Dùng tên lửa đắt tiền bắn hạ UAV giá rẻ
Việc Nga sử dụng rộng rãi các máy bay không người lái (UAV) Geran-2, nhằm vào các mục tiêu của Ukraine, đã gây ra rất nhiều căng thẳng cho các hệ thống phòng không của Ukraine; khi UAV buộc phải sử dụng tên lửa đắt tiền để chống lại các UAV giá rẻ này.
Ngày 19/10, Quân đội Ukraine tuyên bố, trong 36 ngày qua, họ đã bắn hạ 223 UAV tự sát Geran-2 của quân đội Nga.
Tuyên bố lưu ý thêm rằng, UAV tự sát Geran-2 đầu tiên được sử dụng ở chiến trường Ukraine bị bắn rơi vào ngày 13/9 ở Kupiansk. Kiev cho rằng, việc Ukraine bị tổn thất trước loại UAV tự sát này, là do thiếu máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không.
Trong khi đó, người phát ngôn báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ Pat Ryder hôm thứ 20/10 cho biết, các UAV tự sát Geran-2 của Nga, đang bị bắn hạ rất nhiều tại Ukraine, bất chấp khả năng hạn chế của hệ thống phòng không của nước này.
Tuy nhiên công bố của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ làm dấy lên lo ngại về việc sử dụng các tên lửa phòng không đắt tiền, để chống lại các UAV rẻ tiền như vậy. Theo Ukraine, các hệ thống phòng không của nước này đã bắn hạ 85% UAV tự sát Geran-2 của Nga.
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng, vấn đề không phải là hiệu quả của các hệ thống vũ khí phòng không của Ukraine, mà là chi phí của tên lửa các hệ thống phòng thủ đó sử dụng. Tình hình hiện tại cho thấy, Nga đang tấn công cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine bằng UAV tự sát Geran-2.
William Alberque, Giám đốc Chiến lược, Công nghệ và Kiểm soát Vũ khí của IISS, nói với phóng viên tờ EurAsian Times của Ấn Độ: “Việc chống lại UAV tự sát giá rẻ rất phức tạp và khó khăn. Kẻ tấn công có thể sử dụng một số thủ đoạn để gây ra thiệt hại tối đa cho đối phương”.
“Đối phương sử dụng nhiều UAV tự sát tấn công nhiều mục tiêu khác nhau hoặc tấn công những mục tiêu đó từ những hướng bất ngờ hơn là tấn công trực diện; những chiến thuật này khiến việc phòng thủ trở nên rất khó khăn.
Một cách khác là sử dụng nhiều UAV tự sát để chống lại một mục tiêu từ mọi hướng và cùng một thời điểm; việc này tăng đáng kể cơ hội đánh trúng mục tiêu của UAV”; ông Alberque nói thêm.
Bất chấp những tuyên bố bắn hạ UAV tự sát Geran-2 của Nga, những UAV giá rẻ này của Nga vẫn gây ra thiệt hại đáng kể cho Ukraine. Một báo cáo gần đây cho biết, một trận không chiến giữa một UAV của Nga và một chiếc MiG-29 của Ukraine, đã khiến máy bay Ukraine bị phá hủy.
Các chuyên gia Ukraine còn phát hiện ra rằng, loại UAV Geran-2 được trang bị các thiết bị điện tử khá phức tạp, đặc biệt là không thể đánh chặn UAV Geran-2 bằng phương tiện tác chiến điện tử.
Vì vậy, cách duy nhất để đối phó với Geran-2 là chế áp cứng bằng các loại tên lửa hoặc pháo phòng không ZSU-23-4, Osa-AKM hay Gepard mà Ukraine mới nhận của Đức.
Alberque, người trước đây cũng từng là Giám đốc Trung tâm Kiểm soát, Giải trừ Vũ khí và Không phổ biến Vũ khí của NATO (ACDC) nói rằng: “Hệ thống của UAV cũng giống như phòng thủ tên lửa, rất khó xâm nhập và đòi hỏi các giải pháp đối phó rất tốn kém”.
Các nhà lãnh đạo quân sự cũng từng bày tỏ lo ngại tương tự trong quá khứ. Ví dụ, một tướng hàng đầu của Quân đội Mỹ đã tiết lộ vào năm 2017 rằng, Quân đội nước này đã buộc phải dùng một tên lửa phòng không Patriot PAC-2, trị giá hàng triệu USD, để bắn hạ một UAV thương mại.
Ông Alberque giải thích rằng: “Các quốc gia đang ngày càng tìm kiếm các giải pháp tiên tiến và cả các giải pháp đơn giản để chống lại những cuộc tấn công của UAV.
Nếu khả năng tác chiến điện tử lớn hơn, có thể cho phép bạn tắt phổ điện tử trên một khu vực địa lý rộng lớn; giúp ngăn chặn sự điều khiển giữa đài chỉ huy trung tâm với UAV.
Tuy nhiên, đối phương có thể đối phó với điều này bằng cách lập trình trước đường bay; mặc dù có khả năng kém chính xác hơn, nhưng khó bị đánh bại hơn.
Một cách khác là tạo ra hệ thống phòng thủ điểm rẻ hơn để chống lại UAV, đó là sử dụng pháo phòng không có tốc độ bắn cao như Gepard; với khả năng bắt mục tiêu nhanh, nó có thể bắn hạ UAV với chi phí rất thấp.
Nhưng bất luận thế nào, lợi thế hầu như sẽ luôn dồn về bên tấn công, kẻ sẽ tìm ra những cách thức mới để xuyên thủng bất kỳ sự phòng thủ nào”; ông Alberque kết luận.
Nga không coi UAV tự sát Geran-2 như một "vũ khí tuyệt đối"
Nga đang thực sự trải qua những “ngày tháng tươi đẹp” với loại UAV tự sát Geran-2 của họ trên chiến trường Ukraine; nhưng họ không dựa vào chúng như một vũ khí tuyệt đối để tấn công Ukraine mà sẽ kết hợp UAV tự sát với tên lửa.
Chuyên gia phân tích quân sự Ivan Kyrychevskyi của trang Defense Express cho biết, chỉ trong thời gian 1,5 tháng đưa vào sử dụng (tính đến đầu tháng 10 vừa rồi), Nga đã sử dụng tổng cộng 86 UAV tự sát Geran-2; nhưng chỉ riêng từ ngày 10/10 đến 17/10, phía Nga đã sử dụng 46 chiếc UAV Geran-2, tấn công các mục tiêu khắp miền đông và nam Ukraine.
Việc Nga tăng cường sử dung UAV tự sát, không đồng nghĩa với việc kho tên lửa của nước này đã cạn kiệt như cách nhìn của phương Tây. Tuy nhiên ngay cả chính người Nga cũng không coi UAV Geran-2 như một “vũ khí tuyệt đối”. Vì vậy họ kết hợp việc sử dụng UAV tự sát và tên lửa, bao gồm cả những tên lửa tầm xa.
Trong tuần qua, Quân đội Nga không chỉ sử dụng 46 UAV tự sát Geran-2, mà còn phóng 20 tên lửa các loại, trong đó có 13 tên lửa đạn đạo.
Các chuyên gia dự đoán, trong thời gian tới, Quân đội Nga sẽ tiếp tục tấn công bằng tên lửa với hai nhiệm vụ cùng một lúc đó là, thứ nhất tấn công vào các mục tiêu quan trọng của Ukraine, thứ hai thử sức mạnh của lực lượng phòng không Ukraine.
Và để duy trì cường độ các cuộc tấn công, Nga sẽ vẫn tiếp tục sử dụng UAV tự sát Geran-2 và tiếp tục tiêu tốn tên lửa phòng không của Ukraine và khi hệ thống phòng không của Ukraine suy yếu, Nga tiếp tục sử dụng tên lửa tấn công các mục tiêu quan trọng hơn.