Theo quan điểm của các nhà quan sát nước ngoài, Trung Quốc đang thúc ép Ấn Độ quá gay gắt vào thời điểm lẽ ra cần giữ mối quan hệ hữu nghị với Ấn Độ, do Bắc Kinh đã làm xấu đi mối quan hệ với Washington và thiệt hại về mặt uy tín mà Trung Quốc phải gánh chịu do đại dịch toàn cầu. Logic này, theo chuyên gia, có một số phần sự thật, nhưng không tính nhiều đến mối quan tâm của Trung Quốc về việc Ấn Độ đang khai thác lỗ hổng của mình, đặc biệt là vào thời điểm Bắc Kinh đang vật lộn với COVID-19. Khi các quan chức Trung Quốc kết luận rằng Ấn Độ đang tận dụng những điểm yếu của Trung Quốc để đạt được lợi ích lãnh thổ trong khu vực tranh chấp, Bắc Kinh cảm thấy không thể nuông chiều New Delhi.
|
Một đoàn xe quân sự Ấn Độ đang tiến về Ladakh, nơi đang diễn ra căng thẳng với Trung Quốc. |
Theo Tôn Vân, Giám đốc chương trình Trung Quốc thuộc Trung tâm Stimson, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Washington, các nhà phân tích Trung Quốc tin rằng Ấn Độ đang lợi dụng Bắc Kinh bằng cách cố gắng đạt được lợi ích chiến thuật dọc biên giới. Trong khi Trung Quốc đang cố gắng cải thiện mối quan hệ với Mỹ đang tụt dốc không phanh do khủng hoảng COVID-19, việc xây dựng đường bộ của Ấn Độ được coi là “một nỗ lực đâm vào lưng [Trung Quốc] trong khi Trung Quốc đang cố gắng đối phó với Mỹ”.
Từ quan điểm của Trung Quốc, Ấn Độ không chỉ cố gắng tận dụng thời điểm mất tập trung, dễ bị tổn thương trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, mà còn đặt Trung Quốc vào tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa việc phản ứng trước việc xây dựng đường bộ của Ấn Độ và bị gắn mác là hung hăng và khiêu khích - hoặc làm quen với nó và mất lãnh thổ trong thời điểm yếu kém.
Trung Quốc thấy Ấn Độ đang được khuyến khích bởi sự liên kết chiến lược với Mỹ - được Washington nêu rõ trong Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Việc này được cho là đã trực tiếp dẫn đến việc hủy bỏ Điều 370 của Hiến pháp Ấn Độ năm 2019, trong đó xóa bỏ quyền tự trị hạn chế của Ladakh và biến nó thành lãnh thổ trực thuộc sự kiểm soát của chính quyền trung ương. Lãnh thổ Liên minh Ladakh bao gồm Aksai Chin (hiện thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc), rất quan trọng đối với Trung Quốc trong việc sự kiểm soát của biên giới ở Tây Tạng và Tân Cương, gây ra sự phản đối kịch liệt của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại thời điểm thành lập. Quan điểm của Mỹ càng làm trầm trọng thêm sự nghi ngờ của Bắc Kinh. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ lúc bấy giờ Alice Wells đã chỉ trích Trung Quốc hung hăng, khiêu khích và quấy rối, vào ngày 21/5 và cũng phản ứng tương tự với lời đề nghị của Tổng thống Donald Trump, để hòa giải giữa Trung Quốc và Ấn Độ vài ngày sau đó.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều từ chối lời đề nghị hòa giải của ông Trump. Tuy nhiên, đối với người Trung Quốc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhanh chóng làm dịu đi việc từ chối bằng cách nói chuyện điện thoại trực tiếp với ông Trump ba ngày sau đó, và chấp nhận lời mời của ông Trump, đến Hội nghị thượng đỉnh G-7.
Theo bà Tôn Vân, vì COVID-19 và những lời chỉ trích kéo dài mà Trung Quốc phải chịu do bị cáo buộc phản ứng chậm trễ, các quan chức ở Bắc Kinh cảm thấy đặc biệt dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công vào Trung Quốc, cả trong ngôn từ và trong thực tế. Họ có xu hướng phản ứng leo thang và quyết đoán hơn, trong đó đưa hình ảnh “chiến binh sói” vào cả các hoạt động ngoại giao và quân sự/bán quân sự. Các nhà ngoại giao và phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đã được huy động để bảo vệ danh tiếng của Trung Quốc và tấn công bất kỳ nhà phê bình nào trên toàn cầu.
Đồng thời, theo chuyên gia Tôn, Bắc Kinh khao khát chiến thắng chính sách đối ngoại và không muốn có bất kỳ thất bại nào, vì sợ sự bất mãn trong nước, vốn đã cao do cuộc khủng hoảng COVID-19.
Điều đó dẫn đến một câu hỏi quan trọng khác: Có phải bế tắc Ladakh đã được tính toán trước? Nói cách khác, có phải Trung Quốc đã dàn dựng việc đối đầu để chuyển hướng sự chú ý trong nước ra ngoài, khiến người ta tạm quên đi việc xử ý kém cỏi đại dịch COVID-19 trong giai đoạn đầu?
Ít nhất có một số bằng chứng thực nghiệm chống lại lý thuyết này.
Đầu tiên, kể từ khi bắt đầu cuộc đối đầu, chính phủ Trung Quốc đã sử dụng một cách tiếp cận kín đáo thay vì khơi lên chủ nghĩa dân tộc trong nước bằng các tiêu đề truyền thông giật gân và tin tức trên internet có tổ chức, là những thành phần không thể thiếu của một chiến dịch phối hợp có kế hoạch.
Thứ hai, kể từ khi bùng phát COVID-19, Trung Quốc đã khuấy động căng thẳng để tăng cường đoàn kết nội bộ, nhưng chủ yếu tập trung vào Đài Loan, Hong Kong, Biển Đông và Mỹ. Người ta có thể lập luận rằng Trung Quốc đã mở quá nhiều mặt trận về mặt ngoại giao, nhưng về mặt quân sự, Trung Quốc luôn cẩn thận để tránh một cuộc đối đầu hai mặt trận với Mỹ ở phía đông và Ấn Độ ở phía tây. Với kế hoạch của Bắc Kinh để khởi xướng luật an ninh Hong Kong trong các phiên họp quốc hội vào tháng 5, và sự bất ổn gia tăng trên eo biển Đài Loan khi nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nhậm chức nhiệm kỳ 2 vào ngày 20/5, không chắc là Bắc Kinh đã lên kế hoạch cho cuộc đình chiến Ladakh xảy ra vào thời điểm này.
Thứ ba, các chuyên gia hàng đầu về Nam Á của Trung Quốc không được hỏi ý kiến cho đến khoảng mười ngày sau khi binh lính Trung-Ấn đối đầu. Sự tham gia muộn của cộng đồng chính sách cho thấy rằng đối đầu không dựa trên kế hoạch.