Xót xa hai anh em mang hàng nghìn khối u

Google News

(Kiến Thức) - Suốt 20 năm qua, 2 anh em trong một gia đình ngụ tại thôn Hồng Sơn, xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) phải nhọc nhằn sống trong cảnh bị hàng nghìn khối u lớn nhỏ đeo bám.

Mồng 4 Tết, ở huyện miền núi Ngọc Lặc khắp nơi tiếng chiêng, tiếng trống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây trầm hùng nổi lên báo hiệu một mùa lễ hội nữa đã đến. Thế nhưng giữa cảnh vui xuân ấy, trong ngôi nhà nhỏ nằm hiu hắt giữa đỉnh một quả đồi cao người mẹ già năm nay đã 72 tuổi là bà Phạm Thị Ưng vẫn thui thủi làm việc, cầu mong cho có sức khỏe để nuôi 2 đứa con mắc bệnh hiểm nghèo mang hàng nghìn khối u lớn nhỏ trên người.

 Bà Ưng bên con trai Loan với khối u lớn ở chân cùng hàng nghìn khố u ở người.

Thấy người khách hiếm hoi tìm đến nhà, anh Phạm Văn Loan đang ngồi bên bếp lửa sưởi ấm như bừng tỉnh liền níu tay vịn vào vách nhà đứng dậy lê bàn chân với khối u lớn lên tới 10kg ra bắt tay khách, nhận lời chúc đầu năm.

Bà Phạm Thị Ưng đon đả chào khách rồi vào trong thay bộ váy mới vì trên người bà lúc này là bộ váy đã cũ kỹ của dân tộc mình với nhiều vết chắp vá. Bà nói rằng, mấy năm nay rồi mới sắm được một bộ váy mới, chỉ được mặc khi tiếp khách ngày Tết hoặc đi trẩy hội đầu năm, còn ở nhà thì bà vẫn khoác những bộ váy may cách đây cả chục năm.

Khi biết chúng tôi muốn đến tìm hiểu về căn bệnh mà các con bà đang mắc phải, đôi mắt già nua của bà đang hớn hở bỗng đượm buồn, bà chậm chãi kể cho tôi nghe về nỗi bất hạnh mà gia đình bà đang phải gánh chịu.

Sinh được 7 người con, 3 người khi lớn lên thì mắc bệnh lạ với hàng nghìn khối u lớn nhỏ khắp người, nặng nhất là anh Phạm Văn Loan (28 tuổi) và cô con gái út Phạm Thị Bảy (25 tuổi). Cả 3 người khi mới sinh ra đều là những đứa trẻ khỏe mạnh, nhanh nhẹn, nhưng khi lớn lên thì xuất hiện nhiều vết đỏ, ngứa, sau nổi thành khối u khắp người. Riêng anh Phạm Văn Loan còn có một khối u nặng khoảng 10kg ở bàn chân phải.

 Bàn chân anh Loan bị biến dạng vì khối u xâm lấn.

Anh Loan cho biết, trước kia khối u này nằm dài từ đầu gối xuống bàn chân. Vài năm gần đây, khối u bỗng dồn toàn bộ xuống phía dưới, phình lớn, lấn át hết bàn chân khiến anh đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Điều kỳ lạ là khối u này có kích thước luôn không ổn định, có sự thay đổi theo thời gian. Trung bình một tháng có khoảng 3 lần khối u phình to, căng cứng, đỏ tấy, bên trong như có hàng nghìn con sinh vật đang di chuyển qua lại. Những lúc vậy, anh Loan chỉ nằm một chỗ dùng tay đấm vào khối u hoặc nhờ những đứa trẻ nhỏ dẫm lên khối u này để cho đỡ ngứa.

Cũng giống như anh trai, cô con gái út Phạm Thị Bảy càng lớn lên khối u xuất hiện càng nhiều. Đến nay, những khối u này tiếp tục lớn nhanh khiến chị đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Để di chuyển, chị Bảy phải lết từng bước khó nhọc. Chị cho biết, không chỉ việc đi lại gặp nhiều khó khăn, những khối u lớn, mọc khắp người khiến chị không muốn ra ngoài vì mọi người nhìn chị với một ánh mắt hiếu kỳ, lạ lẫm. Đã 25 tuổi, nhưng chị thường lẩn tránh những ánh mắt hiếu kỳ của mọi người bằng cách suốt ngày thủi thủi trong nhà.

Trong 3 người con mắc bệnh khối u mọc khắp người, anh Phạm Văn Xoan do bị bệnh nhẹ nên vẫn lập gia đình. Theo bà Loan, căn bệnh của các con bà đang mắc phải là do di truyền từ nhiều đời trước. Chồng và bố chồng bà đã tử vong vì căn bệnh này. Theo lời kể của bà Ưng, từ trước đến nay nhiều người trong dòng họ nhà chồng đã mắc những khối u lớn rồi tử vong.

Cách đây vài năm có chương trình khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, bà đưa các con ra bệnh viện huyện khám, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc xác định anh Phạm Văn Loan mắc bệnh "chân voi" không thể chữa trị, còn chị Phạm Thị Bảy vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh.   

 "Liều thuốc" giảm đau, ngứa cho anh Loan là hàng ngày được bà Ưng dùng tay xoa bóp khối u.

Nhà nghèo, các con đều lập gia đình ở xa và có hoàn cảnh khó khăn nên bà Ưng tuy đã 72 tuổi nhưng hằng ngày vẫn phải đi làm thuê, lúc xuống ruộng cấy, khi lên nương bẻ bắp thuê, khi đi cắt cỏ bán… Ba mẹ con nương tựa vào nhau trong căn nhà lá giữa đỉnh một quả đồi. Ngày no ăn cơm, bứa đói húp cháo, họ sống qua ngày như thế suốt hàng chục năm qua.

Ông Phạm Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc cho biết: "Gia đình bà Phạm Thị Ưng là một trường hợp rất đáng thương. Mọi sinh hoạt hàng ngày đều trông cậy tất cả vào tiền trợ cấp tật nguyền của nhà nước cho anh Phạm Văn Loan và chị Phạm Thị Bảy cùng tiền làm thuê của bà Ưng. Đều đáng thương nhất là căn bệnh mà những người trong gia đình này mắc phải đang phát triển mạnh, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm.

Qua đây, cho tôi có lời kêu gọi mọi người hãy cùng chung tay cứu giúp mẹ con bà Ưng vượt qua hoàn cảnh éo le này” – ông Quý nói.

Bản thân anh Phạm Văn Loan thì mong muốn có một phép nhiệm màu là được phẫu thuật, cắt bỏ khối u ở chân để việc đi lại thuận tiện hơn. Nhưng anh biết, ước mơ cắt bỏ khối u của mình không thể trở thành hiện thực khi gia đình ăn vẫn chưa đủ no, mặc vẫn còn thấy lạnh.

Mọi sự hỗ trợ xin gửi về:

1.    Bà Phạm Thị Ưng, thôn Hồng Sơn, xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.

2.    Tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức.
Địa chỉ: tầng 5, Tòa nhà Láng Trung, số 60/850, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Số điện thoại: (04) 62.765.887; (04) 62.765.886. Hotline: 098.884. 4039.
Số tài khoản ngân hàng: 126.10.000.119.106 tại ngân hàng BIDV chi nhánh Ba Đình (Hà Nội). Chủ tài khoản: Báo điện tử Kiến Thức.

Xin vui lòng ghi cụ thể tên người được hỗ trợ hoặc tên bài báo có nhân vật được hỗ trợ.
 
Kienthuc.net.vn cam kết chuyển tận tay.

Trân trọng!

TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU



 

Khắc Lịch

Bình luận(0)