Video này được đăng tải vào cuối tháng 3, cho thấy các xe tăng từ thời Liên Xô đang được di chuyển trên đất nước Nga. Moscow từ lâu đã có tiền lệ đưa thiết bị quân sự cũ từ nhà kho ra chiến trường Ukraine, nhưng trường hợp này có phần khác biệt.
Đây là những chiếc xe tăng T-55, mẫu xe tăng được thiết kế và sản xuất cho Hồng Quân Liên Xô trong năm 1948, chỉ một thời gian ngắn sau khi Thế chiến II kết thúc.
Chúng tương đối cũ và có thể tìm thấy trong viện bảo tàng.
“Đây là xe tăng chiến đấu chủ lực đầu tiên được Liên Xô sử dụng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh”, nhà sử học John Delaney, quản lý cấp cao tại Bảo tàng Chiến tranh Hoàng Gia (IWM) tại Duxford, Cambridge đã chia sẻ với CNN.
“Cho tới thời điểm đó, các quốc gia sử dụng ba loại xe tăng riêng biệt, hạng nhẹ, hạng trung và hạng nặng, và mỗi loại xe tăng có một vai trò riêng trên chiến trường. Từ giữa những năm 1950 trở đi, họ bắt đầu lên ý tưởng về một loại xe tăng có thể đảm nhiệm nhiều vai trò và ý tưởng đó dẫn tới sự ra đời của xe tăng chiến đấu chủ lực”, ông John Delaney cho biết.
Đối với Hồng Quân Liên Xô, chiếc xe tăng đó là T-55 với nhiều biến thể. Sau này chúng đã trở thành mẫu xe tăng được sản xuất rộng rãi nhất thế giới, với hơn 100 ngàn chiếc được sản xuất. Rẻ, bền, dễ sử dụng và dễ bảo trì, chiếc xe tăng này là lựa chọn ưa thích của quân đội nhiều nước từ Ai Cập tới Trung Quốc hay Sudan- quốc gia mà hiện mẫu xe tăng này vẫn đang được sử dụng.
Tại Đông Âu, loại xe này được sử dụng để dập tắt các cuộc nổi dậy tại các quốc gia thuộc Khối Hiệp ước Warszawa trước đây; lăn bánh trên đường phố Hungary vào năm 1956, rồi sau đó ở Prague, thủ đô của Czechoslovakia vào năm 1968.
Tuy nhiên, trong những thập kỷ tiếp theo, trong cuộc xung đột Saudi Arabia-Israel và sau đó là Chiến tranh vùng Vịnh, T-55 không phải là đối thủ của các xe tăng do phương Tây chế tạo.
“Trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991, xe tăng của Anh và Mỹ đã hạ gục những chiếc T-55 của Iraq từ khoảng cách 23km”, ông Delaney nói.
Phiên bản được trưng bày tại Bảo tàng Chiến tranh Hoàng gia được chế tạo vào những năm 1960 và thuộc về quân đội Đông Đức. Chiếc xe tăng được đưa tới bảo tàng sau khi nước Đức thống nhất và Berlin chuyển sang sử dụng các xe tăng tiêu chuẩn của NATO, chẳng hạn như Leopard 1, Leopard 2 và loại bỏ các thiết bị lỗi thời của Liên Xô.
Ông Delaney cho biết vào thời điểm Nga bắt đầu cho ngừng hoạt động các xe tăng T-55 của họ vào những năm 1980, số lượng xe tăng này vẫn ở mức 28.000 chiếc, và chúng được cất vào các kho dự trữ thay vì được tháo dỡ.
Ông giải thích: “Liên Xô không bao giờ vứt bỏ thứ gì. Chắc hẳn vẫn còn một số lượng lớn các xe tăng này đang được cất trong các kho chứa chờ ngày được tân trang lại”.Nga dường như đang thực hiện điều đó.
Từ nhà kho ra chiến trường
Các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Nga đã mang hàng loạt xe tăng ra khỏi kho một căn cứ quân sự tại Arsenyev, ở miền Đông nước Nga. Các bức ảnh cho thấy những chiếc xe tăng được cất tại căn cứ này là mẫu xe tăng T-55.
“Chúng đã được cất ở đây trong suốt một thập kỷ hoặc lâu hơn thế nữa”, ông Delaney cho biết. “Họ sẽ cần phải sửa sang khá nhiều trước khi có thể đưa chúng trở lại trạng thái sẵn sàng hoạt động hiệu quả”.
Sau khi đoạn video về một đoàn xe tăng xuất hiện trên mạng xã hội vào cuối tháng 3, Nhóm Tình báo Xung đột (CIT), một nhóm tình nguyện viên sử dụng nguồn thông tin tình báo mở để điều tra các cuộc xung đột ở Ukraine và Syria, là bên đầu tiên báo cáo rằng những chiếc T-54/55 đang được đưa ra khỏi kho niêm cất ở Arsenyev.
Các quan chức phương Tây sau đó nói với CNN vào tháng 4 rằng họ đã thấy mẫu xe tăng cũ này xuất hiện gần tiền tuyến.
Nga chưa xác nhận việc triển khai T-55 ra tiền tuyến. Bộ Quốc phòng Nga không phản hồi đề nghị bình luận của CNN. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, các blogger ủng hộ Nga đã chia sẻ hình ảnh về những chiếc xe tăng này, được cho là được chụp tại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở Ukraine.
Ông Robert Lee, cựu lính thủy đánh bộ Mỹ và là thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại có trụ sở tại Mỹ, cho biết: “Nhìn chung, Nga đã mất rất nhiều khí tài quân sự, rất khó để họ chế tạo thêm khí tài mới".
"Họ đang sản xuất một số xe tăng mới, họ vẫn đang sản xuất T-90. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, Nga cần nhiều thiết bị hơn mức có thể sản xuất, do đó Moscow vẫn phải dựa vào các xe tăng cũ để bù đắp”, ông Robert Lee cho biết.
“Dễ sử dụng hơn” cho những người lính nghĩa vụ
Ông Robert Lee, người đã theo sát cuộc chiến tại Ukraine ngay từ đầu, từng tới thăm tiền tuyến tại miền Đông Ukraine cho biết việc sử dụng T-55 sẽ bị hạn chế về phạm vi.
“Ban đầu, xe tăng T-55 có thể sẽ được sử dụng ở các khu vực phía sau chiến tuyến. Họ không nhất thiết đưa xe tăng tới gần tiền tuyến mà sẽ triển khai việc nã phão tầm xa”, ông Robert Lee nói.
Nếu đó là mục đích của Nga, ông Delaney cho rằng, T-55 sẽ vẫn hữu ích.
“Nếu như họ muốn tránh các cuộc đối đầu trực diện giữa các xe tăng thì một lựa chọn họ có thể đưa ra là củng cố vị trí phòng thủ của chúng, đặt chúng vào các hố xe tăng để đối phương chỉ có thể thấy tháp pháo, và từ đó họ có thể sử dụng chúng để phòng thủ tiền tuyến trước các cuộc phản công. Chúng sẽ có hiệu quả đối với các vị trí phòng thủ tĩnh”, Robert Lee cho hay.
Khi các lực lượng Nga chuẩn bị đối mặt với một cuộc phản công của Ukraine, Moscow sẽ phải dựa vào lực lượng lính nghĩa vụ.
Đối với những người lính chưa qua đào tạo chuyên sâu, T-55 đem lại một yếu tố mà xe tăng hiện đại không thể: dễ sử dụng.
“Trong trường hợp một lực lượng quân đội có quá nhiều lính mới nhập ngũ, như trường hợp quân đội Nga hiện tại, mẫu xe tăng này sẽ dễ được sử dụng và huấn luyện nhanh hơn so với các mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại”, ông Delaney cho biết.
“Chúng có thể được bảo trì rất dễ dàng bởi một lực lượng quân đội với nhiều lính mới nhập ngũ, đây là điều họ muốn có được, họ muốn một chiếc xe tăng có thể dễ dàng hoạt động”.
Ukraine cũng có một phiên bản T-55, đó là M-55 với 28 chiếc được hiện đại hóa sâu do Slovenia cung cấp.
Trong khi Ukraine chuẩn bị cho một cuộc tiến công, Nga đã đào sâu và củng cố vị trí phòng thủ. Các ảnh vệ tinh cho thấy các tuyến phòng thủ lớn được Moscow xây dựng trên khắp vùng lãnh thổ mà họ đang kiểm soát.
Ông Robert Lee cho rằng một chiến dịch phản công thành công sẽ phụ thuộc nhiều vào việc tình báo Ukraine tìm ra điểm yếu của Nga để chọc thủng.
“Không phải không thể nhưng Ukraine phải tìm ra những điểm yếu nhất trong tuyến phòng thủ để có thể lọt qua”, ông nói.
Và đó là lúc mà những xe tăng của NATO, hiện đại hơn, tân tiến hơn, với giáp bảo vệ tốt hơn, tầm tấn công xa hơn và tính cơ động cao hơn có thể tỏa sáng, nhất là khi đối mặt với các khí tài Liên Xô cũ hơn.
Nguyễn Quang Minh (theo CNN)