Xây dựng lực lượng vũ trang Việt Nam trong những ngày đầu độc lập

Google News

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng chưa được củng cố bao lâu đã phải đối phó với nhiều khó khăn.

Các thế lực ngoại xâm cấu kết với bọn tay sai phản động trong nước âm mưu dùng mọi thủ đoạn hòng lật đổ Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa-nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, tiêu diệt Đảng Cộng sản, đặt lại ách thống trị thực dân trên cả nước. Cùng một lúc, quân và dân ta phải đối phó với nguy cơ xâm lược, ở phía Bắc là quân Tưởng Giới Thạch; phía Nam là quân Anh, Nhật, Pháp.
Trước tình hình đó, Đảng ta hết sức chăm lo xây dựng tiềm lực quân sự, quốc phòng đất nước, trong đó đặc biệt coi trọng xây dựng Lực lượng Vũ trang Việt Nam, lấy xây dựng và phát triển bộ đội chủ lực Giải phóng quân làm nòng cốt cho toàn dân bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Từ đầu tháng 9-1945, các LLVT địa phương phát triển khá nhanh, nhưng các đơn vị vũ trang tập trung (bộ đội chủ lực) trực thuộc Trung ương còn ít, chỉ có hai chi đội 3 và 4 từ Việt Bắc về Hà Nội làm nhiệm vụ bảo vệ Trung ương Đảng và Chính phủ.
Xay dung luc luong vu trang Viet Nam trong nhung ngay dau doc lap
Một chi đội Vệ Quốc quân tham dự Lễ Quốc khánh tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Ảnh tư liệu 
Trước yêu cầu xây dựng bộ đội chủ lực trong tình hình mới, cuối tháng 10-1945, Bộ Tổng Tham mưu tổ chức hội nghị bàn về xây dựng Vệ quốc đoàn và kiến nghị được Trung ương Đảng phê duyệt. Theo phương hướng xây dựng đó, hàng triệu nam, nữ thanh niên hăng hái tham gia dân quân, tự vệ, trong đó hơn 8 vạn người đã tình nguyện gia nhập Vệ quốc đoàn. Đến cuối năm 1945, bộ đội chủ lực toàn quốc có khoảng 50.000 người, được tổ chức thành 40 chi đội ở hầu khắp các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ và một số tỉnh ở Nam Bộ. Bên cạnh việc xây dựng về tổ chức, biên chế, sự lãnh đạo của Đảng đối với các đơn vị bộ đội chủ lực cũng được tăng cường. Để giúp Trung ương Đảng lãnh đạo toàn diện công tác quân sự trong quân đội, tháng 1-1946, Trung ương Quân ủy được thành lập. Tiếp đó, cấp ủy đảng trong bộ đội chủ lực khu cũng lần lượt được tổ chức, việc xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên được đẩy mạnh ở các đơn vị bộ đội chủ lực.
Để xây dựng bộ đội chủ lực-quân đội chính quy của Nhà nước Việt Nam độc lập, các chi đội ở Bắc Bộ, Trung Bộ được chấn chỉnh về tổ chức, thống nhất biên chế theo từng đơn vị cấp trung đoàn (32 trung đoàn) và 32 tiểu đoàn độc lập. Riêng ở Nam Bộ, do chưa có đủ điều kiện chấn chỉnh các chi đội thành trung đoàn nên vẫn tổ chức 25 chi đội. Bên cạnh việc xây dựng các đơn vị chủ lực bộ binh, một số tổ chức tiền thân của binh chủng kỹ thuật cũng được xây dựng. Điển hình là việc thành lập 3 trung đội: Pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh (tháng 6-1946).
Cùng với việc xây dựng về tổ chức biên chế, từ cuối năm 1945, công tác huấn luyện quân sự bắt đầu thực hiện ở hầu khắp các đơn vị LLVT tập trung. Nội dung huấn luyện gồm: Động tác đội ngũ, cách sử dụng các loại vũ khí thông thường, kỹ thuật chiến đấu cá nhân, chiến thuật cấp tiểu đội, trung đội tiến công, phòng ngự. Sang năm 1946, chương trình, nội dung huấn luyện về kỹ thuật, chiến thuật của bộ đội chủ lực thống nhất theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Nhằm xây dựng LLVT có trình độ kỹ thuật, chiến thuật và khả năng chiến đấu, đáp ứng nhiệm vụ tác chiến, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự các cấp. “Đó là khâu chính trong các thứ công tác… có thể nâng cao chiến thuật và kỹ thuật cho bộ đội” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr.14). Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác đào tạo đội ngũ cán bộ cho LLVT được tiến hành khẩn trương. Đến giữa tháng 12-1946, các trường đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng nghìn cán bộ, kịp thời bổ sung cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cho các đơn vị LLVT sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ). Ở Nam Trung Bộ, các trung đoàn: 81, 82 và 13 đội tự vệ thành (Nam Bộ) phối hợp với các đội cảm tử tiến công địch, phát triển chiến tranh du kích, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó, không thể đưa quân tăng viện ra Bắc. Tuy mới được xây dựng, trang bị còn thô sơ và thiếu thốn, nhưng LLVT được xây dựng ở các miền: Bắc, Trung, Nam là nòng cốt cho toàn dân SSCĐ và chủ động chiến đấu khi quân Pháp mở rộng chiến tranh ra quy mô cả nước.
Xây dựng LLVT, bộ đội chủ lực để bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng và chuẩn bị chu đáo cho toàn quốc kháng chiến là một trong những thành tựu nổi bật, thể hiện đường lối đúng đắn của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ đội chủ lực phát triển cả về quân số và quy mô tổ chức biên chế; đồng thời, bước đầu được gấp rút huấn luyện về kỹ thuật, chiến thuật và có một số kinh nghiệm qua thực tiễn chiến đấu ở các thành phố, thị xã. Kinh nghiệm về xây dựng LLVT bảo vệ chính quyền cách mạng và chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến là tài sản quý báu cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, nâng cao sức mạnh chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo Đại tá,TS Dương Đình Lập/Báo Quân đội Nhân dân

>> xem thêm

Bình luận(0)