Vào ngày 5/5, hãng tin Mỹ CNN trích dẫn một số "nguồn thạo tin" cho biết, trong những tháng gần đây, Nga đã tăng cường sử dụng thiết bị gây nhiễu điện tử, để phá vỡ hệ thống dẫn đường GPS của tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất, từ đó khiến tên lửa của Ukraine không thể bắn trúng mục tiêu.
Tính đến thời điểm hiện tại, Ukraine đã nhận được 18 hệ thống phóng tên lửa cơ động cao HIMARS do Mỹ sản xuất.
CNN lần đầu tiên đề cập rằng, với sự giúp đỡ của Mỹ, quân đội Ukraine vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống phóng tên lửa cơ động cao HIMARS, nhưng họ đã phải đưa ra nhiều phương án khắc phục khác nhau.
Trong những tháng gần đây, do các hành động của Nga, hệ thống dẫn đường tên lửa của Ukraine ngày càng kém hiệu quả. Năm nguồn tin từ Mỹ, Anh và Ukraine nói với CNN, buộc các quan chức Mỹ và Ukraine phải tìm cách điều chỉnh HIMARS để chống lại phần mềm chống gây nhiễu điện tử luôn thay đổi của Nga.
Theo các chuyên gia, Quân đội Nga đã phát triển các phương pháp đối phó với tên lửa cơ động cao của Mỹ. Trong đó chủ lực là sử dụng tác chiến điện tử để chế áp, gây nhiễu hệ thống định vị GPS, làm giảm độ chính xác của hỏa lực.
|
Một hệ thống tên lửa HIMARS của Mỹ đang khai hỏa. Nguồn Wikipedia. |
Trong những ngày gần đây, quân đội Ukraine đã ghi nhận sự gia tăng số lần bắn trượt tên lửa M31 được phóng đi từ hệ thống HIMARS. Điều này làm dấy lên lo ngại, do số lượng đạn loại này của Ukraine rất hạn chế.
Một trong những binh sĩ Ukraine đã xác nhận của sự can thiệp do các hệ thống tác chiến điện tử của Nga gây ra và cho biết, cho đến tháng 11/2022, những lỗi như vậy vẫn chưa được ghi nhận.
Một trong những nguồn tin của CNN gọi tình hình hiện tại là "trò chơi mèo vờn chuột", trong đó cả kỹ sư Mỹ và Nga không ngừng cải tiến hệ thống của họ. Giờ đây, phía Ukraine, hợp tác với các chuyên gia kỹ thuật Mỹ, đang tìm cách vượt qua sự can thiệp của Nga.
Quân đội Ukraine tin rằng, những thay đổi phần mềm đối với cả hệ thống ngắm mục tiêu và bản thân tên lửa HIMARS, có thể giúp cải thiện tình hình.
Ngoài ra, các nguồn tin của CNN cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Nga sử dụng các phương pháp như vậy để chống lại các thiết bị quân sự được điều khiển bằng tín hiệu GPS.
|
Hai xe trong tổ hợp tác chiến điện tử Borisoglebsk-2 của Nga. Nguồn Russiadefense |
Trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh năm 2020, quân đội Armenia cũng gặp phải vấn đề tương tự khi phía Azerbaijan sử dụng tác chiến điện tử để gây nhiễu hệ thống GPS.
Các chuyên gia cho rằng, đây có thể là một vấn đề lớn đối với quân đội Ukraine khi họ dựa vào độ chính xác và hiệu quả của GPS để dẫn đường cho vũ khí tới mục tiêu. Nếu không khắc phục được vấn đề này, Quân đội Ukraine không thể sử dụng hiệu quả tên lửa HIMARS để chống lại Nga.
Thông tin cũng cho biết, theo một tài liệu mật bị rò rỉ trước đây từ Lầu Năm Góc, Mỹ cũng đã giúp Ukraine phát hiện và phá hủy thiết bị gây nhiễu sóng vô tuyến của Nga.
CNN cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, ngoài 18 hệ thống HIMARS mà Ukraine đã nhận được và Mỹ đã hứa cung cấp thêm 20 hệ thống nữa. Báo cáo cũng dẫn lời Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các đồng minh NATO khác đã cung cấp cho Ukraine 10 bộ hệ thống phóng rocket đa nòng.
CNN phân tích rằng do cuộc phản công của Ukraine dự kiến sẽ sớm bắt đầu nên hệ thống phóng tên lửa cơ động cao HIMARS càng quan trọng đối với quân đội Ukraine. Nhưng theo phân tích của giới truyền thông, cuộc chiến vẫn còn rất phức tạp và khó khăn.