Sau những chiến thắng không thể thuyết phục hơn ở chiến trường châu Âu trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, tên tuổi của xe tăng T-34 ngày càng được nhiều người biết tới, thậm chí ở thời điểm này nó đã trở thành một biểu tượng "bách chiến, bách thắng" của Hồng quân Liên Xô.
Chính điều này đã giúp
xe tăng T-34 nhanh chóng xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có cả xuất khẩu lẫn viện trợ. Như một điều tất yếu, T-34 được Moscow viện trợ khá nhiều cho các quốc gia XHCN ngay sau đại chiến thế giới.
Và tên tuổi của T-34 mà cụ thể ở đây là biến thể T-34/85, một lần nữa được nhắc đến trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên vào năm 1950, trong biên chế Quân đội Nhân dân Triều Tiên.
Tham chiến ở bán đảo Triều Tiên
Theo đó một lữ đoàn xe tăng Triều Tiên được Liên Xô và Trung Quốc trang bị 120 xe tăng T-34/85 đã trở thành mũi tiến công chủ lực của Bình Nhưỡng vượt qua Vĩ tuyến 38 Bắc (đường phân giới tạm thời bán đảo Triều Tiên) tấn công Hàn Quốc vào tháng 6/1950.
Ở phía ngược lại, Quân đội Hàn Quốc gần như không có xe tăng và thứ vũ khí duy nhất mà họ có để chống lại T-34 Triều Tiên là những khẩu Bazooka cỡ nòng 60mm - vũ khí chống tăng từ thời Chiến tranh Thế giới thứ 2 của Quân đội Mỹ.
Tuy nhiên Bazooka vô dụng. Và kể cả khẩu pháo 75mm được trang bị trên xe tăng Chaffee – loại xe tăng hạng nhẹ Mỹ sử dụng nhiều bậc nhất trong Chiến tranh Triều Tiên cũng vô dụng như khẩu Bazooka nói trên trong nỗ lực xuyên thủng giáp của T-34/85.
|
T-35/85 trên chiến trường Triều Tiên. Ảnh: Life. |
Trước sự bất lực của xe tăng hạng nhẹ, Mỹ buộc phải đưa vào sử dụng các loại xe tăng hạng trung và xe tăng hạng nặng như M4 Sherman hay M26 Pershing cùng M46 Patton để cân bằng thế trận, bất chấp việc các loại xe tăng này được đánh giá là có độ cơ động quá kém ở chiến trường bùn lầy, đồi núi Hàn Quốc.
Khi phải đối mặt với các loại xe tăng hiện đại hơn, đặc biệt là M26 Pershing và M46 Patton, xe tăng T-34 của Triều Tiên đã phải chịu thiệt hại nặng, chưa kể với việc Triều Tiên còn chịu không kích cường độ cao từ không quân Mỹ và không quân Liên Hiệp Quốc.
|
Lính Mỹ khám xe tăng T-34/85 bị tiêu diệt trên chiến trường Triều Tiên. Nguồn ảnh: Hovia. |
Tới khi Mỹ sử dụng loại Bazooka 89mm, xe tăng T-34 của Triều Tiên chính thức bị đánh bại, khi nó có thể bị tiêu diệt trong mọi cuộc đối đầu, kể cả khi chạm trán một toán lính bộ binh Mỹ/Hàn.
Khi quân đội Triều Tiên bị đẩy lùi khỏi Hàn Quốc, lực lượng này đã bỏ lại khoảng 239 xe tăng T-34 và 74 pháo tự hành chống tăng loại Su-76.
Sau tháng 10/1950, lực lượng thiết giáp Triều Tiên gần như bị xoá sổ hoặc lãnh đạo Triều Tiên biết sức mạnh thiết giáp của họ đã bị suy giảm nên không sử dụng, bảo toàn lực lượng này. Bất chấp việc Trung Quốc sau này có tham chiến ở cường độ cao, thiết giáp sau đó vẫn không được tiếp tục sử dụng trong Chiến tranh Triều Tiên với số lượng và quy mô lớn mà thay vào đó là bộ binh – hay còn gọi là chiến thuật biển người.
|
Chiến thuật biển người được sử dụng ở Chiến tranh Triều Tiên. Nguồn ảnh: Tube. |
Một cuộc điều tra của quân đội Mỹ tiến hành năm 1954 đã kết luận rằng, tổng cộng Mỹ chỉ sử dụng có 119 xe tăng các loại nhằm chống lại lực lượng thiết giáp được ước tính lúc đầu chiến tranh có tới vài trăm – thậm chí hàng nghìn chiếc của Triều Tiên. Kết quả là 97 chiếc xe tăng Triều Tiên loại T-34/85 đã bị tiêu diệt, 18 chiếc khác không xác nhận được tình trạng nhưng có thể đã bị hỏng nặng không thể sử dụng được nữa.
Những chiếc xe tăng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam
18 giờ 33 phút ngày 13/7/1960, tại ga Vĩnh Yên, chiếc xe tăng T-34 mang số hiệu 114 dưới sự điều khiển của Trung sĩ Đào Văn Bàn đã rời toa tàu, đây là thời khắc bộ đội Tăng - Thiết giáp Việt Nam chính thức tiếp nhận những vũ khí trang bị đầu tiên.
|
Xe tăng T-34/85 của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nguồn ảnh: Tube. |
Tuy nhiên, phải đến cuối năm 1970, Tiểu đoàn xe tăng 397 thuộc Trung đoàn 202 trang bị xe T-34 mới được đưa vào nam Quân khu 4 để chuẩn bị tham gia chiến dịch phản công Đường 9- Nam Lào cùng các Tiểu đoàn 297 (trang bị T-54 và Type 59) và 198 (trang bị PT-76). Khi đó, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã sử dụng xe tăng T-34/85 tiến công quân Mỹ lần đầu tiên trong Chiến dịch đường 9 - Nam Lào tháng 3/1971.
Năm 1971, T-34 tham gia chiến dịch Cánh đồng Chum tại Lào. Tiểu đoàn 195 thuộc Trung đoàn 202, có 2 đại đội 9 và 18, trang bị 18 xe T-34, 3 xe PT-76 và 4 xe thiết giáp K-63. Các xe tăng đã dẫn đầu mũi tấn công, chi viện bộ binh tiêu diệt từng lô cốt công sự, đánh chiếm các cứ điểm.
Năm 1972, tại Quảng Trị, lực lượng xe tăng tham gia cuộc Tổng tiến công năm 1972 gồm 2 trung đoàn 202 và 203, song số lượng T-34 chỉ có 10 xe được biên chế vào Đại đội 7, Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 203. Trong đó nổi bật là trận đánh ngày 17/8/1972, chỉ 1 xe T-34 số 164 đã đánh tan 1 đại đội bộ binh địch ở La Vang, diệt 37 lính.
|
Xe tăng T-34/85 thử nghiệm vượt rãnh trong Chiến tranh Việt Nam. Qua những thử nghiệm này, lực lượng công binh sẽ có kinh nghiệm để làm đường cho xe tăng trong Trường Sơn. Nguồn ảnh: Bảo tàng Tăng thiết giáp. |
Chiều ngày 19/3/1975, trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Đại đội xe tăng 7 (với 6 xe tăng T-34) bí mật cơ động vào tập kết ở Phương Lang Đông (Triệu Phong, Quảng Trị). Ngày 23/3, Đại đội đã phối hợp với Tiểu đoàn bộ binh 3 của Quảng Trị đánh tan Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến 8 và giải phóng quận lỵ Mai Lĩnh, bắn cháy 2 xe tăng M41. Trong các ngày 24 và 25,3, Đại đội 7 tiếp tục cùng bộ binh tiến công quận lỵ Hướng Điền. Đại đội 7 (lúc này còn 4 xe T-34) vượt lên dẫn đầu đội hình truy kích, bắn cháy 1 xe tăng M48 Patton và 1 xe tăng M41, truy kích đến Bắc Thuận An, góp phần giải phóng tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 25/3/1975. Đây cũng là trận đánh cuối cùng của các T-34 tại chiến trường Việt Nam.
Trong suốt 15 năm, đã có hàng trăm chiếc T-34 được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam trong suốt chiến tranh, tuy nhiên do đã lạc hậu về vỏ giáp và hỏa lực, vai trò của nó không nổi bật như xe tăng T-54/55. Đến thập niên 1980, một số chiếc T-34 đã được tháo dỡ để lấy tháp pháo làm công sự hỏa lực trên một số đảo ở Quần đảo Trường Sa.
|
T-35/85 được mang ra Trường Sa làm nhiệm vụ gác đảo. Nguồn ảnh: QĐND. |
Đến năm 2010, T-34/85 không còn nằm trong lực lượng trực chiến của quân đội Việt Nam nhưng vẫn còn nhiều chiếc vẫn nằm trong các kho dự trữ hoặc để thực hiện huấn luyện.
Kẻ kế thừa
Năm 1944, quá trình nghiên cứu và phát triển một dòng xe tăng mới lại được Liên Xô tiếp tục, dẫn tới sự ra đời của T-44. Loại xe tăng T-44 này về cơ bản có thiết kế tháp pháo dựa trên thiết kế của T-34/85, tuy nhiên phần khung thân lại sử dụng hệ thống treo kiểu mới và động cơ được đặt ngang. Thiết kế này cho phép chiều cao của thân xe T-44 được giảm xuống đáng kể, thấp hơn nhiều so với xe tăng T-34/85. Đặc biệt là khả năng dễ dàng chế tạo, sản xuất với số lượng lớn vẫn được đặt lên hàng đầu.
|
Xe tăng T-44 - tiền thân của huyền thoại xe tăng T-54/55. Nguồn ảnh: Wiki. |
Tổng cộng có khoảng 150 cho tới 200 chiếc T-44 từng được ra đời trước khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Dựa trên việc cải biên T-44 bằng cách gắn cho nó tháp pháo mới, thay thế khẩu pháo bằng loại 100 mm, xe tăng T-54 huyền thoại của những huyền thoại đã được ra đời vào năm 1947.
Mời độc giả xem Video: Xe tăng T-34 tới thế kỷ 21 vẫn chạy tốt.