Cuộc chiến tranh vùng Vịnh kéo dài hơn một năm, nhưng lượng tên lửa, bom, đạn... mà cả hai bên tham chiến sử dụng tương đương với trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Nhiều loại vũ khí mới được thủ nghiệm ở chiến trường này gây ra những tai họa về môi trường sinh thái không thể thống kê nổi và khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn.
Trong thời gian chiến tranh, khoảng một triệu thùng dầu thô đổ ra vịnh Péc-xích, hơn 570 giếng dầu bị đốt cháy làm ô nhiễm nghiêm trọng vùng trời, đất đai, nguồn nước, sinh vật... ở vùng Vịnh cũng như ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái các khu vực khác.
Kỳ 6: Tên lửa, bom, đạn trong Chiến tranh vùng Vịnh
Dưới đây là một số loại tên lửa, đạn pháo mà các bên tham chiến đã sử dụng:
BGM -109C/D Tomahawk
Tên lửa hành trình chiến lược Tomahawk do hãng Mc.Donnell Douglas và General Dynamics của Mỹ chế tạo, đưa vào trang bị lần đầu năm 1985. Nó được trang bị chủ yếu cho Hải quân Mỹ để tấn công các mục tiêu cố định mặt đất.
Loại tên lửa này dài 6,4m, đường kính 0,53m, sải cánh 2,62m, trọng lượng phóng 3,1 tấn. Tên lửa Tomahawk được trang bị động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy cho tốc độ cận âm 885km/h và có tầm bắn khoảng 2.500km. Đầu đạn của tên lửa là dạng nổ phá, nặng 450kg, có thể mang đạn con hoặc đạn hạt nhân.
|
Tàu tuần dương Mỹ phóng tên lửa Tomahawk. |
Dù tầm bắn xa tới hàng nghìn km, nhưng Tomahawk có độ chính xác tuyệt vời nhờ hệ thống dẫn đường cực kỳ hiện đại
Độ chính xác đến mức “điên rồ” của nó so với các tên lửa hành trình khác được thể hiện qua việc “người điều khiển chỉ cần ở cách mục tiêu hàng nghìn km (thậm chí xa hơn) và nhấn nút, quả lên lửa được phóng đi và chờ, nó sẽ lọt qua cửa sổ và phá hủy mục tiêu”.
Tại cuộc chiến tranh vùng Vịnh, Mỹ và đồng minh đã triển khai khoảng 700 quả tên lửa Tomahawk, bố trí trên hơn 30 tàu mặt nước và tàu ngầm. Trong thực tế, Mỹ đã bắn 216 quả mang đầu đạn thông thường BGM-109C (đạn nổ phá 450kg) và BGM-109D (mang 166 bom con hiệu ứng kết hợp), đặc biệt thích hợp để đánh phá các mục tiêu cố định và quan trọng.
Tên lửa chống hạm SEA SKUA
Tên lửa chống hạm SEA SKUA do hãng British Aerospace của Anh chế tạo với sự phối hợp của hãng Marconi. Loại tên lửa này được đưa vào trang bị từ năm 1983 trong Hải quân Hoàng gia Anh.
Đây là loại tên lửa chống tàu hoạt động trong mọi thời tiết, có thể bay sát mặt biển, chủ yếu trang bị cho các trực thăng hải quân.
|
Phóng tên lửa Sea Skua từ trực thăng. |
Tên lửa nặng 145kg, dài 2,5m, đường kính thân 0,25m, sải cánh 0,72m, tầm bắn 15-18km với đầu nổ phá 20km.
Tại cuộc chiến tranh vùng Vịnh, loại tên lửa này chủ yếu trang bị cho trực thăng Lynx của Hải quân Anh.
Tên lửa chống hạm Harpoon
Hệ thống tên lửa hành trình chống tàu, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết Harpoon do công ty McDonnell Douglas (nay là Boeing Defense, Space & Security) phát triển và giới thiệu lần đầu từ năm 1977. Tính tới năm 2004 thì Boeing đã chuyển giao cho Quân đội Mỹ và các nước đồng minh khoảng 7.000 quả Harpoon.
|
Tên lửa diệt hạm Harpoon rời bệ phóng. |
Harpoon được phát triển, trang bị cho nhiều nền tảng: máy bay (AGM-84, không có tầng động cơ tăng cường nhiên liệu rắn); tàu chiến mặt nước (RGM-84, lắp tầng đẩy tăng cường); tàu ngầm (UGM-84, lắp tầng đẩy tăng cường và đặt trong container kín nước phóng qua ống phóng ngư lôi cỡ 533mm) và biến thể dùng cho khẩu đội phòng thủ bờ.
Đạn tên lửa tiêu chuẩn Harpoon nặng 691kg (với tầng tăng cường), dài 3,8m (biến thể phóng trên không) hoặc 4,6m (biến thể phóng từ tàu chiến), đường kính thân 0,34m, lắp đầu nổ nặng 221kg.
Tên lửa trang bị động cơ tuốc bin phản lực cho tầm bay 124km, tốc độ bay 864km/h, pha cuối bay ở độ cao cực thấp, dùng đầu tự dẫn radar chủ động.
Đạn pháo thông minh M712 Copperhead
Đạn pháo thông minh M712 Copperhead cỡ 155mm được Martin Maritta phát triển cho Lục quân Mỹ để công phá các mục tiêu giá trị cao, xe tăng, pháo tự hành. Nó có thể bắn từ các loại pháo xe kéo, pháo tự hành cùng cỡ 155mm.
|
Đạn pháo M712 chuẩn bị công phá tăng M41. |
M712 được điều khiển giai đoạn cuối bằng đầu tìm laser với thiết bị chiếu mục tiêu bên ngoài (thường là bộ chiếu laser mặt đất AN/TVQ-2, bộ chiếu laser xách tay PAQ-1, môđun laser vạn năng, thiết bị định tầm laser) đặt trên mặt đất, trên xe chiến đấu, máy bay, trực thăng. Ngoài ngòi nổ va đập, đạn còn được trang bị ngòi hẹn nổ và hệ kích nổ bằng cảm biến. Trong thử nghiệm có độ tin cậy tới 92%.
Đạn pháo M712 nặng 63,5kg (phần thuốc nổ 22,5kg), tầm bắn 3-16km.
Tại Chiến tranh vùng Vịnh, loại đạn này được trang bị cho lựu pháo tự hành M109, lựu pháo kéo M198. Quân đội Mỹ thường dùng máy bay trinh sát OV-10 và trực thăng OH-58 để chỉ thị mục tiêu.
Tên lửa không đối không tầm xa AIM-54 Phoenix
AIM-54 là tên lửa không đối không tầm xa do hãng Hughes Aircraft của Mỹ sản xuất và được đưa vào trang bị cho Hải quân Mỹ năm 1971. Trước khi tham chiến ở vùng Vịnh, AIM-54 đã xuất trận ở Libya năm 1986.
|
Đây được coi là một trong các tên lửa không đối không chính xác, song cũng là loại đắt tiền nhất của Mỹ thời đó, nó có giá bán tới hơn 1 triệu USD/chiếc.
|
Tên lửa dài 3,96m, đường kính thân 0,38m, sải cánh 0,914m, trọng lượng phóng 447kg. Tên lửa lắp động cơ đẩy thuốc phóng rắn có tầm bắn lên đến 210km.
Loại tên lửa này được điều khiển bằng radar tự dẫn bán chủ động AWG-9 và radar tự dẫn chủ động giai đoạn cuối (khoảng 16km cuối). Đầu đạn là 2 ngòi nổ cận đích Mk334 và hồng ngoại Bendix được nối với nhau bởi thanh nối lớn.
Tại cuộc chiến tranh vùng Vịnh, loại tên lửa này chủ yếu được trang bị cho máy bay tiêm kích hạng nặng F-14 của Hải quân Mỹ.
Tên lửa chống tăng AGM-114A Hellfire
Tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire là loại vũ khí diệt mục tiêu tăng - thiết giáp nổi danh của Mỹ trong nhiều cuộc chiến tranh trở lại đây. Được đưa vào sản xuất từ năm 1974, hàng nghìn quả Hellfrie đã được Lockheed Martin chế tạo cho Quân đội Mỹ và các nước đồng minh Mỹ.
Loại tên lửa này được trang bị cảm biến kết hợp hồng ngoại/vô tuyến và ảnh hồng ngoại hoặc laser bán chủ động cho phép tấn công mục tiêu một cách linh hoạt.
|
Tại cuộc chiến tranh vùng Vịnh, loại tên lửa này chủ yếu được trang bị cho Lục quân Mỹ. |
Hellfire có trọng lượng 45-49kg tùy biến thể, dài 163cm, đường kính thân 17,8cm, lắp đầu nổ kiểu tandem nặng 9kg hoặc nguyên khối nổ phá mảnh 8kg, tầm bắn 500m tới 8km, tốc độ bay 1.591km/h.
Tên lửa chống radar AGM-88A HARM
AGM-88 HARM là loại tên lửa không đối đất chiến thuật được thiết kế để dẫn đến mục tiêu dựa vào phát xạ điện tử kết hợp với hệ dẫn rada của tên lửa không đối đất. Tên lửa này ban đầu được phát triển bởi Texas Instruments (TI) nhằm thay thế cho các thế hệ tên lửa AGM-45 Shrike và AGM-78 Standard.
Nó có thể phát hiện, tấn công và phá hủy một ăng ten rada hoặc một trạm phát. Hệ thống dẫn, hướng đến trạm phát rada của đối phương, có một ăng ten cố định và một bộ tìm kiếm nằm ở phía đầu của tên lửa.
|
F-16 phóng AGM-88. |
Tên lửa dài 4,1m, nặng 360kg, trang bị động cơ đẩy thuốc phóng rắn cho tầm bắn tới 90km, tốc độ 340m/s, dùng đầu tự dẫn radar bán chủ động. Đây là loại vũ khí đặc biệt nguy hiểm với các đài radar cảnh giới, dẫn đường tên lửa của Iraq.
Tại cuộc chiến tranh vùng Vịnh, loại tên lửa này được sử dụng cho nhiều loại máy bay của Mỹ và các nước liên quân, đặc biệt cho máy bay tấn công điện tử F-4G. Chính loại tên lửa này đã góp phần đáng kể vô hiệu hóa mạng radar phòng không Iraq.
Tên lửa hành trình AGM-86A/B1 ALCM
Tên lửa hành trình phóng từ trên không AGM-86 ALCM được Boeing phát triển cho Không quân Mỹ, trang bị từ năm 1982. Nó được thiết kế nhằm tăng hiệu quả, tính sống sót cho máy bay ném bom chiến lược B-52H. Với AGM-86, B-52H có thể đứng ngoài tầm phòng không của đối phương để bắn tên lửa.
|
Tên lửa hành trình AGM-86. |
Hầu hết các biến thể tên lửa hành trình AGM-86 đều được trang bị động cơ tuốc bin phản lực Williams F107 cho tầm bắn 2.400km (biến thể B) hoặc 1.100km (biến thể C), tốc độ bay cận âm 890km/h.
Các tên lửa hành trình có trọng lượng 1,4 tấn, dài 6,3m, lắp đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường.
Tại cuộc chiến tranh vùng Vịnh, loại tên lửa này chỉ được phóng đi từ máy bay B-52G/H, nhưng chỉ sử dụng loại tên lửa mang đầu đạn thông thường.