Những ngôi mộ gần nhà
Huyện Lục Yên có trên 10 vạn người với 18 dân tộc anh em cùng nhau chung sống. Mỗi dân tộc lại có một phong tục tập quán riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong kho tàng văn hóa, lễ hội. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, một số hộ đồng bào, đặc biệt là người Nùng và người Tày ở khu vực nông thôn, các xã vùng cao lại có phong tục chôn cất người đã khuất ở phần đất của gia đình, thậm chí ở trong vườn ngay gần với nhà ở.
Sở dĩ có chuyện như vậy, theo ông Phùng Văn Định - một người dân tộc Nùng cao tuổi ở xã Yên Thắng là vì: “Người dân chỉ với suy nghĩ đơn giản là mong muốn người đã khuất được gần gũi với người thân, dễ dàng chăm sóc phần mộ. Vì theo phong tục sau khi người đã khuất được chôn cất thì người thân trong gia đình phải đưa cơm mỗi ngày hai lần ra phần mộ người đã chết trong vòng 3 tháng. Và cũng không sang cát như người Kinh và một số dân tộc khác”.
|
Một nghĩa trang hiếm hoi được quy hoạch. |
Gia đình bà Phùng Thị T. là người dân tộc Nùng ở thôn Hin Lò, xã Yên Thắng. Từ bao đời nay anh em trong dòng họ đều sống tập trung, gần gũi với nhau, việc chôn cất người thân đã khuất cũng được thực hiện ở sườn đồi sau nhà của người anh cả. Nhìn theo hướng tay chỉ của bà T., chúng tôi không khỏi giật mình khi nhìn thấy 4, 5 ngôi mộ nằm sát nhau, cách nhà ở chỉ vài chục mét.
Nhưng với bà T. và những người dân ở đây thì những hình ảnh đó hết sức bình thường. Khi được hỏi lý do vì sao phải chôn cất người thân gần nhà như thế, bà T. nói: “Ở đây từ xưa nhà nào cũng vậy, khi có người thân mất đi thì tìm một khu đất trống của gia đình để chôn cất theo dòng họ. Không chôn ở phần đất của gia đình thì chúng tôi cũng chẳng biết chôn người mất ở đâu vì trong thôn đã có nghĩa địa đâu”.
Chính quyền xã Yên Thắng cho biết, địa phương này hiện còn hai thôn là Hin Lò và Làng Già chưa có quỹ đất để xây dựng nghĩa trang nhân dân, một số thôn khác đã có quỹ đất quy hoạch từ xưa nhưng người dân cũng chỉ dùng để trồng cây.
Người dân hiện nay không còn chôn cất người đã khuất ở quá gần nhà nữa nhưng vẫn còn tình trạng chôn cất riêng lẻ theo từng dòng họ, rất ít thôn chôn cất tập trung ở nghĩa trang.
Việc chôn cất người đã khuất tại khu đất của một số gia đình khiến những hộ dân sống xung quanh hay những người địa phương khác có dịp ghé thăm không khỏi lo ngại trước nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, ô nhiễm nguồn nước ngầm. Không những thế còn làm mất đi cảnh quan, không gian sống, lao động của bà con.
Đặc biệt, yếu tố trên đã gây không ít khó khăn cho nhà quản lý, lúng túng trong việc xử lý nếu khu đất đó có quy hoạch xây dựng hoặc di dời. Ở xã Liễu Đô, chính quyền thường xuyên vướng mắc trong việc giải tỏa đất đai khi gặp phải những khu mộ của các gia đình được chôn cất ở khu đồi, vườn.
Cần nghĩa trang nhân dân theo quy hoạch
Những năm gần đây, huyện Lục Yên đã quan tâm tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số từ bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, trong đó có việc chôn cất người đã chết gần nhà ở. Nhiều xã đã quy hoạch được quỹ đất để xây dựng nghĩa trang ở từng thôn, bản.
Thế nhưng, do thiếu kinh phí nên việc xây dựng nghĩa trang nhân dân ở các thôn, bản cũng gặp không ít khó khăn, nhiều chỗ có quỹ đất quy hoạch nghĩa trang nhưng cũng chỉ để đó, dẫn đến tình trạng người dân tự ý lấy đất để lao động sản xuất.
Để bộ mặt nông thôn phát triển theo quy hoạch, vừa giữ được những nét đẹp truyền thống trong phong tục tập quán, vừa đẩy lùi những hủ tục trong việc mai táng người đã khuất rất cần phải có những nghĩa trang nhân dân. Có ý kiến cho rằng, để làm được việc trên, chính quyền huyện Lục Yên cần quan tâm quy hoạch, xây dựng các nghĩa trang nhân dân tại các thôn, bản.
Bên cạnh đó, phân chia diện tích đất để người dân thực hiện mai táng người chết phù hợp với phong tục tập quán theo từng hộ gia đình, từng dòng họ. Ngoài ra, sự hình thành các ban quản trang ở các thôn, bản là thực sự cần thiết. Ban quản trang sẽ hoạt động trên cơ sở quy ước, hương ước được cộng đồng xây dựng và thực hiện.
Cần sự vào cuộc quyết liệt từ phía chính quyền địa phương trong tuyên truyền, vận động bà con nhân dân quy tập tại các nghĩa trang nhân dân của thôn; xóa bỏ tình trạng chôn cất người chết nhỏ lẻ theo từng gia đình. Đặc biệt là, sự thay đổi từ nhận thức đến hành động của mỗi người dân, mỗi gia đình, dòng họ nhằm góp phần từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn vùng núi.