Siêu chiến binh tương lai của các cường quốc quân sự (2)

Google News

(Kiến Thức) - Nhanh hơn, cơ động hơn và bền bỉ hơn, luôn là đích đến cuối cùng trong các chương trình phát triển chiến binh tương lai của nhiều nước trên thế giới.

Chương trình Web Warrior của Mỹ:

FFW là một dự án trình diễn công nghệ tiên tiến của Quân đội Mỹ, là một phần của dự án Các hệ thống chiến đấu dành cho chiến binh tương lai của nước này.

Dự án FFW tìm cách tạo ra một hệ thống chiến đấu khối lượng nhẹ hoàn toàn tích hợp với người lính bộ binh. Quan điểm của dự án FFW là tận dụng triệt để các công nghệ như công nghệ nanô, bộ khung rô bốt chạy điện, áo giáp dựa trên chất lỏng magnetorheological nhằm đem lại cho người lính bộ binh phương tiện nhân đôi sức mạnh cao hơn đáng kể so với lực lượng đối phương.

Giai đoạn đầu của dự án được bắt đầu từ năm 2010, liên quan đến sự phát triển của các công nghệ nhằm giúp làm giảm tải chiến đấu và yêu cầu tiêu thụ nguồn điện của người lính và cải thiện tính năng bảo vệ, tính năng sát thương và, nắm bắt tình hình và môi trường tác chiến. Quân đội Mỹ hy vọng sẽ phát triển được một sản phẩm cuối cùng hoàn chỉnh thực sự vào năm 2032, kết hợp với nghiên cứu từ dự án bộ khung rô bốt BLEEX của UC Berkeley và nghiên cứu về Công nghệ nano người lính của Viện Công nghệ Massachusett để thành một bản thiết kế cuối cùng.

Sieu chien binh tuong lai cua cac cuong quoc quan su (2)
Một thành phần của hệ thống chiến đấu Web Warrior. Ảnh: GenK.vn

Dự án Soldato Futuro của Italia:

Hiện nay, Tập đoàn Selex Communications đang phát triển hệ thống người lính tương lai Soldato Futuro cho Lục quân Italia. Bộ trang bị hệ thống Soldato Futuro gồm áo giáp bảo vệ chống đạn 9mm và mảnh đạn, mũ chống đạn với 2 lớp kính (một để chống mảnh đạn, một để chống đạn bắn thẳng), kính bảo vệ mắt chống tia laser và một súng trường hạng nhẹ.

Hệ thống được thiết kế để trang bị thử nghiệm cho 2 trung đoàn từ Lữ đoàn “Pinerolo” vào năm 2012 - 2014 với số lượng 1.025 đơn vị. Một chương trình khác tách ra từ Soldato Futuro được ký hiệu là SIC (hệ thống chiến đấu cá nhân) hiện cũng đã được Lục quân Italia triển khai. Bộ trang bị SIC gồm: Súng trường, kính ngắm, máy truyền tin vô tuyến điều khiển bằng phần mềm (SDR) HH, kính nhìn đêm và phương tiện/trang thiết bị bảo vệ. Tuy nhiên, các đơn vị được trang bị bộ khí tài SIC trong tương lai vẫn sẽ tiếp nhận thêm trang bị để hoàn chỉnh cấu hình người lính tương lai Soldato Futuro.

Trong đó các thiết bị điện tử đi kèm Soldato Futuro gồm: Máy truyền tin vô tuyến điều chỉnh bằng phần mềm cầm tay UHF/VHF SWave, làm việc trên dải tần 30 – 512 MHz; kính nhìn đêm – cơ động chiến thuật TM-NVG Elcan SpecterDR1-4x kết hợp súng trường tấn công để tác xạ ban đêm với ống nhòm nhiệt một ống kính Insight Mini và bộ đánh dấu laser AN/PEQ-15 APTIAL.

Trong năm 2017, Lục quân Italia sẽ được trang bị thêm 2726 kính nhìn đêm TM-NVG, loại ống nhòm 2 mắt thế hệ thứ 3 được phát triển để cung cấp cho người lính tương lai một thiết bị hiện đại bậc nhất để cơ động chiến thuật vào ban đêm.

Chương trình IMESS của Thụy sĩ:

Hệ thống giao chiến tích hợp và mô đun cho người lính bộ binh (IMESS) là chương trình người lính tương lai của Lục quân Thụy sĩ. Được hai Hãng Cassidian/Airbus và Sagem Défense Sécurité hợp tác phát triển.

IMESS là chương trình để hiện đại hóa những khả năng chiến đấu của bộ binh từ cấp người lính đến cấp trung đội, được thích hợp với các lực lượng trinh sát, chỉ huy và tác chiến liên hợp của Lục quân Thụy Sĩ. Hệ thống còn có thể được tích hợp với các hệ thống chiến đấu đã được đưa vào trang bị trước đó của Lục quân Thụy Sĩ. Các mẫu chế thử IMESS được phát triển dựa trên hệ thống Warrior 21.

Hợp đồng khung gồm giai đoạn phát triển đầu tiên cùng với những lựa chọn cho sản xuất loạt. Giai đoạn chế thử được quyết định cuối cùng vào tháng 9/2008 được tiếp sau giai đoạn công nghiệp hóa lựa chọn diễn ra vào năm 2009 và giai đoạn sản xuất loạt tùy chọn vào năm 2010 và 2014. Giai đoạn thử nghiệm kế tiếp bắt đầu vào năm 2011. Sau các đợt thử nghiệm năm 2011, mua sắm loạt nhỏ khoảng 100 hệ thống diễn ra vào cuối năm, được dùng làm bệ thử để giúp đánh giá kỹ hơn về IMESS chuẩn bị cho mua sắm hệ thống loạt lớn hơn đã nằm trong kế hoạch 2015 - 2016.

Đầu tháng 8/2014 hãng Airbus đã hoàn thành phát triển hệ thống IMESS đạt mức cần thiết để đi vào sản xuất hàng loạt. Dự kiến sau khi đạt được những thử nghiệm cuối cùng hệ thống này sẽ đi vào sản xuất hàng loạt vào cuối năm 2015 và bắt đầu bàn giao từ năm 2016.

Sieu chien binh tuong lai cua cac cuong quoc quan su (2)-Hinh-2
Hệ thống chiến đấu IMESS của Thụy Sỹ. Ảnh: Baomoi.com

Chương trình LAND 125 của Australia:

Hệ thống chiến đấu của người lính LAND 125 đề cập đến toàn bộ các khí tài khác nhau của vũ khí trang bị bộ binh hiện đang được Lục quân Australia lập kế hoạch, phân chia các giai đoạn phát triển và mua sắm. Hệ thống này được thiết kế để tăng cường tính năng tác chiến của từng người lính bộ binh và các tiểu tổ bộ binh Australia tham gia cận chiến như một phần của một lực lượng có khả năng kết nối mạng.

Chương trình hiện đang trong giai đoạn 2B, sẽ đưa vào trang bị một loạt khả năng cận chiến ngoài công sự/xe đã được nâng cao, trở thành Phiên bản nâng cao cho người lính số 1 (SE v.1). Phiên bản này gồm những khả năng như: máy truyền tin vô tuyến cá nhân từng người lính (SPR) – một công cụ truyền tin giữa các phân đội, dải thông thấp; kính ngắm nhiệt của vũ khí (TWS) – triển khai cùng với súng trường F88 Steyr nhằm cải thiện khả năng giám sát và bắt mục tiêu của các tiểu tổ bộ binh; phương tiện mang tải công tác/chiến đấu cá nhân (ICLCE) – một túi dã chiến lớn và các phụ kiện đeo trước ngực hoặc thắt lưng mô đun, tích hợp; mũ chiến đấu gia cường (ECH) – để nâng cao khả năng sống còn; các tấm dán bảo vệ cá nhân (PPP) – các tấm dán ở khủy tay và đầu gối.

Sieu chien binh tuong lai cua cac cuong quoc quan su (2)-Hinh-3
 Hệ thống chiến đấu LAND 125. Ảnh: Baomoi.com

Hệ thống FWS của Hàn Quốc:

Hệ thống người lính chiến tương lai (FWS) được Cục phát triển quốc phòng Hàn Quốc (ADD) nghiên cứu ứng dụng bắt đầu vào tháng 6 năm 2009 và hoàn tất vào tháng 12/2011. Chương trình này gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên phát triển một mẫu súng trường XK11 cải tiến với đặc trưng gồm: Thiết bị đo xa lade, bộ tạo ảnh nhiệt để  hoạt động ban đêm, bộ phóng lựu bằng khí nén và khả năng trao đổi thông tin với màn hình trước mặt (HUD).

Màn HUD sẽ được bố trí bên trong kính của mũ chống đạn, và sẽ có khả năng hiển thị thông tin như cự ly chính xác đến mục tiêu đã định. Mũ cũng có các khả năng truyền tải hình ảnh động, thông tin liên lạc tầm xa và GPS. Kết hợp tất cả những khả năng này lại với nhau sẽ trở thành một thiết bị xử lý dữ liệu có thể cầm, có thể đeo vào tay, kể cả một thiết bị nhận biết địch/ta. Đồng thời với chu trình phát triển giai đoạn đầu tiên là phát triển một áo khoác chống đạn cải tiến. Giai đoạn phát triển khí tài trang bị thứ 2 sẽ bổ sung tính năng điều chỉnh nhiệt độ tự động cho bộ quân trang được trang bị cho người lính cũng như tính năng phòng hộ chống các vũ khí NBC (hủy diệt hàng loạt). Mũ cũng được cải thiện để chống vũ khí NBC.

 

Lam Ngọc

>> xem thêm

Bình luận(0)