Mục tiêu của hoạt động này là dọn sạch thủy lôi ở vùng biển xung quanh các cảng Biển Đen mà Ukraine cáo buộc Nga đã cài đặt với số lượng lớn, gây cản trở hoạt động vận chuyển ngũ cốc và nông sản.
Một số chuyên gia cho rằng, phương tiện không người lái dưới nước xuất hiện trong các bức ảnh trên chính là SeaFox-I, còn tàu quét mìn được xác định là tàu M110 Ramsey cũ của Hải quân Hoàng gia. Con tàu này đã được đổi tên thành M310 Chernigiv.
Anh được cho là đã chuyển giao tàu Ramsey cho Hải quân Ukraine vào tháng 8/2021 sau khi nó ngừng phục vụ trong lực lượng hải quân Hoàng gia. Tuy nhiên, Anh vẫn chưa đưa ra bất cứ thông báo nào về việc chuyển giao SeaFox-I cho Kiev. Chính phủ Anh chỉ cho biết, họ quyết định gửi phương tiện không người lái dưới nước tới Ukraine vào tháng 8/2022.
SeaFox-I được nhà sản xuất thiết bị quân sự Atlas Elektronik của Đức mô tả là phương tiện điều khiển từ xa bán tự động (ROV) được dẫn hướng bằng sợi quang để xác định các vật thể dưới nước. SeaFox-I dài khoảng 1,3m, nặng khoảng 40kg, tốc độ tối đa 9,26km/h, cự ly hoạt động 1.200m. Phương tiện này có một sonar nhỏ, một cảm biến quang học, camera quan sát đáy biển và mặt biển để kiểm tra khả năng hiện diện của mìn. Thông tin được các cảm biến ghi nhận và truyền về bộ điều khiển qua sợi cáp quang. Ngoài ra, SeaFox còn trang bị các đèn cường độ mạnh và tập trung để tăng hiệu quả tìm kiếm.
Phương tiện này rất hiệu quả trong việc rà phá các loại thủy lôi có dây cáp nối với mỏ neo cố định hoặc thủy lôi trôi nổi trên mặt nước. Seafox không những có khả năng phát hiện mà còn có thể phá hủy thủy lôi bằng cách kích nổ đầu đạn nó mang theo sau khi tiếp cận được mục tiêu.
Hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy phương tiện không người lái này được vận hành từ tàu quét mìn Chernigiv của Hải quân Ukraine. M310 Chernigiv hay M110 Ramsey, thuộc lớp tàu quét mìn Sandown, đã bị loại khỏi biên chế của Hải quân Hoàng gia Anh vào tháng 8/2021 sau 21 năm phục vụ. Tuy nhiên, một báo cáo trên Naval Post cho biết, con tàu này vẫn tiếp tục hoạt động sau khi được chuyển giao cho Hải quân Ukraine.
Ukraine nhiều lần cáo buộc Nga cài đặt thủy lôi ở Biển Đen, gây nguy hiểm cho hoạt động vận chuyển của tàu thuyền thương mại. Nhưng Nga đã bác bỏ cáo buộc này đồng thời cho rằng Ukraine đã đặt hơn 400 quả thủy lôi ở lối vào các cảng Odessa, Ochakov, Chernomonsk và Yuzny. Theo Moscow, nhiều thủy lôi của Ukraine đã bị đứt cáp nối và trôi dạt trên Biển Đen.
Thông tin do Reuters đăng tải vào tháng 6/2022 cũng cho biết, Bộ Ngoại giao Ukraine thừa nhận các lực lượng nước này đã cài đặt thủy lôi như một biện pháp tự vệ theo Điều khoản 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Vào tháng 8/2022, Bộ Quốc phòng Anh quyết định chuyển giao phương tiện không người lái dưới nước cho Ukraine, đồng thời thông báo về kế hoạch huấn luyện các binh sỹ Ukraine sử dụng chúng để rà phá thủy lôi trên biển. Theo kế hoạch, Anh sẽ đào tạo cho hàng chục binh sỹ Ukraine về cách sử dụng UUV rà phá thủy lôi. Vẫn chưa rõ việc đào tạo được tiến hành vào giai đoạn cuối năm 2022 hay đầu năm 2023.
Hải quân Anh được cho là đã phối hợp với Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ thực hiện khóa huấn luyện kéo dài 3 tuần về vận hành phương tiện không người rà phá thủy lôi trên biển. Nhóm đào tạo đã triển khai sáu phương tiện săn thủy lôi tự hành. Ba phương tiện trong số này được lấy từ kho dự trữ của Hải quân Hoàng gia Anh, trong khi 3 phương tiện khác được mua ngoài thị trường. Kịch bản là rà phá bom mìn trên biển để ngăn chặn việc phong tỏa các chuyến hàng vận chuyển ngũ cốc trên Biển Đen.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết: “Trang thiết bị và khóa đào tạo quan trọng này sẽ giúp Ukraine đảm bảo an toàn cho vùng biển của họ, giúp hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đến phần còn lại của thế giới diễn ra suôn sẻ, đồng thời hỗ trợ các lực lượng vũ trang của Ukraine bảo vệ bờ biển và cảng biển”.