Giải mã vũ khí tác chiến điện tử giúp Nga "bắt chết" vệ tinh NATO

Google News

(Kiến thức) - Giới chuyên gia quân sự phương Tây đánh giá, với Borisoglebsk-2 của Quân đội Nga có thể dễ dàng vô hiệu hóa hay can thiệp vào bất cứ hệ thống thông tin liên lạc cấp chiến thuật nào của NATO kể cả vệ tinh.

Tổ hợp tác chiến điện tử Borisoglebsk-2 là sản phẩm do Tập đoàn Sản xuất khí cụ thống nhất United Instrument Manufacturing Corporation - UIMC phát triển. Chương trình nghiên cứu tổ hợp này được bắt đầu triển khai từ năm 2004 và hoàn thành vào tháng 12/2010. Quân đội Nga đã được biên chế một số hệ thống này từ cuối năm 2015, dự kiến sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng khoảng 100 hệ thống từ cuối năm 2019.
 Một thành phần tổ hợp tác chiến điện tử Borisoglebsk-2. Ảnh: tvzvezda.ru.
Theo đại diện Bộ Quốc phòng Nga, Borisoglebsk-2 sẽ được trang bị cho cấp đại đội tác chiến điện tử trong thành phần các lữ đoàn bộ binh cơ giới thuộc Lục quân Nga. Tổ hợp có thành phần chủ yếu gồm: 4 trạm gây nhiễu và 1 sở chỉ huy lắp trên các xe bọc thép chở quân MT-LB hoặc BTR-80. Mỗi hệ thống được biên chế 9 xe, điều cho phép người vận hành có thể đưa ra quyết định chỉ trong vài giây.
Trong đó, sở chỉ huy kiểm soát tự động R-330KMV thực hiện nhiệm vụ giám sát và điều phối hoạt động của nhiều thiết bị bảo vệ và gây nhiễu khác nhau như R-378BMV, R-330BMV, R-934BMV, R-325UMV.
Các trạm gây nhiễu được lắp trên khung gầm xe MT-LB. Xe có khả năng cơ động cao trên mọi địa hình, bao gồm cả các vùng đầm lầy, băng tuyết và sa mạc. Khi xe được lắp hệ thống xích đặc biệt dùng cho địa hình đầm lầy/băng tuyết, áp lực xích trên mặt đất chỉ còn dưới 0,28 kg/1cm2. Với trọng tải thông thường lên tới 2 tấn, xe có khả năng vượt chướng ngại sông nước với tốc độ 5 - 6 km/h.
 Hệ thống angten của Borisoglebsk-2. Ảnh: Sputnik.
Khả năng áp chế điện tử vượt trội
Theo đại diện của UIMC - ông Danil Gatilov, tổ hợp tác chiến điện tử Borisoglebsk-2 hiện không có đối thủ trên thế giới. Hệ thống này có nhiệm vụ chính là gây nhiễu các hệ thống truyền tin và tín hiệu định vị vệ tinh của đối phương. Bên cạnh đó, trong những trường hợp nhất định, hệ thống còn có nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo và áp chế liên lạc vô tuyến điện của đối phương.
Việc chế áp và gây nhiễu hiệu quả các hệ thống truyền dẫn thông tin, tín hiệu vệ tinh của đối phương sẽ giúp lực lượng vũ trang Nga hạn chế tối đa thiệt hại bởi các đòn không kích của đối phương. Đồng thời qua đó giúp lực lượng phòng không, không quân tiến hành đánh trả hiệu quả các cuộc tập kích đường không của đối phương khi có xung đột xảy ra.
Bộ Quốc phòng Nga công bố, Borisoglebsk-2 có khả năng phát hiện ra các tín hiệu thông tin của đối phương từ khoảng cách 20km. So với các hệ thống gây nhiễu trước đây từng được Nga phát triển, Borisoglebsk-2 có một phạm vi giám sát sóng radio rộng lớn hơn, tốc độ quét tần số cao, nguồn phát thải sóng radio chính xác hơn. Bên cạnh đó, dải tần trinh sát và chế áp của Borisoglebsk-2 cũng được mở rộng hơn 2 lần, còn tốc độ phát hiện tần số tăng lên hơn 100 lần.
Sau khi Borisoglebsk-2 trinh sát được các nguồn vô tuyến điện, nó sẽ tự động chuyển sang chế độ chế áp chủ động. Với chế độ này, Borisoglebsk-2 sẽ chế áp vô tuyến đối với các kênh liên lạc vô tuyến điện mặt đất, máy bay sóng ngắn, sóng cực ngắn, các thuê bao đầu cuối điện thoại di động, liên lạc trung kế ở các cấp chỉ huy chiến thuật và chiến thuật/chiến dịch.

Mời độc giả xem video: Cận cảnh một tổ hợp radar giám sát đa tầng của Quân đội Nga. (nguồn RT)

Lam Ngọc

>> xem thêm

Bình luận(0)