Có chiến sĩ còn độc thân, có chị có gia đình riêng và con nhỏ. Họ đã phải gác lại những dự định riêng, những âu lo về gia đình để lên đường thực hiện nhiệm vụ.
Bỏ lại sau lưng những lo lắng và bộn bề
Những nữ quân nhân phải tạm gác vai trò người vợ, người mẹ, người con để đến đất nước châu Phi cách xa hơn 8.000 km thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Là nữ sĩ quan Gìn giữ hòa bình (GGHB) đầu tiên đảm nhận nhiệm vụ quan sát viên quân sự tại Phái bộ Nam Sudan, công việc của Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương không tránh khỏi những khó khăn.
Theo yêu cầu nhiệm vụ, Thiếu tá Phương phải luôn bám sát dịa bàn, địa hình nơi Phái bộ đóng quân, trực tiếp thu nhận thông tin cũng như phân tích, đánh giá tình hình để có báo cáo kịp thời, từ đó có những động thái tiếp theo của Phái bộ.
Thiếu tá Phương đã chủ động liên lạc với các nữ sĩ quan của Việt Nam đã và đang làm nhiệm vụ để học hỏi kinh nghiệm, đó là Trung tá Nguyễn Thị Hằng Nga và Trung tá Nguyễn Thị Liên. Sau những cuộc trao đổi kiến thức, kỹ năng đã giúp cho việc lên đường nhận nhiệm vụ của Thiếu tá Phương không còn quá nhiều lo lắng.
Nỗi lo lắng hơn cả với Thiếu tá Phương có lẽ là gia đình. Hai con của Thiếu tá Phương, bé trai 10 tuổi và bé gái hơn 2 tuổi đã sớm được mẹ rèn cho đức tính tự lập. “Nếu nói không bận tâm, lo lắng là không đúng bởi chẳng có người mẹ nào có thể yên tâm xa những đứa con khi chúng đang ở độ tuổi rất cần tình cảm và sự chăm sóc của người mẹ. Nhưng tôi thực sự may mắn bởi có một chỗ dựa tinh thần vững chắc đó là đại gia đình ở sau lưng, đó là sự quan tâm của bố mẹ hai bên và đặc biệt là một người chồng cực kỳ hiểu vợ”.
Chồng của Thiếu tá Phương không phải thuộc mẫu người lãng mạn, hay nói những lời hoa mỹ. Những lúc chị cần chia sẻ và quan tâm, anh luôn động viên vợ bằng câu nói mạnh mẽ, rắn rỏi đúng phong cách nhà binh: “Hãy sinh ra để làm một việc gì đó có ích cho xã hội trước khi rời xa cuộc đời này”.
Ngược lại với Thiếu tá Phương, khi nghe lệnh lên đường sang Nam Sudan, Thượng úy Tô Thị Kiều Chinh, Hành chính trưởng Khoa khám bệnh (Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 - BVDC 2.1) vấp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình. Thậm chí, cha mẹ của cô gái 31 tuổi, chưa lập gia đình còn đòi từ mặt nếu cô đi Nam Sudan. Cha mẹ cô lo lắng cô sẽ gặp nguy hiểm hay bệnh tật ở một đất nước quá khác biệt so với Việt Nam.
Nhưng nhờ vào sự quyết đoán, cô thượng úy xinh đẹp đã thuyết phục gia đình thành công. Nhận được cái gật đầu, nữ chiến sĩ “mũ nồi xanh vui như Tết”, vác ba lô hăng hái lên đường nhận nhiệm vụ.
Còn đối chiến sĩ mũ nồi xanh Huỳnh Cẩm Thư (quê Bình Thuận) cô được bố mẹ, bạn bè ủng hộ quyết định sang thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan. “Tuy nhiên, cũng có một số người thân và bạn bè họ nghĩ tôi không nên tham gia, vì là nữ sợ sẽ khổ cực, đất nước đó lại đang có chiến tranh, xung đột. Do đó, mọi người lo lắng đến an nguy cho tính mạng, nên khuyên không nên tham gia. Thậm chí có người còn so sánh ‘đi mất nhiều hơn được’. Nhưng tôi vẫn quyết tâm...”, nữ chiến sĩ tâm sự.
Tấm gương can trường
Những lo lắng đó của một vài bạn bè, người thân của Thiếu úy Cẩm Thư là hoàn toàn có lý, bởi ngay khi vừa đặt chân xuống sân bay Thủ đô Juba, cô cùng đồng đội đã bị choáng bởi thời tiết nóng. Trên người vừa áo chống đạn, vừa nón sắt, trên lưng thì ba lô hơn chục ký.
Khi lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam sang chính là thời điểm mùa khô, nhiệt độ của Nam Sudan giữa trưa có thể lên 600C. Khung cảnh khắp nơi chỉ một màu đất đỏ bay mù mịt, cây cỏ khô cằn, nắng rát. “Dù được huấn luyện trước về thời tiết và những khó khăn gặp phải, nhưng bản thân vẫn chưa hình dung hết được”, Thiếu úy Cẩm Thư chia sẻ.
Khí hậu khắc nghiệt và chưa quen với đồ ăn ở đây nên sức khỏe nhiều người không được tốt, cộng với việc lệch múi giờ và khối lượng công việc khá nhiều, nên 3 tháng đầu tiên, Thiếu úy Cẩm Thư sụt luôn 5 kg. Điều kiện sinh hoạt nghèo nàn, nước mùa khô rất hiếm, nam thậm chí phải nhường nước cho nữ tắm. Đến mùa mưa nguồn nước được cải thiện thì đường sá lầy lội, hạn chế đi lại và vận chuyển.
Sốt rét là căn bệnh đáng sợ nhất vào mùa mưa. Với người dân Nam Sudan họ quá quen, nhưng đối với quân nhân nước khác đến thì họ cực kỳ sợ, vì nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Trung úy Tô Thị Kiều Chinh chia sẻ: “Đã quen với việc trực đêm ở bệnh viện nhưng tôi cũng chưa bao giờ tưởng tượng được cảnh trực phải ngồi trong màn chống muỗi vì bệnh sốt rét đặc biệt nguy hiểm. Vậy đó, cái gì ở đây cũng thiếu, chỉ tình người là luôn ấm áp...”.
Theo Trung úy Bùi Thị Hoài Thu (26 tuổi) - một trong ba bạn nữ trẻ nhất làm nhiệm vụ GGHB của Liên Hợp Quốc sang Bentiu (Nam Sudan) làm việc với bệnh viện dã chiến, thứ bản thân cô có nhiều nhất là thời gian. “Tôi vẫn nói với bạn bè rằng ở Việt Nam, thời gian của mình chia sẻ cho bố mẹ, bạn bè, đồng nghiệp... Còn ở Nam Sudan, tất cả thời gian của tôi là dành cho công việc, bản thân và đồng nghiệp”.
Về đồng nghiệp ở Việt Nam, do áp lực công việc mọi người có thể hay căng thẳng với nhau, có điều gì không vừa ý là nói ngay. Nhưng ở đất nước Nam Sudan, sống với nhau mọi người học được cách nhường nhịn, nhiệt tình giúp đỡ nhau, không vì chuyện nhỏ mà làm mất tình đoàn kết.
“Chúng tôi không có những câu nói nặng lời. Cả lúc bực cũng suy nghĩ để nói câu nào nhẹ nhàng nhất hoặc bỏ qua cho nhau. Chẳng hạn, bốn người phụ nữ sống chung một phòng, có lúc có người chưa gọn gàng, việc dọn vệ sinh phòng người làm người không, quần áo để lung tung rất dễ tranh cãi. Thay vì tị nạnh, góp ý như hồi còn ở nhà, tôi nghĩ thôi thì mình hãy dọn, làm nhiều hơn một chút cũng không sao”, Trung úy Hoài Thu chia sẻ.
Khi không còn áp lực, mọi người chỉ nghĩ làm sao để tất cả cùng vui vẻ. Các nữ chiến sĩ ở đây không ngại việc khiêng vác đồ đạc, thức đêm canh gác, cắt cỏ, phụ nhà bếp và giao lưu thể thao, thi nấu ăn Master Chef ở căn cứ Bentiu. Thiếu tá Bùi Thị Xoa cho biết, các cán bộ, nhân viên của BVDC 2.1 luôn hỗ trợ nhau, chia sẻ cả vật chất lẫn tinh thần để làm tốt nhiệm vụ.
Đặc biệt, là người “chị cả” của Tổ phụ nữ, Thiếu tá Xoa luôn cố gắng sống thật gương mẫu và gắn kết được mọi người với nhau, điều mà chị cho là rất quan trọng. Ngày sinh nhật các chị em, chị thường làm bánh từ bột rau câu. Chị Xoa nấu ăn khá cừ, cô em Minh Ngọc có khiếu vẽ tranh; Trang, Chinh, Thùy chơi bóng bàn khá, Thảo nhảy hay, Chinh múa dẻo... Ngoài giờ làm, các chị thường cùng nhau tập thể dục, trồng hoa, trồng rau, làm bánh.
Dù cho phải đối mặt với những khó khăn khắc nghiệt đó, nhưng Thiếu úy Cẩm Thư vẫn tự hào khẳng định rằng: “Một năm công tác tại Nam Sudan đã cho tôi câu trả lời rằng lựa chọn của mình là đúng. Tôi đã học hỏi, đã trưởng thành hơn trước rất nhiều. Dù xa nhà, nhưng có đồng đội bên cạnh như một gia đình. Chính mọi người đã dạy tôi rất nhiều bài học hay, cách sống tốt trong cuộc sống, để hoàn thiện bản thân”.