Theo các chuyên gia quân sự, ở châu Âu trong lĩnh vực sản xuất vũ khí cho lục quân, thì không thể phủ nhận sự thống trị của các loại vũ khí có nguồn gốc từ Đức. Mặc dù vẫn có những sự lựa chọn hoàn toàn mang tính chính trị của một số quốc gia trong khu vực như Ba Lan, quốc gia đã ưu tiên thúc đẩy các hợp đồng vũ khí với Mỹ và Hàn Quốc thay vì Đức, thông qua các hợp đồng mua xe tăng M1A1 từ Mỹ và xe tăng K2 từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, mới đây chính phủ Na Uy đã xác nhận là sẽ mua những chiếc xe tăng Leopard 2A7 của Đức, điều này cho thấy rằng vị thế về vũ khí của Đức vẫn rất quan trọng ở châu Âu.
Trường hợp của Na Uy là điển hình. Đích thân Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store đã gọi điện cho Thủ tướng Đức Olaf Scholz để thông báo về quyết định này. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho rằng, sự lựa chọn của Na Uy phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của quá trình hợp tác quốc phòng chặt chẽ giữa các nước châu Âu, trước những lo ngại về tình hình an ninh khu vực.
|
Xe tăng K2 Black Panther của Hàn Quốc |
Ông Boris Pistorius nhấn mạnh thêm rằng quyết định của Na Uy cũng nhằm mục đích tiêu chuẩn hóa vũ khí của nước này với kho vũ khí của các nước láng giềng và đồng minh. Bên cạnh đó cũng cho thấy Na Uy đã xem nhẹ vấn đề kinh tế trước những lợi ích chính trị, bởi theo thông tin từ phía Hàn Quốc họ đã chào bán những cỗ xe tăng K-2 Black Panther với giá rất cạnh tranh (giảm gần một nửa so với giá ban đầu).
Về phần mình, chính phủ Đức mặc dù đã thông báo ban đầu về kế hoạch quốc phòng trị giá 100 tỷ euro, nhưng vẫn chưa đưa ra bất kỳ hợp đồng lớn nào. Ở Đức, nhiều nguồn thông tin được lan truyền cho rằng chính phủ nước này đang xem xét kỹ hơn mọi thứ và đánh giá chặt chẽ về sự phát triển của nền quốc phòng trong tương lai, dẫn đến kinh phí để đầu tư vào thiết bị quân sự sẽ ở quy mô lớn hơn nhiều, thậm chí lên tới 300 tỷ Euro. Điều này sẽ tạo điều kiện nâng cao năng lực sản xuất và thực hiện các lựa chọn có tầm quan trọng chiến lược cho quốc gia này trong nhiều thập kỉ tới.
Trong bối cảnh đó, mặc dù các quyết định như cung cấp máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ đã tiến triển nhanh hơn, nhưng các thủ tục trao hợp đồng cho các công ty Đức đang được xem xét lại. Một số nguồn tin cho thấy Berlin đang tìm cách đặt hàng số lượng lớn xe tăng Leopard 2, có thể sẽ là 500 chiếc và dây chuyền sản xuất của Đức vẫn có thể đảm bảo giao hàng nhanh. Trong khi đó, khả năng của Hàn Quốc trong việc đáp ứng ngay lập tức các yêu cầu khẩn cấp của người mua về số lượng xe tăng và pháo tự hành vẫn là một vấn đề lớn.
|
Xe tăng Leopard 2 HEL của Hy Lạp |
Bên cạnh đó, Hy Lạp cũng là một quốc gia đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực xe tăng và thiết giáp của Đức, vì họ có nền tảng cơ sở công nghiệp từ sự hợp tác trước đây với người Đức trong việc cung cấp xe tăng Leopard 2 HEL (một phiên bản dành riêng cho Hy Lạp). Trong vài tháng qua, tập đoàn sản xuất vũ khí Krauss-Maffei Wegmann (KMW) của Đức đang tích chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, hãng này đang mở rộng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xe tăng, đã có những cuộc thảo luận nghiêm túc với các công ty Hy Lạp về vai trò mà họ có thể đảm nhận trong dây chuyền chế tạo xe tăng và thiết giáp.
Cả KMW và Rheinmetall đều cảm thấy hợp lý khi có thể đạt được thỏa thuận với Hy Lạp, sẽ giúp họ giải quyết các tồn đọng về vũ khí cũ đi kèm điều kiện là những tập đoàn này sẽ đầu tư nhà máy sản xuất tại Hy Lạp. Theo đó, trong giai đoạn đầu, nhà máy này sẽ hoạt động như một dây chuyền sản xuất xe bọc thép, trong đó xe chiến đấu bộ binh KF-41và xe tăng Leopard 2 sẽ là những sản phẩm chính, với triển vọng trong tương lai sẽ phát triển thành một “siêu nhà máy”, sẽ cung cấp xe tăng và thiết giáp cho toàn châu Âu.