Theo Army Recognition, Ba Lan đã trở thành quốc gia thứ 16 mua hệ thống tên lửa phòng không Patriot từ Công ty Raytheon của Mỹ.
“Việc Ba Lan mua tên lửa Patriot của Mỹ sẽ tăng cường quan hệ đối tác và an ninh xuyên Đại Tây Dương bằng cách cho phép việc tiếp cận chung hệ thống Phòng thủ Tên lửa và Mục tiêu tích hợp trên không (IAMD), đồng thời tạo việc làm cho người lao động ở Mỹ và Ba Lan”, ông Wes Kremer, Chủ tịch Công ty Raytheon có trụ sở tại Mỹ, cho biết.
|
Hệ thống tên lửa phòng không Patriot. Ảnh: DVIDS. |
Tổ hợp Patriot được coi là xương sống của NATO và Châu Âu với khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình cùng các loại máy bay không người lái tiên tiến. Các quốc gia thuộc khối NATO sở hữu hệ thống Patriot phải kế đến như Mỹ, Đức, Hy Lạp, Hà Lan và Tây Ban Nha,...
MIM-104 Patriot là hệ thống tên lửa đất đối không được sử dụng chủ yếu trong quân đội Mỹ và nhiều quốc gia đồng minh khác. Ưu điểm nổi bật của hệ thống này là thời gian phản ứng nhanh, khả năng đánh chặn cùng lúc nhiều mục tiêu, khả năng di chuyển trên mặt đất tốt cũng như có thể chống lại tình trạng nhiễu điện tử.
Được biết, hệ thống phòng không Patriot đầu tiên đã được Mỹ triển khai vào giữa những năm 1980. Trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, hệ thống này đã được sử dụng để chống lại mối đe dọa từ tên lửa Scud của Iraq.
Mời độc giả xem thêm video về tên lửa TRG-300 của Thổ Nhĩ Kỳ (Nguồn: Youtube)
Các biến thể Patriot hiện nay được trang bị tên lửa đánh chặn tiên tiến và hệ thống radar hiệu suất cao. Phiên bản mới nhất PAC-3 đem lại khả năng tiêu diệt các tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn như Iskander hay Tochka. Nó có thể phá hủy mục tiêu trên không ở phạm vi 160 km và tên lửa đạn đạo ở phạm vi 35 km với độ cao tối đa 24 km.