Trơ trẽn tuyên bố đưa giàn khoan đến Trường Sa: “Xử” TQ thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - "Trung Quốc lại ngang ngược di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 tới quần đảo Trường Sa, nếu tình huống xấu nhất xảy ra, chúng ta sẽ sử dụng sức mạnh tổng hợp để đối phó", TS Nguyễn Nhã cho biết.

Đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, mới đây trên Reuters, ông Ngô Thế Xuân, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải quốc gia Trung Quốc còn vô lối tuyên bố, giàn khoan 981 sẽ được di chuyển đến quần đảo Trường Sa và các khu vực sâu khác của biển Đông sau khi việc thăm dò ở vùng biển Hoàng Sa hoàn tất...
Nhằm làm rõ những luận điệu ngang ngược, trơ trẽn của chuyên gia Trung Quốc cũng khẳng định rằng "Việt Nam nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này (chủ quyền) để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó...", chuyên mục Cafe đầu tuần của Kiến Thức bắt đầu bằng cuộc trò chuyện với Tiến sỹ Nguyễn Nhã - nhà nghiên cứu sử địa nổi tiếng của Việt Nam và là người có công trình nghiên cứu và hồ sơ, tài liệu về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam được dịch sang tiếng Anh nhiều nhất.
Chuyên gia Trung Quốc lại ngang ngược tuyên bố, giàn khoan Hải Dương 981 có thể di chuyển tới khu vực quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc đưa giàn khoan ra Trường Sa là thách thức cả thế giới
- Ông nhìn nhận thế nào về luận điệu của các chuyên gia dầu khí Trung Quốc, giàn khoan Hải Dương 981 có thể sẽ được đưa ra quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) và các khu vực sâu khác tại Biển Đông?
Những luận điệu trên là không thể chấp nhận, thách thức cả thế giới và luật pháp quốc tế. Từ lâu Trung Quốc muốn thể hiện ý đồ chiếm Biển Đông. Trung Quốc khoanh vùng lưỡi bò phi pháp chiếm đến 80% Biển Đông. Tuy nhiên, trên thế giới, không một nước nào công nhận đường lưỡi bò 9 đoạn phi pháp ấy của Trung Quốc. Các luận chứng mà Trung Quốc đưa ra không có cơ sở nào, tất cả đều là ngụy tạo hoặc suy diễn. Ngay tại nhiều hội nghị quốc tế mà tôi tham dự khi được hỏi về đường lưỡi bò này, các học giả Trung Quốc đều lúng túng.
Khác với Trung Quốc, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982. Vì thế, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 về khu vực Trường Sa sẽ là hành động ngang ngược xâm lấn chủ quyền biển đảo của Việt Nam, chúng ta sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình.
 Tiến sĩ Nguyễn Nhã.
- Không chỉ tuyên bố ngang ngược như trên, mới đây Philippines tố cáo Trung Quốc xây đường băng, đảo nhân tạo ở gần đảo Gạc Ma, một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc âm mưu gì khi thực hiện hành động này?
Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988. Việc họ xây đường băng ở đảo Gạc Ma là một trong chuỗi những hành động nhằm tăng cường lực lượng trên khu vực Biển Đông, thực hiện ý đồ xâm lược vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Việc làm này, Trung Quốc muốn khẳng định chủ quyền phi pháp mà họ tự ý thành lập cái gọi là Tam Sa. Một bước để thực hiện đường lưỡi bò 9 đoạn trên Biển Đông.
Đảo Gạc Ma trước đây nằm trong những bãi đá thuộc đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 14/3/1988, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng bãi đá Gạc Ma. Vào ngày hôm đó, lúc 6h sáng, Trung Quốc thả thuyền nhôm cùng hàng chục lính có vũ trang xông thẳng vào bãi đá Gạc Ma, dùng vũ lực uy hiếp buộc quân ta phải rút khỏi đảo. Thiếu úy Trần Văn Phương bị bắn tử thương, trước khi chết ông đã hô: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân". Do Hải quân Việt Nam không chịu rút khỏi đá, lúc 7h30, Trung Quốc dùng hai chiến hạm bắn pháo 100 mm vào tàu 604, làm tàu bị hỏng nặng. Hải quân Trung Quốc cho quân xông về phía tàu Việt Nam. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy quân trên tàu sử dụng các loại súng AK47, RPD, B-40, B-41 đánh trả quyết liệt, buộc đối phương phải nhảy xuống biển bơi trở về tàu. Hải quân Việt Nam vừa chiến đấu, vừa tổ chức băng bó, cứu chữa thương binh và hỗ trợ các chiến sĩ bảo vệ cờ. Trung Quốc tiếp tục nã pháo, tàu 604 của Việt Nam bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Lữ đoàn phó Trần Đức Thông, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ cùng một số thủy thủ trên tàu đã hy sinh cùng tàu 604 ở khu vực đá Gạc Ma. Trung Quốc chiếm bãi đá Gạc Ma nhưng đó là hành vi xâm lược, chủ quyền bãi đá Gạc Ma, nay là đảo Gạc Ma vẫn là của Việt Nam.
Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm Gạc Ma và nay là lấn sâu vào vùng chủ quyền của Việt Nam bằng hàng chục tàu gồm quân sự lẫn dân sự - không chỉ Việt Nam bức xúc mà cả thế giới đều lo ngại đến an ninh, trật tự, thông lệ quốc tế đến hoà bình của nhân loại.
Buộc phải đối đầu... có niềm tin chiến thắng
- Nếu Trung Quốc lại ngang ngược di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 tới quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng ta sẽ xử trí ra sao?
Một nước nhỏ hay bất cứ nước nhỏ nào cũng có nhiều cách bảo vệ chủ quyền của mình, mà không cứ phải dùng vũ lực. Bất cứ ai liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ trật tự thế giới đều không cho phép Trung Quốc làm như thế. Việt Nam cần tuyên truyền những âm mưu xảo trá của Trung Quốc đến các nước trên thế giới để các nước cùng ngăn chặn. Tất nhiên, chúng ta sẵn sàng đối phó nếu có tình huống xấu xảy ra.
- Tình huống xấu nhất xảy ra, khi đối thoại hòa bình không mang lại hiệu quả, buộc phải đối đầu, chúng ta hoàn toàn tin tưởng có thêm một “Điện Biên Phủ trên biển”?
Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, chúng ta không muốn tình huống xấu nhất xảy ra nhưng nếu mọi cuộc đối thoại hòa bình không mang lại kết quả, buộc chúng ta phải đối đầu thì tất nhiên chúng ta luôn sẵn sàng, bởi Việt Nam luôn coi chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng, cần bảo vệ đến cùng. Chúng ta có niềm tin thành công vì chúng ta có sức mạnh tổng hợp. Sức mạnh về chính nghĩa chủ quyền có từ lâu. Và hơn hết, về mặt ngoại giao, chúng ta có sự ủng hộ mạnh mẽ của quốc tế trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo…
Chúng ta đã có các kịch bản cho mọi tình huống, tùy thuộc vào diễn biến tình hình biển Đông để đưa ra cho phù hợp. Điều cần làm lúc này là chúng ta cần đấu tranh ngoại giao hòa bình đa phương hóa, đa dạng hóa, sử dụng sức mạnh trong thời đại toàn cầu. Sự đoàn kết dân tộc, lợi cho dân tộc phải trên hết, xây dựng đất nước hùng cường dựa trên lòng yêu nước là một việc làm cần thiết.
- Mỹ tuyên bố giúp Việt Nam và các nước ngăn cản mối đe dọa thâu tóm trái phép Biển Đông của Trung Quốc, chúng ta có tin Washington nói đi đôi với làm?
Trung Quốc ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế làm ảnh hưởng đến trật tự hòa bình thế giới. Nếu Trung Quốc coi mình là nước lớn và muốn làm gì thì làm, vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 khi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Ngay cả hiến chương Liên Hiệp Quốc và những nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm sử dụng vũ lực, tuy nhiên Trung Quốc vẫn huy động tàu chiến để đe dọa, làm ảnh hưởng đến trật tự hòa bình thế giới. Tất nhiên các nước khác sẽ không thể đứng ngoài cuộc, trong đó có nước Mỹ. Tất nhiên Mỹ khi tuyên bố như vậy là họ có cách của họ. Chúng ta nên tận dụng sức mạnh tổng hợp ấy nếu tình huống xấu nhất xảy ra.Tuy nhiên trước mắt, để chặn giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc ngang ngược trên vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chúng ta cần đề nghị các nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và ASEAN thực hiện ngay an ninh biển.
Yêu nước phải có kỹ năng và hành động cụ thể!
- Một câu hỏi riêng tư: Là người có công trình nghiên cứu và hồ sơ, tài liệu về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam được dịch sang tiếng Anh nhiều nhất, Tiến sĩ sẽ đóng góp vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo, lột trần dã tâm của Trung Quốc thế nào?
Tôi đã thực hiện hồ sơ tư liệu chủ quyền biển đảo với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam từ nhiều năm nay bằng tiếng Anh. Đến nay, tôi có đầy đủ tài liệu chứng minh chủ quyền không thể bàn cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Tôi đang cố vài tháng nữa để hoàn chỉnh tập tài liệu này. Tôi mong muốn mọi người chung tay, gắng sức cùng tôi để phủ sóng tập tài liệu 500 trang này bằng tiếng Anh. Hiện, tài liệu tạm được đưa lên trang http://www.hannguyennguyennha.com, với mong muốn truyền tải tới người dân, sinh viên của tất cả các trường đại học trên thế giới, đặc biệt là những trường có ngành châu Á học. Đó cũng là cách tạo điều kiện để khắp thế giới biết về chủ quyền thực sự của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Hơn nữa, đó cũng là việc làm tạo nên sức mạnh cho Việt Nam trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chúng ta cần cho thế giới biết Việt Nam là một quốc gia độc lập thực sự, là một quốc gia tự lực tự cường; phải cho mọi người trên thế giới biết Hoàng Sa, Trường Sa chưa bao giờ thuộc chủ quyền Trung Quốc, trừ khi họ dùng vũ lực. Tất cả tư liệu của chúng ta đã chứng minh chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa là một sự thật lịch sử rõ ràng.
- Trước sự lan tỏa của truyền thông về vụ việc Trung Quốc xâm lấn vùng biển chủ quyền của Việt Nam, theo Tiến sĩ, mỗi người dân cần thể hiện lòng yêu nước thế nào?
Tôi giáo dục con cháu bảo vệ chủ quyền không phải chỉ có giáo dục về thái độ yêu nước mà phải có những kỹ năng yêu nước và hành động cụ thể. Không làm mất danh dự đất nước, cái gì có hại cho đất nước thì kiên quyết không được làm. Hành động yêu nước cụ thể không cần phải đao to búa lớn, mà hãy bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất như ý thức bảo vệ mội trường sống, không xả rác, ra đường chấp hành giao thông, biết giao lưu với bạn bè quốc tế để chia sẻ hình ảnh về đất nước mình, quảng bá những hành động của đất nước…Từ những hành động nhỏ ấy, con người sẽ biết phải làm gì khi đất nước cần. Không chỉ con cái trong gia đình tôi mà với mọi giới trẻ tôi cũng đều khuyên như vậy.
- Cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Nhã về cuộc đối thoại này!
Hải Ninh

Bình luận(0)