Trung tướng Nguyễn Bình tên thật là Nguyễn Phương Thảo, sinh năm 1908 tại Yên Mỹ, Hưng Yên. Ông xuất thân trong một gia đình nông dân hiếu học và yêu nước. Từ nhỏ, Nguyễn Bình đã thể hiện bản lĩnh và tính cách kiên cường, bất khuất.
Khi vừa trong 16 tuổi, ông đã tham gia các hoạt động yêu nước và bị Pháp truy lùng ráo riết khiến ông phải chạy trốn vào miền Nam. Năm 1928, Nguyễn Bình gia nhập Quốc dân Đảng, tới năm 1929 thì bị địch bắt và đầy ra Côn Đảo.
Tại đây, ông được tiếp xúc và giác ngộ theo cách mạng nên đã ly khai với Quốc dân đảng, kiên định theo Đảng Cộng sản để thực hiện cách mạng, giành lại đất nước từ tay Pháp. Vì việc này, ông đã bị các bạn tù Quốc dân đảng đâm hỏng mắt trái. Tuy nhiên ông vẫn giữ được khí chất hiên ngang của người làm cách mạng và từng tuyên bố "tuy tôi mất một con mắt nhưng tôi lại thấy sáng hơn khi còn hai con mắt".
|
Từ trái qua: Đ/c Huỳnh Văn Nghệ, Đ/c Lê Duẩn, Trung tướng Nguyễn Bình và Đ/c Dương Quốc Chính ở Chiến khu Đ. |
Tới năm 1943, Nguyễn Bình được mãn hạn tù và được trở về quê. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục hoạt động và góp phần vào việc xây dựng chiến khu Đông Triều. Một lẫn nữa, ông lại bị địch bắt.
Năm 1943, Trung ương giao cho ông phụ trách binh vận mua sắm vũ khí chuẩn bị cho cách mạng ở Đông Triều, Hải Phòng. Không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ông thậm chí còn vận động binh lính người Việt tại các đồn Thuỷ Nguyên, Cửa Ông ủng hộ vũ khí và tham gia cách mạng. Đây cũng chính là lý do Đông Triều trở thành chiến khu vững chắc nhất của quân giải phóng thời gian này.
Ông từng tham gia chỉ huy trận đánh đồn Bần - trận đánh du kích được coi là kiểu mẫu ở vùng Bắc Bộ. Từ tháng 4/1945, ông được giữu chức Tư lệnh Đệ tứ quân khu (tức chiến khu Đông Triều gồm các tình Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Hòn Gai, Móng Cái và Lạng Sơn).
Dấu ấn lớn nhất trước Cách mạng Tháng 8 của Trung tướng Nguyễn Bình đó là chỉ huy quân đánh chiếm và giải phóng thị xã Quảng Yên (nay là Quảng Ninh). Đây là tỉnh lị duy nhất ở miền Bắc mà ta giành được chính quyền trước khi Cách mạng tháng 8 nổ ra. Khi Cách mạng tháng 8 nổ ra, ông dẫn đầu lực lượng từ chiến khu về giành chính quyền ở Hải Phòng - thành phố cảng lớn nhất Bắc Kỳ thời bấy giờ.
Năm 1947, ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Chỉ ít tháng sau đó, vào ngày 25/1/1948, ông được Chính phủ phong quân hàm Trung tướng và trở thành vị Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cùng đợt thụ phong quân hàm với ông có đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại Tướng.
|
Lễ thụ phong Trung tướng Nguyễn Bình - làng Nhơn Hòa Lập, tỉnh Đồng Tháp (7/1948). |
Năm 1951, ông ra bắc theo yêu cầu của Trung ương để nhận nhiệm vụ mới và bị giặc phục kích, hy sinh tại biên giới Việt Nam - Campuchia. Đây cũng chính là vị tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam tử trận.
Năm 1952, Trung tướng Nguyễn Bình là người đầu tiên trong quân đội được nhận Huân chương Quân công hạng Nhất.
Tuy nhiên, đáng buồn là do chiến tranh kéo dài, Bắc - Nam bị chia đôi nên phải tới năm 2000, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền Campuchia, đội công tác của Bộ quốc phòng mới tìm và đưa được hài cốt của Trung tướng Nguyễn Bình về nước vào ngày 29/2/2000.
Trong điếu văn đọc tại lễ truy điệu Trung tướng Nguyễn Bình ngày 11/3/2000, Thượng tướng Phạm Văn Trà, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương và lúc đó đang giữ chức Bộ trưởng Bộ quốc phòng đã nêu rõ: "...Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí là một tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam học tập noi theo. Công lao và tên tuổi của đồng chí mãi mãi sáng ngời trên Đài Tổ quốc Ghi công..."
Mời độc giả xem Video: Phóng sự được Nga thực hiện kể về quá trình đào tạo Quân đội Nhân dân Việt Nam.