Chiến thuật đổ bộ trong chiến tranh thể giới thứ hai rất được các tướng lĩnh chỉ huy của quân Đồng minh sử dụng dù chiến thuật đó tỏ ra cực kỳ đẫm máu. Những trận đánh đổ bộ (đổ bộ đường không, đổ bộ đường biển) luôn khiến lực lượng tấn công chịu tổn thất nặng nề trong các cuộc giao tranh với lực lượng phòng thủ của đối phương.
Một điểm đặc biệt nữa đó là chiến thuật đổ bộ này luôn được thực hiện vào ban ngày, mặc dù nếu thực hiện chiến thuật đó vào ban đêm thì sự tổn thất mà lực lượng tấn công phải chịu sẽ giảm bớt đi rất nhiều. Tuy vậy do nhiều lý do mà chiến thuật đó vẫn được sử dụng cho đến hết cuộc chiến.
|
Những đội quân trong quá khứ rất trọng danh dự và chiến đấu với tác phong của những hiệp sỹ. Nguồn ảnh: Warlord. |
Trong lịch sử, các cuộc chiến tranh giữa các nước luôn có nhiều luật lệ được quy định, trong đó có những luật lệ bất thành văn cực kỳ vô lý nhưng vẫn tồn tại hàng trăm năm. Một trong số đó là các quy định về việc chiến đấu vào ban ngày và không được phép tấn công vào… giờ ăn cũng như giờ ngủ của cả hai phe.
Sở dĩ có điều lệ oái oăm này đó là do các lực lượng quân đội từ thế kỷ 15, 16 ở Châu Âu đều có chỉ huy xuất thân từ trong giới quý tộc. Và với bản lĩnh, danh dự của một Hiệp sĩ, những chỉ huy này sẽ không bao giờ tấn công khi đối phương không có vũ khí trong tay. Chính vì vậy họ coi việc tấn công đối phương khi họ đang ăn hoặc ngủ là một sự nhục nhã và mọi sự giao tranh đều phải diễn ra vào ban ngày. Khi mà binh lính đối phương sẵn sàng cầm vũ khí chiến đấu chống cự một cách sòng phẳng.
Những quy định đó thậm chí còn tiếp tục được giữ lại đến tận… chiến tranh thế giới thứ nhất mặc dù thời kỳ của những hiệp sĩ đã kết thúc từ lâu trước đó, tuy nhiên cũng có một vài hành động phá luật đã từng được áp dụng để dành lợi thế bất ngờ, tấn công phủ đầu khi đối phương không kịp phòng bị.
Đến chiến tranh thế giới thứ hai, mặc dù việc tấn công vào ban ngày không còn là yêu cầu bắt buộc như một “luật bất thành văn” nữa, tuy nhiên nó lại mắc phải rất nhiều yêu cầu về mặt kỹ thuật đối với các bên. Vì thời gian này các thiết bị nhìn đêm chưa ra đời, hệ thống radar mới được phát triển còn rất thô sơ và hệ thống liên lạc cá nhân cực kỳ khó sử dụng nên việc hiệp đồng binh chủng vấp phải nhiều vấn đề.
Lấy ví dụ như trong cuộc đổ bộ vào Normandy của lực lượng quân Đồng Minh. Thời điểm đó, quân Đồng Minh với hỏa lực vượt trội bao gồm rất nhiều hải pháo, rất nhiều máy bay ném bom cỡ lớn sẽ không thể tấn công mục tiêu chính xác vào ban đêm được do thiếu các khí tài hiện đại.
Ngoài ra, việc tiến quân vào một khu vực phòng thủ kiên cố như ở Normandy sẽ đòi hỏi phải có sự hiệp đồng chặt chẽ. Tuy nhiên như đã nói ở trên, các thiết bị liên lạc thời kỳ đó cực kỳ cồng kềnh và khi một lực lượng tấn công nào đó chiếm được một công sự hay một điểm hỏa lực của đối phương thì họ sẽ khó có thể tìm cách truyền tin về tuyến sau được nên việc hiệp đồng tác chiến sẽ bất khả thi khi diễn ra vào ban đêm.
|
Quân Đồng Minh tấn công vào bãi biển Normandy trong ngày đổ bộ 6/6/1944. Nguồn ảnh: Warhistory. |
Trên thực tế thì trong ngày đổ bộ (ngày D), phía Đồng Minh đã huy động rất nhiều máy bay do thám cỡ nhỏ, các máy bay này được trang bị điện đàm và các phi công sẽ “lượn lờ” trên độ cao vài trăm mét để theo dõi cuộc tiến công của bộ binh dưới mặt đất, sau khi bộ binh chiếm được một khu vực nào đó các phi công trinh sát sẽ báo về với lực lượng hải quân ngoài biển để tránh trường hợp công kích nhầm vào quân mình. Lực lượng hải quân sẽ thông báo qua các điện đàm của các lính liên lạc đang chiến đấu trong bờ để họ tiến quân vào cửa mở đã được quân mình chiếm sẵn và đánh tạt sườn đối phương thay vì phải đâm đầu vào các cụm hỏa lực cực mạnh của kẻ địch.
|
Bãi biển đẫm máu nơi quân Đồng Minh bị thiệt hại nặng. Nguồn ảnh: Warhistory. |
Thực tế thì phía quân Đồng Minh khi tham gia trận D-Day đổ bộ vào Normandy năm 1944 có tới khoảng 20.000 lính trong khi đó phía Đức chỉ có khoảng 10.000 người phần lớn là các lực lượng không có kinh nghiệm thực chiến. Mặc dù đã có chủ đích tấn công sau khi mặt trời mọc để tận dụng tối đa hỏa lực yểm trợ của lực lượng hải quân và không quân tuy nhiên trên thực tế tất cả các vụ oanh tạc bằng đường không của Đồng Minh đều… trượt mục tiêu và hệ thống các lô cốt, boong-ke phòng thủ của Đức trên bãi biển vẫn gần như còn nguyên vẹn chờ phía Đồng Minh đổ bộ vào bờ “nướng quân”.
Cuộc đụng độ đẫm máu nhất trong ngày đổ bộ diễn ra ở bãi biển có mật danh “Omaha” với khoảng 4.000 lính Thủy quân Lục chiến Mỹ bị cầm chân bởi 500 lính Đức. Vấp phải hỏa lực áp đảo từ phía Phát-xít, phía Đồng Minh thậm chí còn tính đến việc rút quân khỏi bãi biển Omaha để tránh thương vong. Kết cục của cuộc đổ bộ lớn nhất lịch sử đó là phía Mỹ và Đồng Minh đã giành chiến thắng tuy nhiên cũng có rất nhiều thương vong.
Chính vì sự đánh đổi quá lớn đó mà dần dần các chuyên gia quân sự và các tướng lĩnh quân đội ở các nước phát triển bắt đầu hướng tới nghiên cứu một học thuyết mới trong việc tấn công đối phương nhằm hạn chế thương vong cho lực lượng tấn công. Học thuyết mới này vẫn sử dụng hỏa lực áp đảo nhằm hạn chế, dập tắt các cụm hỏa lực mạnh của đối phương tuy nhiên sẽ sử dụng các phương tiện chiến tranh hiện đại hơn để đưa binh lính tiếp cận khu vực giao tranh một cách an toàn nhất.
|
Chiến thuật Trực Thăng Vận được Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam với quy mô lớn đã thất bị thảm hại do bản báo cáo chi tiết về chiến thuật này đã được tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn gửi ra Bắc từ trước khi cuộc tấn công được triển khai vài tháng trời. Nguồn ảnh: AFP. |
Trong các chiến thuật tấn công đổ bộ đã được Quân đội Mỹ sử dụng thử nghiệm sau chiến tranh thế giới thứ hai chính là chiến thuật sử dụng "Thiết Xa Vận" và "Trực Thăng Vận" trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Đáng tiếc là những chiến thuật này đã bị quân giải phóng miền Nam Việt Nam “bắt bài” và lên kế hoạch đối phó từ trước khi chúng được triển khai do có các nguồn tin tình báo chiến lược cung cấp nên phía Việt Nam đã khắc chế hoàn toàn được chiến thuật triển khai quân theo kiểu “con nhà giàu” này.
Đến thời điểm hiện tại, các chiến thuật đổ quân như sử dụng tàu đệm khí hay các thiết giáp lưỡng cư tấn công sâu vào trong đất liền hay sử dụng trực thăng hoặc máy bay vận tải cỡ lớn đổ quân từ trên không vẫn đang được quân đội các nước phát triển nghiên cứu và thực nghiệm thêm. Tuy nhiên quy mô của các cuộc chiến tranh trong thời đại ngày nay thường không lớn, các cuộc đối đầu trực diện sòng phẳng theo kiểu “lật bài ngửa” không còn nên việc muốn kiểm chứng các chiến thuật, chiến lược quân sự kiểu mới này là rất khó khăn.