|
Xe tăng, xe bọc thép của Ukraine bị phá hủy trên hướng chiến trường Donetsk. Nguồn Topwar |
Theo hãng tin Nga Sputnik cho biết, Bộ Quốc phòng Nga đã họp báo thông tin về tình hình chiến trường cho biết, tuyên bố quân đội Nga đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.240 binh sĩ Ukraine trong 4 đợt phản công liên tiếp của Ukraine.
Trên hướng chiến trường phía Nam, quân đội Ukraine liên tục mở 4 đợt tấn công quy mô lớn theo hướng Nam Donetsk và Zaporozhye.
Quân đội Nga đã phá hủy 35 xe tăng của Ukraine gồm xe tăng Leopard 2 và xe tăng T-72M1, 11 xe chiến đấu bộ binh, 19 xe bọc thép, 3 xe chống mìn, 3 xe vận tải và 1 pháo tự hành Caesar.
Do lực lượng không quân Ukraine yếu và trước đó, quân đội Ukraine chủ yếu dựa vào tên lửa phòng không tầm thấp như các loại tên lửa vác vai (MANPADs) để bảo vệ đội hình chiến đấu của bộ đội cơ giới mặt đất.
|
Hệ thống IRIS-T khai hỏa tại trường bắn Overberg, Nam Phi vào tháng 10/2009. Nguồn Wikepedia
|
Để tăng cường khả năng phòng không, trước khi bước vào đợt phản công, quân đội Ukraine đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T tiên tiến nhất do Đức sản xuất.
Một tổ hợp hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T bao gồm 3 xe phóng, mỗi xe phóng có ống phóng 8 tên lửa. Hệ thống IRIS-T sử dụng radar mảng pha chủ động TRML-4D, kết hợp với hệ thống quan sát quang điện để nâng cao khả năng phát hiện mục tiêu.
Hiện quân đội Ukraine chỉ có một hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T; như vậy, nếu quân đội Nga muốn ngăn chặn cuộc phản công phía nam do quân đội Ukraine phát động, thì trước tiên phải loại bỏ hệ thống tên lửa phòng không này. Như thế họ mới có thể phát huy hết khả năng tấn công cơ động nhanh của lực lượng không quân.
Để thực hiện nhiệm vụ này, trước tiên, quân Nga đã sử dụng UAV trinh sát Orlan-10, liên tục tìm kiếm trên toàn bộ chiến tuyến từ 5-30 km; đồng thời sử dụng lực lượng tác chiến điện tử để thu thập và nghiên cứu các tín hiệu vô tuyến của quân đội Ukraine ở phía trước, nơi nghi ngờ Quân đội Ukraine mở hướng tấn công chủ yếu.
Vị trí chính xác của hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T của Ukraine cuối cùng đã được xác định. UAV tự sát Lancet-2 bay vào trận địa ở độ cao cực thấp và đánh trúng chính xác đài radar mảng pha TRML-4D của hệ thống IRIS-T.
Tiếp sau đó, quân đội Nga lại tung ra một loại vũ khí khác (không được tiết lộ danh tính), nhằm tiêu diệt hoàn toàn đài radar mảng pha TRML-4D, “trái tim” của hệ thống phòng không IRIS-T.
Video Nga dùng UAV tập kích radar của tổ hợp phòng không IRIS-T. Nguồn Bộ Quốc phòng Nga
Do mất đài radar TRML-4D, buộc Quân đội Ukraine phải rút hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T ra khỏi mặt trận; việc này cũng đã đặt “nền móng” cho lợi thế chiến trường của quân đội Nga trong những ngày sau đó.
Khi không còn những hệ thống phòng không tầm trung, trực thăng vũ trang Ka-52, được ví là “pháo hạm trên không” của Quân đội Nga, đã có cơ hội “tàn sát” xe tăng Leopard 2 và xe chiến đấu bộ binh Bradley M2 như “bắn vịt”. Bởi xe tăng Leopard 2 và xe chiến đấu bộ binh Bradley dù mạnh đến đâu, cũng không thể tạo ra mối đe dọa nào đối với trực thăng vũ trang trên không.
Ưu điểm lớn nhất của trực thăng vũ trang là có thể nhanh chóng tìm được vị trí tấn công tốt và ngay lập tức sử dụng địa hình để trốn thoát. Sau khi quân đội Nga xóa sổ hệ thống phòng không IRIS-T, không còn mối đe dọa nguy hiểm, trực thăng Nga có thể bay lượn ở độ cao an toàn để săn tìm mục tiêu.
Xe tăng Leopard 2 và xe chiến đấu bộ binh M2 bị trực thăng vũ trang Ka-52 của Nga phóng tên lửa chống tăng cách xa từ 8 km; nên các hệ thống phòng không vác vai như Stinger mà Mỹ viện trợ, chỉ biết đứng nhìn.
|
Xe tăng, xe bọc thép của Quân đội Ukraine bị trúng mìn, trúng tên lửa chống tăng từ trực thăng Ka-52 trên hướng Zaporizhia ngày 8/6. Nguồn Bộ Quốc phòng Nga |
Theo hãng tin Mỹ CNN cho biết, trong 12 ngày liên tiếp, Quân đội Ukraine đã không thể đột nhập vào các trận địa phòng ngự của quân đội Nga. Quân đội Nga dựa vào các công sự vững chắc, bãi mìn, hỏa lực pháo binh và trực thăng vũ trang bảo vệ vững chắc phòng tuyến.
Theo một cựu quan chức tình báo Mỹ cho biết, lục quân Nga còn chiếm ưu thế tuyệt đối trên không; dưới sự bao bọc của Lực lượng không quân, các trận địa pháo của Nga thậm chí không cần thay đổi vị trí, có thể thoải mái trút hỏa lực.
Mặc dù quân đội Ukraine đã đưa tên lửa cơ động HIMARS cho các hoạt động chống pháo binh, nhưng các blogger quân sự Nga cho rằng, các loại đạn dẫn đường chính xác của quân đội Ukraine đã cạn kiệt. Đồng thời tác chiến điện tử của Nga đã làm các loại đạn dẫn đường bằng GPS như tên lửa HIMARS bắn trượt mục tiêu.
|
Một khẩu đội pháo tầm xa của Quân đội Ukraine khai hỏa vào vị trí quân Nga ở chiến trường Donetsk. Nguồn Reuters |
Hiện quân đội Ukraine phải trì hoãn phát động tổng tấn công, do các lữ đoàn mới thành lập trang bị vũ khí NATO vẫn đang chờ viện trợ thêm đạn HIMARS và đạn pháo dẫn đường Excalibur bổ sung từ Mỹ, để tăng cường hỏa lực tấn công tầm xa cho quân đội Ukraine.
Mặc dù ở khu vực Veliky Novosirka, quân đội Ukraine đã xuyên thủng được tuyến phòng thủ của Nga, tái chiếm 7 ngôi làng trên đường đi. Tuy nhiên những khu vực quân đội Ukraine chiếm được đều phân bố ở khu vực thung lũng, hai bên là đồi núi.
Nhưng điều rắc rối nhất cho Ukraine là hiện nay pháo binh Nga vẫn kiểm soát các điểm cao có giá trị chiến thuật ở cả hai bên. Chính vì vậy, tại Veliky Novosirka, quân đội Ukraine đã không thể sử dụng 7 ngôi làng này làm điểm xuất phát tấn công. Bởi lẽ, nếu họ muốn bám trụ lâu dài, thì cần phải chiếm các điểm cao khu vực xung quanh và ở cả hai bên đường đi.
|
Một đơn vị của Quân đội Ukraine chiến đấu trên hướng chiến trường Zaporizhia. Nguồn CNN
|
Chính vì vậy, Lữ đoàn Dù 25, Lữ đoàn Jager 68 và Lữ đoàn Thủy quân lục chiến 37 của Ukraine đều đã được tăng cường đến khu vực với mục đích là chiếm các điểm cao xung quanh. Nhưng đó hoàn toàn không phải là điều dễ dàng.
Trong bối cảnh hiện nay, chỉ khi Ukraine phát hiện ra một “mắt xích yếu” của quân Nga ở mặt trận và đạt được một làn sóng đột phá quy mô lớn, mới tạo đột biến. Nếu không, với tốc độ hiện tại, khả năng cao là cuộc phản công của quân đội Ukraine ở mặt trận phía nam sẽ không thể tiến triển tiếp.
Lý do là quân đội Nga có ưu thế tuyệt đối trên không, ưu thế pháo binh và ưu thế trực thăng vũ trang cũng như ưu thế phòng thủ; thực lực quân sự không hề yếu. Với nhiều lợi thế như vậy, quân đội Nga có thể ngăn cản hiệu quả các đợt phản công của Quân đội Ukraine.