Siêu chiến binh tương lai của các cường quốc quân sự (1)

Google News

(Kiến Thức) - Thay vì tập trung vào phát triển vũ khí kiểu mới, thì nhiều cường quốc quân sự lại biến chính người lính của mình trở thành một món vũ khí thực thụ.

Khi mà khả năng cơ giới hóa hay tối ưu hóa các phương tiện chiến tranh đã đạt tới mức cực hạn, thì nhiều cường quốc quân sự bắt đầu quay sang tối ưu hóa binh sĩ của mình với các chương trình chiến binh tương lai. Với mục tiêu biến những người lính bằng xương, bằng thịt thành những cỗ máy chiến tranh công nghệ cao với khả năng chiến đấu vượt trội gấp nhiều lần so với thông thường.
Hệ thống FIST của Anh:
Chương trình công nghệ người lính bộ binh tương lai (FIST) của Quân đội Anh đang được Hãng Thales UK tiến hành thử nghiệm ở giai đoạn cuối trước khi sản xuất hàng loạt.
Bộ khí tài trang bị này có 5 chức năng chính gồm: Chỉ huy và điều khiển, khả năng sát thương, khả năng cơ động, khả năng sống còn và khả năng duy trì.Trong đó:
- Khả năng chỉ huy và điều khiển nhằm nâng cao khả năng của nhóm hỏa lực và khả năng nắm bắt tình hình của chỉ huy đơn vị.
- Khả năng sát thương gồm các tổ hợp vũ khí mới như vũ khí tấn công hạng nhẹ LAW và vũ khí chống tăng Javelin mới và kính ngắm mới cho súng trường tấn công SA80.
- Khả năng cơ động bao gồm những lĩnh vực công cụ lập kế hoạch đường đi và những địa điểm GPS.
- Khả năng sống sót gồm áo giáp và thiết bị ngụy trang/tàng hình.
- Khả năng duy trì gồm những lĩnh vực như nguồn điện cấp cho hệ thống, nhằm cạnh tranh với các pin năng lượng thế hệ mới.
Sieu chien binh tuong lai cua cac cuong quoc quan su  (1)
 Hệ thống FIST của Anh. Ảnh: vnreview.vn
Theo Lục quân Anh, việc trang bị thử nghiệm bộ khí tài FIST đang được thực hiện với Lữ đoàn biệt động số 3, Lữ đoàn tấn công đường không số 16 và Lữ đoàn cơ giới số 4. Sau khi hoàn tất quá trình thử nghiệm FIST sẽ được đưa vào trang bị rộng rãi trong mọi đơn vị bộ binh Anh, và sau đó là toàn bộ quân đội nước này.
Dự kiến sẽ có khoảng 35.000 bộ trang bị FIST sẽ được Lục quân Anh, Trung đoàn không quân Hoàng gia và Hải quân đánh bộ Hoàng gia sử dụng trong khoảng thời gian từ nay đến 2020.
Chương trình FELIN của Pháp:
Cục mua sắm trang bị Bộ Quốc phòng Pháp (DGA) đã trao hợp đồng cho hãng Sagem cung cấp Hệ thống người lính bộ binh tương lai của Pháp (FELIN).
Hệ thống FELIN sẽ là một phần tích hợp của Hệ thống kết nối mạng trung tâm trên không và mặt đất tương lai của Lục quân Pháp (BOA). Hệ thống sẽ đem lại cho người lính khả năng cận chiến được cải thiện về tính sát thương, tính sống còn, tính cơ động và hoạt động chỉ huy, điều khiển, thông tin liên lạc, máy tính và tình báo (C4I).
Hệ thống gồm một súng trường tấn công FAMAS cải tiến mới hoặc HK416, với một loạt thiết bị điện tử, quần áo, ba lô và áo giáp. Mũ SPECTRA đi kèm được lắp hệ thống định vị, hiển thị thông tin thời gian thực và thiết bị khuếch đại ánh sáng cho kính nhìn đêm.
Từ tháng 12/2011 đến tháng 6/2012, trung đoàn bộ binh số 1 Lục quân Pháp đã sử dụng hệ thống tác chiến FELIN lần đầu tiên trên chiến trường Afghanistan. Trung đoàn bộ binh số 1 đã triển khai nhiệm vụ của mình tại Surobi mà không tổn thất bất kỳ sinh mạng nào. Kết quả đã cho thấy hệ thống FELIN đã trình diễn những năng lực của nó khi yểm trợ cho Quân đội quốc gia Afghanistan trong mọi tình huống tác chiến. Đáng chú ý là trong các nhiệm vụ liên lạc, dự phòng và chi viện, kể cả các nhiệm vụ hộ tống hay nhiệm vụ tuần tra trên đường.
Tháng 4/2015, Lục quân Pháp quyết định phát triển phiên bản FELIN mới với khối lượng xác định giảm tới 40%, đồng thời vẫn duy trì tính năng bảo vệ cần thiết cho các nhiệm vụ lục quân. Chỉ huy trung đội và đơn vị sẽ được trang bị áo khoác chiến đấu được thiết kế tối ưu để sử dụng hệ thống quản lý chiến trường trong quá trình chiến đấu ngoài công sự/xe. Những nâng cấp của hệ thống FELIN sẽ được chuyển giao như một phần của những phiên bản chế tạo loạt, đã diễn ra từ năm ngoái
Sieu chien binh tuong lai cua cac cuong quoc quan su  (1)-Hinh-2
 Hệ thống FELIN của Pháp. Ảnh: Vietnamdefence.com
Chương trình ACIES của Nhật Bản:
Kể từ khi chuyển giao khí tài trình diễn của Hệ thống vũ khí trang bị người lính bộ binh chiến đấu tiên tiến (ACIES) đầu tiên cho đơn vị thử nghiệm vào cuối năm 2008, nhiều đợt vận hành thử đã được tiến hành ở khắp đất nước Nhật Bản. Tương tự như Hệ thống FELIN của Pháp, Hệ thống ACIES của Nhật Bản gồm màn hình HMD, máy tính đeo tay, bộ trang bị bảo vệ, vũ khí và khả năng giám sát được tích hợp như một hệ thống. ACIES được thiết kế để chia sẻ thông tin giữa các lực lượng và các thành phần chỉ huy và điều khiển để chiến đấu một cách có hiệu quả và hiệu suất cao nhất.
Chương trình ACMS của Singapore:
Trong năm 2008, Singapore đã lần đầu tiên công khai một phiên bản các hệ thống người lính tương lai được gọi là Hệ thống chiến đấu tiên tiến cho người lính (ACMS). Hệ thống ACMS gồm 5 thành phần chính: một màn hình lắp trên mũ, một bộ tương tác vũ khí, một máy truyền tin vô tuyến cá nhân, một bàn phím truyền thông và một máy tính cầm tay. Toàn bộ khối thiết bị nặng khoảng 7 kg và một phiên bản mới sắp được đưa vào hoạt động, dự kiến tổng khối lượng sẽ giảm được 2 kg. Ngoài hệ thống ACMS, những người lính còn được trang bị những bộ cảm biến điều khiển từ xa như bóng giám sát, xe ô tô giám sát điều khiển từ xa và một bộ cảm biến lỗ khóa (keyhole).
Với hệ thống ACMS và các bộ cảm biến điều khiển từ xa, các binh sỹ có thể theo dõi vị trí của các lực lượng quân nhà và đối phương, giúp cho họ giao tranh hiệu quả với các mục tiêu và tập trung nỗ lực của mình vào những địa điểm quan trọng. Việc chia sẻ thông tin quan trọng kể trên cho phép các binh sỹ tìm đường chính xác qua các địa hình đô thị và tránh những khu vực nguy hiểm đã biết. Hệ thống ACMS có thể cho phép kết nối mạng các xen xơ và các xạ thủ một cách hiệu quả, điều đó cho phép những người chỉ huy sử dụng hỏa lực hiệu quả và tăng cường sự phối hợp trên chiến trường.
Sieu chien binh tuong lai cua cac cuong quoc quan su  (1)-Hinh-3
 Hệ thống ACMS của Xingapo. Ảnh: vnreview.vn
Hệ thống F-INSAS của Ấn Độ:
Chương trình hiện đại hóa những người lính bộ binh cho tương lai của Lục quân Ấn Độ viết tắt là F-INSAS (người lính bộ binh tương lai tích hợp như một hệ thống) bắt đầu triển khai năm 2013. Về cơ bản, hệ thống F-INSAS nhằm chuyển hoán một người lính bộ binh thành một phương tiện mang vũ khí, kết nối mạng toàn diện, trong mọi địa hình và mọi điều kiện thời tiết, với tính năng sát thương, sống sót, duy trì, cơ động và nắm bắt tình hình được tăng cường để chiến đấu trên chiến trường số hóa tương lai.
Thành phần cơ bản của hệ thống này gồm: Màn hình HUD, các tổ hợp máy truyền tin tích hợp, các bộ cảm biến thị tần, hóa học và sinh học xách tay; các màn hình máy tính cầm tay, các đường truyền GPS và video; bộ áo khoác thông minh gắn các bộ cảm biến để giám sát các dấu hiệu quan trọng của cơ thể; phương tiện hỏa lực sát thương với các tổ hợp vũ khí mô đun được dẫn bằng laser.
(Còn nữa)
Lam Ngọc

>> xem thêm

Bình luận(0)