Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp về báo cáo đánh giá tác động chính sách đối với dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ). Thời gian từ ngày 25/10 đến 25/11.
Dự thảo này được Bộ Công an xây dựng nhằm thay thế cho Pháp lệnh CSCĐ hiện nay. Đề xuất trên được đưa ra khi tình hình chính trị thế giới và khu vực đang diễn ra phức tạp, khó lường. Còn trong nước, thế lực thù địch nhiều lần lôi kéo người dân biểu tình trái pháp luật, chống người thi hành công vụ; tội phạm hình sự gia tăng, ngày càng manh động…
|
CSCĐ diễn tập chống khủng bố. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Trước những bất cập của Pháp lệnh CSCĐ năm 2013, Bộ Công an cho rằng cần phải xây dựng Luật CSCĐ để tạo hành lang pháp lý đồng bộ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức cũng như các yếu tố khác cho hoạt động cảnh sát cơ động.
Về tổ chức, Bộ Công an cho biết thời gian qua, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã kết luận, chỉ đạo nhiều vấn đề quan trọng đối với việc tăng cường xây dựng CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; tăng thêm về lực lượng, tổ chức mới như: Thành lập Trung đoàn Không quân công an nhân dân, Trung đoàn CSCĐ Kỵ binh…
Do đó, việc hoàn thiện tổ chức CSCĐ đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quá trình xây dựng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Về hoạt động, pháp lệnh hiện hành chưa rõ ràng, tách biệt giữa nhiệm vụ với hoạt động CSCĐ dẫn đến khó khăn trong nhận thức, triển khai thực hiện.
Còn thẩm quyền điều động cũng còn một số bất cập. Hiện nay, thẩm quyền điều động của Tư lệnh CSCĐ đến cấp Tiểu đoàn trực thuộc. Trong khi thẩm quyền của Giám đốc Công an địa phương là Trung đoàn CSCĐ trực thuộc (cao hơn cả Tư lệnh).
Theo Bộ Công an, việc điều chỉnh thẩm quyền điều động CSCĐ cho phù hợp với yêu cầu tình hình thực tế sẽ góp phần nâng cao vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CSCĐ trong hoạt động bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.