Tàu Ocean/Hải quân Anh
Lớp Ocean là loại tàu đổ bộ có chỗ đỗ cho trực thăng duy nhất trong số tàu chiến đang trong biên chế sử dụng của Hải quân Hoàng gia Anh. Tàu có lượng giãn nước khi đầy tải là 21.758 tấn, dài 203,4m, rộng 36,1m, hệ thống động lực sử dụng 2 động cơ diesel loại pielstick 16PC2.6V400, 2 trục đẩy, tổng công suất 23.904 mã lực, tốc độ tối đa 20 hải lý/h. Khi chạy tốc độ 15 hải lý/h có thể hành trình liên tục 8.000 hải lý.
Tàu Ocean có khả năng chuyên chở rất lớn, có thể mang 18 chiếc trực thăng trên boong và 12 trực thăng trong kho chứa, số lượng tổng cộng lên tới 30 chiếc, bao gồm các loại trực thăng như Sea King, EH-101, Apache, Chinook, khi cần thiết đổi sang máy bay chiến đấu Sea Harrier.
Bên cạnh đó, tàu Ocean có thể chở thêm được 40 xe bọc thép chở lính hạng nhẹ, 34 xe hậu cần và 6 khẩu pháo 105mm. Ngoài ra, tàu có thể chứa 480 binh sĩ Hải quân đánh bộ và trang bị vật tư đi cùng. Khi làm nhiệm vụ khẩn cấp, sử dụng khoang giản đơn, có thể chuyên chở đến 800 người.
|
Tàu tiến công đổ bộ lớp Ocean của Hải quân Anh. Ảnh: Militarytoday.com |
Tàu Mistral/Hải quân Pháp
Hiện nay, Hải quân Pháp đã có 3 tàu tiến công đổ bộ lớp Mistral đang trong biên chế. Thân tàu lớp Mistral được thiết kế kiểu modul gồm 4 modul lớn: trước, sau, phải và trái.
Tàu lớp Mistral có lượng giãn nước chở đầy tải là 21.500 tấn, dài 199m, rộng 32m, tốc độ tối đa 18,8 hải lý/h. Khi chạy với tốc độ 18 hải lý/h có thể hành trình liên tục 5800 hải lý; chạy tốc độ 15 hải lý/h, hành trình liên tục lên tới 10.700 hải lý. Tàu sử dụng hệ thống động lực tiên tiến với 3 tổ máy diesel chính 16V32 của tập đoàn Wartsila (mỗi động cơ 5,2MW, 8300 mã lực), cùng một tổ máy diesel phụ trợ 18V200 Wartsila (công suất 3MW, 4030 mã lực). Máy đẩy sử dụng 2 máy động cơ điện MERMAID của hãng Rolls-Royce (mỗi máy công suất 7,5MW, tổng cộng 15MW, khoảng 20.400 mã lực).
Về năng lực chở người, tàu Mistral có khả năng chuyên chở 450 binh sĩ hải quân đánh bộ cùng các trang bị đi cùng. Khi thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp, sử dụng phòng ở giản đơn trên tàu, có thể chở tăng lên 900 người.
Về khả năng chuyên chở trang bị vũ khí đổ bộ, tàu sử dụng boong làm sân bay có diện tích hiệu quả 5.200m2, khoang chứa trực thăng và xe cộ diện tích 1.800m2 và 1 boong chuyên dụng để xe cộ diện tích 1.000m2, Mistral có thể chở 6 - 8 trực thăng (gồm trực thăng Tiger, USLpard, NH90) và hơn 70 xe bọc thép. Với mô hình tàu sân bay trực thăng, Mistral có thể chứa tối đa 16 chiếc, boong tàu làm sân bay có thể đồng thời cất hạ cánh 6 trực thăng. Khoang ụ tàu có thể chứa thêm 4 tàu đổ bộ thông dụng hoặc 2 tàu đổ bộ đệm khí CAC.
Về khả năng đảm bảo hậu cần, tàu Mistral có 20 phòng điều trị, bao gồm 69 giường bệnh và 7 giường điều trị tăng cường, ngoài ra còn có 2 phòng phẫu thuật. Nếu do nhu cầu nhiệm vụ, khi có đông người bị thương phải thu nhận điều trị có thể tăng thêm số giường bệnh lên thành 120 giường. Không gian chứa vật tư trên tàu rất lớn, đủ để đáp ứng cho tàu hoạt động 45 ngày liên tục trên biển.
|
Tàu tiến công đổ bộ lớp Mistral của Hải quân Pháp. Ảnh: Wikipedia.org |
Tàu Juan Carlos 1/Hải quân Tây ban Nha
Tàu hộ tống chiến lược Juan Carlos 1 là tàu chiến đa dụng đầu tiên được Tây Ban Nha chế tạo, kinh phí thiết kế và chế tạo 462 triệu USD, mang đầy đủ đặc trưng của tàu tiến công đổ bộ và tàu sân bay. Tàu dài 230m, rộng 32m, lượng giãn nước khi chở đầy tải là 27.097 tấn.
Juan Carlos 1 chỉ sử dụng một động cơ tuabin hơi LM2500 làm hệ thống động lực chính, công suất máy lẻ cũng thấp hơn 20% so với LM2500+ trang bị trên tàu America, đồng thời lắp đặt hai máy phát điện disel MAN3240 16V cùng cung cấp điện năng cho hai tổ máy đặt ở gầm phía đuôi tàu tạo lực đẩy. Phía trước và phía sau tàu có chân vịt, tàu có thể chạy liên tục 8000 hải lý khi hành trình với tốc độ 15 hải lý/h và chạy liên tục 9250 hải lý với tốc độ 12 hải lý/h.
Tàu Juan Carlos 1 có thể đồng thời cho phép thao tác 4 trực thăng hạng nặng CH-47 hoặc 6 trực thăng hạng trung NH90/SH-3. Kho chứa máy bay bố trí phía trên khoang phòng ở phía đuôi tàu, diện tích khoảng 1000 m2, đủ chỗ đỗ 12 trực thăng hạng trung. Nơi để xe cộ hạng nhẹ phía trước khi cần thiết cũng có thể dùng đỗ máy bay, tối đa là 18 trực thăng hạng trung. Như vậy, nơi để máy bay và xe cộ hạng nhẹ tổng cộng có thể chứa được 30 trực thăng hạng trung (hoặc 10 chiếc CH-47), con tàu này tổng cộng để được 36 trực thăng hạng trung (hoặc 14 chiếc CH-47).
Bên cạnh đó, với khoang ụ tàu dài 69,3m, rộng 16,8m, diện tích 1163m2. Cửa khoang này dài 16,5m, cao 11,5m, có thể chứa 2 tàu đổ bộ đệm khí LCAC hoặc 2 tàu đổ bộ LCM8/LCMIE. Điều đáng nói là hai bên sườn thân tàu Juan Carlos 1 không có ke vây ổn định. Thiết kế này giúp cho khoang ụ ở phía đuôi tàu trong tình huống sóng biển cấp 4 vẫn có thể thu hoặc thả trang bị đổ bộ, tạo thuận lợi cho tác chiến đổ bộ trong điều kiện thời tiết khó khăn phức tạp.
Trong trạng thái tiêu chuẩn, tàu Juan Carlos 1 có thể chở được 140 chỉ huy và nhân viên đổ bộ cùng 320 binh sĩ hải quân đánh bộ, khi cần thiết có thể tăng thêm 70 nhân viên. Nếu chuyên chở theo phương thức mật độ cao thì số lượng lên tới 1.200 người, gấp hai lần so với tàu vận tải ụ tàu lớp San Antonio của Mỹ.
|
Tàu Juan Carlos 1. Ảnh: Behance.net |
Tàu đổ bộ Cavour/Hải quân Italia
Tàu Cavour có lượng giãn nước 27.100 tấn, chiều dài của tàu lên tới 235,6m, chiều rộng là 39m. Tàu sử dụng 4 động cơ tuabin khí LM2500, hai trục đẩy, tổng công suất 120.000 mã lực, tốc độ tối đa 29 hải lý/h. Con số đó vượt xa hầu hết các tàu tiến công đổ bộ. Khi chạy với tốc độ 16 hải lý/h, tàu có thể hành trình liên tục 7000 hải lý trong 18 ngày liên tục.
Tàu Cavour sử dụng boong tàu làm đường băng và boong trượt cất cánh ở phía mũi tàu giống như tàu Juan Carlos 1. Boong làm đường băng dài 220m, rộng 34m, phần đường băng dài 180m. Trên đường băng có 6 điểm cho trực thăng lên xuống, bên phải có 8 chỗ đỗ máy bay và 1 điểm cho máy bay lên xuống, có đủ khả năng cho 7 trực thăng.
Nếu đảm nhận nhiệm vụ đổ bộ, tàu Cavour có thể điều chỉnh kết cấu các khoang tàu để chuyên chở trang bị và nhân viên. Kho chứa máy bay của tàu sẽ căn cứ theo yêu cầu nhiệm vụ để sửa thành kho để xe cộ, chuyên chở tối đa 24 xe tăng hoặc 60 xe thiết giáp chở quân hoặc 100 xe bánh hơi. Hai bên mạn tàu Cavour còn mang một số tàu nhỏ, bao gồm 3 tàu đổ bộ lính LCVP, 1 tàu trinh sát, 2 tàu đột kích cao tốc. Cavour chở được tổng cộng 360 binh sĩ hải quân đánh bộ, khi cần thiết có thể tăng lên 450 người.
|
Tàu đổ bộ Cavour. Ảnh: Wikipedia.org |
Vũ khí trên tàu đổ bộ tấn công Cavour rất đầy đủ, với tổng cộng 4 hệ thống với 8 bệ phóng thẳng đứng Silva, bố trí phần cuối bên trái boong tàu làm sân bay, rađa Empar có cự ly thám trắc khoảng 180km, có thể thắm trắc đồng thời 300 mục tiêu, trong đó đeo bám 50 mục tiêu, có thể đồng thời dẫn dắt 24 tên lửa Aster - 15 đánh chặn 12 mục tiêu nguy hiểm nhất. Bên cạnh đó, 3 hệ thống pháo phòng không tự động 25mm KBA được bố trí ở phía trước, bên phải và phía cuối boong tàu có thể tiêu diệt mục tiêu bay thấp hoặc trên mặt biển. Ngoài ra còn có 2 pháo hạm 76mm Oto Melara có tốc độ bắn 120 phát/ phút, được điều khiển bằng rađa pháo NA-25X, đi kèm có đạn chống tên lửa tăng tầm bắn DART, được sử dụng tiêu diệt mục tiêu trên không và trên mặt nước ở cự ly gần.