Mới đây bộ phim tài liệu "Cảnh sát biển Việt Nam - 20 năm xây dựng và trưởng thành" sau khi được phát sóng đã gây ra tiếng vang lớn, vì lần đầu tiên tiết lộ về lớp tàu tuần tra hạng trung 1.500 tấn mang mã hiệu TT-1500 đang trong quá trình đặt đóng mới.
Đã có một số nhận định cho rằng TT-1500 chính là thiết kế tàu tuần tra thuộc lô 6 chiếc được đóng theo nguồn tín dụng ưu đãi do Chính phủ Nhật Bản viện trợ, nhất là khi vẻ ngoài của nó có nhiều nét tương đồng với các tàu tuần duyên của nước này.
Nhưng thật bất ngờ khi mới đây trang web Cogitasia.com đã đưa ra thống kê chi tiết của mình về chủng loại tàu tuần tra cỡ lớn đã và sẽ có trong trang bị của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, cho thấy nhiều thông tin đặc biệt đáng quan tâm.
|
Thống kê của trang cogitasia.com về số lượng và chủng loại tàu tuần tra của Cảnh sát biển Việt Nam |
Theo bảng thống kê trên thì có thể thấy tàu tuần tra TT-1500 với 6 tàu tuần tra xa bờ của Nhật Bản là hai chủng loại khác nhau.
Trong khi 6 chiếc OPV viện trợ theo vốn vay ưu đãi chưa có thông tin gì cụ thể thì số lượng TT-1500 được cogitasia.com công bố đặt hàng lên tới tận 8 chiếc.
Ngoài ra còn một chủng loại tàu "lạ" nữa cũng được nhắc tới trong báo cáo của cogitasia.com đó là OPV 1200. Đây là lớp tàu tuần tra xa bờ chưa từng được nhắc tới cũng như hình ảnh chưa bao giờ xuất hiện trên truyền thông, nhưng theo trang web này thì Việt Nam đã biên chế 2 chiếc suốt từ năm 2008.
Đáng chú ý hơn, số lượng tàu tuần tra đa năng DN-4000 với lượng giãn nước 4.300 tấn - lớn nhất Đông Nam Á của chúng ta được thống kê chính xác là 2 chiếc, nhưng thời gian tiếp nhận lại được xác định là ngay trong năm 2019.
|
Ảnh đồ họa tàu tuần tra cỡ lớn DN-4000 của Cảnh sát biển Việt Nam |
Qua bảng thống kê trên, chúng ta có thể nhận thấy rất rõ ràng bước phát triển vô cùng mạnh mẽ, thậm chí còn phải dùng từ thần tốc của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Nếu như thời điểm năm 2008 chúng ta mới có 42 tàu các loại với tổng lượng giãn nước 11.100 tấn thì sang đến năm 2017 đã tăng lên 64 tàu với tổng lượng giãn nước 36.780 tấn, con số này có thể sẽ lên tới 45.380 tấn vào năm 2019.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý thêm rằng đây chỉ là số liệu do trang web trên tự tổng hợp theo các nguồn tin riêng của họ (có thể lấy từ báo chí trong nước), tính xác thực sẽ cần được kiểm tra thêm thông qua thực tế.