Các nhà lãnh đạo của Armenia và Azerbaijan dưới sự trung gian của Nga đã ký tuyên bố ngừng bắn thứ hai trong vòng vài tháng qua ở khu vực Nagorno-Karabakh.
Lệnh ngừng bắn hoàn toàn được công bố từ lúc nửa đêm ngày 10/11. Quân đội Azerbaijan và Armenia bắt buộc phải dừng lại đúng tại vị trí họ đang chiếm giữ hiện nay.
|
Khu vực xung đột Nagorno-Karabakh. |
Armenia phải trả lại vùng Kelbajar cho Azerbaijan vào ngày 15/11 và vùng Lachin vào ngày 1/12 năm 2020, để lại hành lang Lachin rộng 5 km, đảm bảo kết nối Nagorno-Karabakh với Armenia.
Điểm này không áp dụng cho Shusha, thành phố mà trước đó Azerbaijan tuyên bố đã giải phóng. Ngoài ra, trước ngày 20/11, Armenia phải chuyển giao Aghdam và một phần của vùng Gazakh do nước này nắm giữ cho phía Azerbaijan.
Một đội quân gìn giữ hòa bình của Nga gồm 1.960 binh sỹ với vũ khí nhỏ, 90 xe bọc thép, 380 ô tô và thiết bị đặc biệt được triển khai dọc theo đường tiếp giáp ở Nagorno-Karabakh và dọc theo hành lang Lachin.
Lực lượng gìn giữ hòa bình được triển khai song song với việc rút quân của Armenia. Thời hạn lưu trú của lực lượng này sẽ giới hạn trong 5 năm và tự động gia hạn thêm thời hạn 5 năm, nếu không có bên nào trong thỏa thuận quyết định rút khỏi thỏa thuận.
Một trung tâm gìn giữ hòa bình sẽ được triển khai để giám sát việc thực hiện các thỏa thuận. Trong ba năm tới cần phải xác định kế hoạch xây dựng một tuyến đường giao thông mới dọc theo hành lang Lachin nhằm đảm bảo việc liên lạc giữa Stepanakert và Armenia, với việc tái triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga để bảo vệ tuyến đường này. Đồng thời, Azerbaijan đảm bảo sự an toàn của các liên kết giao thông dọc hành lang Lachin.
Những người qua lại trong nước và những người tị nạn phải trở về Nagorno-Karabakh và các vùng lân cận dưới sự giám sát của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn.
Tất cả các liên kết kinh tế và giao thông trong khu vực phải được giải tỏa, đồng thời Armenia có nghĩa vụ đảm bảo liên kết giao thông giữa các khu vực phía tây của Azerbaijan và khu tự trị Nakhichevan.
Lực lượng biên phòng Nga sẽ kiểm soát liên kết giao thông này. Ngoài ra còn có kế hoạch đảm bảo việc xây dựng các liên lạc vận tải mới, kết nối lãnh thổ chính của Azerbaijan với khu tự trị Nakhichevan.
Báo Sputnik của Nga cho hay, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố rằng thỏa thuận về Karabakh vô cùng nặng nề đối với ông, nhưng lưu ý thêm rằng không có giải pháp nào khác.
Trong khi đó, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev nói rằng các thỏa thuận này đã đặt dấu chấm cho việc giải quyết xung đột Karabakh diễn ra từ năm 1988.