Theo truyền thông Trung Quốc đăng tải cho biết, quân đội nước này hiện đang tìm cách chế tạo một loại vệ tinh săn ngầm có khả năng quét và phát hiện tàu ngầm đối phương ở độ sâu tới 500 mét dưới mực nước biển.
Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc cũng khẳng định ngoài việc săn ngầm, loại vệ tinh này cũng hoàn toàn có thể được sử dụng trong mục đích khoa học như vẽ bàn đồ đáy biển ở độ sâu khoảng vài trăm mét.
Hiện tại toàn bộ chương trình này đang được nghiên cứu tại Viện khoa học và Công nghệ biển đặt tại Thanh Đảo, Sơn Đông. Một vài thông tin về công trình này thậm chí còn được công bố trực tiếp lên trang web của viện nghiên cứu này.
Về mặt lý thuyết, việc quét được 500 mét sâu dưới lòng đại dương sẽ giúp Trung Quốc biết được vị trí của mọi tàu ngầm đang hoạt động trên thế giới này. Phần lớn các tàu ngầm hiện tại chỉ có khả năng hoạt động ở độ sâu tối đa khoảng 360 mét - nghĩa là có thể dễ dàng bị vệ tinh săn ngầm của Trung Quốc tóm sống.
Ngoài ra, loại vệ tinh này còn có thể được sử dụng để dò các bãi thuỷ lôi dưới lòng biển, vạch ra được một hành lang an toàn cho tàu mặt nước di chuyển dễ dàng trong trường hợp bị đối phương rải thuỷ lôi phong toả đường biển.
Nhiệm vụ bất khả thi?
Nhiều học giả khoa học trên thế giới lại có nhận định ngược lại với tham vọng của Trung Quốc, cho rằng việc dò tìm dưới mặt biển ở khoảng 100 mét trở lại là điều hoàn toàn có thể, tuy nhiên quét vệ tinh từ độ cao vũ trụ xuống tới sâu 500 mét nước là điều bất khả thi vì ít có loại sóng nào có khả năng thực hiện được việc đó.
Trong trường hợp Trung Quốc sử dụng loại sóng đủ mạnh để quét được lòng biển, thiết bị [vệ tinh] của họ sẽ cần một nguồn năng lượng khổng lồ - điều bất khả thi với một vệ tinh.
Khả năng của Trung Quốc
Mặc dù được biết tới như một quốc gia chuyên "sao chép" công nghệ cũng như vũ khí từ nước ngoài, tuy nhiên gần đây Trung Quốc lại đang nổi lên như một cường quốc với những phát kiến khoa học làm thế giới khá choáng váng, đặc biệt là trong lĩnh vực Hải quân.
Năm ngoái, phía Trung Quốc đã tuyên bố phát minh ra hệ thống định vị thuỷ âm sử dụng từ trường Trái Đất để định vị tiếng động dưới lòng đại dương - cũng nhằm mục đích tìm kiếm tàu ngầm đối phương.
Thiết bị thuỷ âm này có thể nghe thấy các tần số rung động cực nhỏ ở khoảng cách lên tới 1000 km. Có nghĩa là từ đât liền, Trung Quốc có thể "nghe" thấy các hoạt động của Hải quân Mỹ ngoài đảo Guam.
Trung Quốc cũng đang phát triển hệ thống tàu ngầm không người lái tốc độ cao với nhiệm vụ thu thập, vẽ bản đồ lòng biển cũng như để theo dõi tàu ngầm đối phương.
Tại viện nghiên cứu ở Thanh Đảo, các nhà khoa học Trung Quốc hiện cũng đang nỗ lực mở rộng quy mô của siêu máy tính mang tên "Deep Blue Brain". Theo hy vọng của phía Trung Quôc, tới năm 2020 cỗ siêu máy tính này sẽ trở thành máy tính mạnh nhất thế giới, nhanh hơn khoảng 1000 lần siêu máy tính mạnh nhât hiện nay. Điều này sẽ mở ra một chân trời mới trong quá trình nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc khi hệ thống siêu máy tính mới có thể giúp mô phỏng lại nhiều yếu tố thực tế một cách nhanh chóng thay vì phải chế tạo một bản mẫu và mang ra thử nghiệm rất mất thời gian.
Đây cũng chính là lý do Hải quân Mỹ đang càng ngày càng lo ngại với sự mở rộng về quy mô cũng như năng lực của Hải quân Trung Quốc - một lực lượng sẽ sớm khiến Mỹ phải đau đầu ở khu vực Đông Á trong tương lai.
Mời độc giả xem Video: Sức mạnh của Hải quân Trung Quốc - trong tương lai liệu có thể vượt Mỹ?