Bên trong những con ngõ nhỏ chưa đầy nửa mét trên phố cổ là những ngôi nhà chật hẹp, nơi có những gia đình 3 đến 4 thế hệ đang cùng nhau sinh sống. Ngoài bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, phía sau đó còn nhiều câu chuyện buồn không chỉ đối với những người đang sống, mà cả với những người đã nhắm mắt xuôi tay.
75 năm sống ở con ngõ nhỏ trên phố hàng Điếu, bà Nguyễn Thị Hòe chứng kiến không ít những câu chuyện dở khóc dở cười chỉ vì ngõ nhỏ, nhà hẹp. Theo lời kể của bà, trước đây bà từng tận mắt chứng kiến nhiều người mang bầu đến cơn đau đẻ loay hoay cả tiếng mà không chuyển được ra ngoài đường lớn. Cuối cùng phải dùng cách kích cầu thang, đi qua ngõ phải cõng ngửa bà bầu lên mới đưa được ra đường, vì ngõ quá nhỏ, ngay cả cáng y tế cũng chẳng vào được để khiêng ra.
|
Những ngõ nhỏ ở trên phố cổ luôn là nỗi ám ảnh với các gia đình mỗi khi nhà có việc. |
Không chỉ ốm đau chửa đẻ, bà Hòe cũng kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện có người già ở trong ngõ tử vong, do không kịp đi bệnh viện nên buộc phải khâm liệm ở nhà rồi chẳng dám đưa vào áo quan, mà chỉ cuốn vải trắng rồi gọi nhà tang lễ đến đưa ra ngoài. “Khi nhân viên nhà tang lễ đến cũng phải loay hoay mãi, phá cả một đoạn cầu thang mới đưa được ra ngoài”, bà Hòe kể lại.
Câu chuyện trên không phải hiếm ở phố cổ Hà Nội, anh Xuân ở phố hàng Buồm đã gần 60 năm qua cho biết, gia đình anh tan vỡ nguyên nhân chính cũng là do ngõ nhỏ, nhà hẹp. Còn trong cuộc sống anh chứng kiến nhiều câu chuyện dở khóc dở cười ở khu mình đang sinh sống.
|
Ngõ nhỏ đến mức 1 người đi phải nghiêng người thì bà bầu khi đi đẻ sẽ là ác mộng. |
“Đó là câu chuyện cách đây đã lâu, khi có một gia đình 3 thế hệ sống trong ngôi nhà chưa đến 10 mét vuông. Không cần nói thì ai cũng hình dung ra nó chật hẹp thế nào rồi.
Khi gia đình đó có con nhỏ, bà nội đến trông cháu, nhưng người hơi “quá khổ” (ý chỉ người béo – PV) một chút, khi bế cháu ra ngoài quen tay cắp cháu vào nách. Đến giữa ngõ thì khự lại vì bị mắc kẹt không tiến, không lùi được và phải hô hào mọi người soi đèn pin giải cứu. Kể từ đó, các hộ trong ngõ có con nhỏ muốn bế ra ngoài thì một là cho lên vai, hai là bế trước ngực chứ không ai dám cắp nách nữa”, ông Xuân kể lại và cười.
Ở ngõ 14-16 phố Ngõ Gạch đến bây giờ vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện có thể là hy hữu nhất ở thủ đô về một gia đình có tang gia trong ngõ hẹp. Đó là câu chuyện một gia đình phải đục tường để đưa áo quan ra ngoài.
|
Hình ảnh chiếc tường nhà bị cắt xẻ vì những các gia đình sống ở tầng 2 có việc lớn. |
Theo lời kể của những người dân đang sinh sống tại đây, do căn nhà có cầu thang hẹp, nhà ai có người mất khi đưa xuống thì bị kích một phần ở chỗ gấp khúc của cầu thang. Vì thế muốn đưa được áo quan ra ngoài thì phải đục tường để cho quan tài xuống dưới. Chính vì những bất tiện đó, không ít gia đình ở trong con ngõ nhỏ này đã chuyển đi nơi khác sinh sống, thậm chí là phải thuê nhà.
Dù 75 tuổi, nhưng bà Hòe vẫn còn khỏe mạnh và tự chăm sóc được cho bản thân mình. Tuy nhiên, qua những câu chuyện được nghe kể lại và tận mắt chứng kiến, người phụ nữ này đã có sự chuẩn bị cho riêng mình.
|
Bà Hòe đã dự định khi sức khỏe yếu sẽ ra bệnh viện, vì bà sợ nằm nhà nhỡ xảy ra chuyện thì trở tay không kịp. |
Bà chia sẻ, sau này khi bà ốm yếu hoặc thêm vài tuổi nữa bà phải dặn con cháu rằng, khi thấy sức khỏe yếu thì đưa ngay ra bệnh viện để nằm, nếu mất thì đưa về nhà tang lễ chứ đừng đưa vào nhà kẻo đến lúc lại không ra được.
“Người đời ai rồi cũng đến lúc phải ra đi. Với nhiều người họ muốn mất ở nhà, nhưng với cánh già sống trong những con ngõ chật hẹp như thế này thì sợ lắm. Tốt nhất là ra bệnh viện, chết thì về nhà tang lễ cho đỡ khổ con cháu”, bà Hòe nói.