước, trong phần tranh luận với đại diện VKS, bị cáo Nguyễn Đức Kiên lại đặt thêm một câu hỏi khác: “Công dân Nguyễn Đức Kiên có bị phân biệt đối xử không?”. Minh chứng cho câu hỏi này, ông Kiên khẳng định mình đã tuân thủ pháp luật Việt Nam và thực hiện mọi nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Sở dĩ ông Kiên đặt ra câu hỏi đó là vì có hàng nghìn người đang kinh doanh cổ phần, cổ phiếu giống như ông Kiên, họ cũng góp vốn và đầu tư giống như ông Kiên, họ cũng ký hợp đồng ủy thác giống công ty mà ông Kiên đại diện pháp luật nhưng chỉ một mình ông Kiên bị khởi tố vì tội kinh doanh trái phép, trốn thuế và cố ý làm trái quy định của Nhà nước.
Bị cáo Kiên lý luận rằng trong cùng một điều luật, một nền tư pháp nhưng chỉ một mình ông bị phân biệt đối xử, trong khi mọi công dân khác đều được bình đẳng trước pháp luật.
Bị cáo này cũng cho rằng, nếu không phải VKS đang phân biệt đối xử với ông thì hàng nghìn cá nhân, doanh nghiệp khác đang đứng trước nguy cơ bị khởi tố, còn các cá nhân đảm nhiệm các chức vụ trong các cơ quan chức năng sẽ phải đứng trước nguy cơ bị cáo buộc về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bởi không có kịp thời các văn bản luật để hướng dẫn các doanh nghiệp.