“Số liệu cho thấy 142 trên tổng số 434 máy bay của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đang bị xếp xó”, báo Daily Mirror đưa tin.
Theo nguồn tin trên, nhiều máy bay đã phải ngừng bay, trong khi một số khác cần phải đại tu. Vấn đề này xảy ra đối với gần như tất cả các mẫu máy bay của Không quân Hoàng gia Anh, trong đó có cả "át chủ bài" Eurofighter Typhoon.
“Giới chức cấp cao quân đội tiết lộ 55 trong số 156 máy bay chiến đấu Typhoon trong phi đội dự bị của RAF hiện không sẵn sàng chiến đấu”, báo Mirror đưa tin. Thậm chí, ngay cả những máy bay nằm trong phi đội trực chiến, vốn luôn ở tình trạng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, cũng chỉ nằm trong danh sách “máy bay hoạt động ngắn hạn”.
|
1/3 máy bay Không quân Hoàng gia Anh (RAF) nằm chờ bảo dưỡng. Ảnh: seekanddestroy |
Ngoài Typhoon, “5 trong tổng số 20 máy bay vận tải Atlas A400M nằm trong phi đội dự bị”, dù mới được bàn giao năm 2014. Gần một nửa máy bay huấn luyện của RAF không thể cất cánh. Khoảng 44 trong tổng số 81 máy bay chiến đấu Hawk T1 phục vụ đào tạo phi công hiện lưu kho hoặc cần bảo dưỡng.
Song đó chưa phải là tất cả, phi đội máy bay giám sát và cảnh báo sớm của RAF là lực lượng thiệt hại nặng nề hơn cả. Đối với máy bay giám sát và radar E-3D Sentry, 3 trong tổng số 6 chiếc dừng hoạt động. Đối với máy bay giám sát Sentinel R1, 3 trong tổng số 5 máy bay có thể hoạt động, cùng với vỏn vẹn 4 chiếc King Air 350.
Phi đội trực thăng Anh cũng không hề khá khẩm hơn. Trong tổng số 60 chiếc trực thăng Chinook, 19 chiếc nằm trong kho bảo dưỡng.
Theo The National Interest, mẫu máy bay duy nhất không có chiếc nào nằm trong phi đội dự bị là máy bay BAe 146 được sử dủng bởi Hoàng gia và các bộ trưởng cấp cao, trong đó có Thủ tướng Anh Theresa May, và máy bay tàng hình tối tân nhất F35-B Lightning II.
Phản ứng trước thông tin trên, quân đội Anh trả lời rằng việc máy bay ngừng hoạt động để bảo trì là điều bình thường. Người phát ngôn của RAF cho biết “phi đội dự bị bao gồm các máy bay đang được bảo trì, nâng cấp các chương trình hoặc lưu trữ trong kho. Máy bay quân sự hiện đại là máy móc rất phức tạp đòi hỏi phải quản lý và bảo trì cẩn thận để đảm bảo chúng đáp ứng được các nhiệm vụ và đủ số lượng để hoàn thành các nhiệm vụ được yêu cầu”.
Lord Ming Campbell, phát ngôn viên của đảng Dân chủ Tự do, nhất trí việc máy bay cho dừng hoạt động để bảo trì là chuyện thường song con số được tiết lộ khá bất ngờ. “Sức mạnh của Không quân Hoàng gia không chỉ phụ thuộc vào chất lượng phi công và máy bay, mà còn xét tới khả năng sẵn sàng đáp ứng bất kỳ mối đe dọa nào hoặc tham gia vào các nhiệm vụ của NATO. Những con số này dường như vượt xa những gì cần thiết cho công tác sửa chữa hoặc bảo trì”.
Anh không phải là quốc gia duy nhất gặp vấn đề về bảo dưỡng máy bay. Cơ quan Thẩm định Trách nhiệm Mỹ (GAO) báo cáo nhiều mẫu máy bay của Mỹ, trong đố có cả chiến đấu cơ tối tân F-22 và oanh tạc cơ chiến lược B-52, đều thiếu tính khả dụng do bảo trì không được đầy đủ và thiếu phụ tùng thay thế. Đầu năm nay, hầu hết các máy bay chiến đấu Typhoon của Đức bị phát hiện là không đủ khả năng bay.