Hình ảnh hiếm của lò phản ứng trong tàu ngầm hạt nhân Nga (Ảnh chụp màn hình: Zvezda).
Zvezda, kênh của Bộ Quốc phòng Nga, đã chiếu một đoạn video ghi lại lò phản ứng trong động cơ của một tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Đây là tàu ngầm lớp Tula thuộc Đề án 667BDRM Delfin của Hải quân Nga.
Với tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, động cơ chính là "trái tim" của vũ khí, và việc Nga công bố hình ảnh lò phản ứng được The Drive đánh giá là khá hiếm hoi.
Zvezda cũng nói rằng, đây là lần đầu tiên mà một đội ngũ của kênh này được phép ghi hình lò phản ứng của tàu ngầm hạt nhân Nga.
Hải quân Liên Xô đã nhận được tổng cộng 7 tàu ngầm Đề án 667BDRM (phương Tây là tàu lớp Delta IV) từ năm 1984 đến 1990. Đây là những chiếc cuối cùng trong loạt tàu ngầm tên lửa đạn đạo Đề án 667. Các tàu sau đó gia nhập Hải quân Nga.
Mỗi tàu lớp Delta IV có lượng choán nước khi lặn khoảng 15.500 tấn và có thể mang tới 16 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm R-29RMU Sineva. Một tên lửa R-29SMU có thể mang từ 4 đến 10 đầu đạn phân hướng (MIRV).
Mỗi tàu ngầm Dự án 667BDRM được trang bị một cặp lò phản ứng nước áp suất VM-4SG (PWR). Nước trong PWR là chất làm mát, sau khi được làm nóng được chuyển thành hơi nước để chạy các tua-bin sản xuất điện. Hơi nước sau đó được ngưng tụ lại thành nước lỏng và đưa trở lại hệ thống làm mát của lò phản ứng.
Đoạn phim của Zvezda cho thấy nắp của lò phản ứng chứa nhiên liệu hạt nhân, với các thanh điều khiển điều tiết phản ứng hạt nhân bên trong nhô ra từ trên đỉnh.
Theo Zvezda, VM-4SG được thiết kế để chạy trong khoảng 10 năm trước khi hết nhiên liệu bên trong. Thành phần chính xác của các thanh nhiên liệu là không rõ ràng, nhưng chúng được cho là sử dụng uranium có độ làm giàu thấp. Ngược lại, các lò phản ứng trên tàu ngầm hạt nhân của Mỹ sử dụng uranium cấp độ vũ khí, được làm giàu cao.
Giống bất kỳ tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân nào, hai chiếc VM-4SG cung cấp năng lượng cho Tula có tầm hoạt động hầu như không giới hạn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo khi chúng có thể "biến mất" dưới nước hàng tháng liền để đảm bảo năng lực răn đe hạt nhân với các đối thủ.
Theo Global Firepower, tính đến năm 2021, Nga đứng thứ 3 trong danh sách nước có hạm đội tàu ngầm quy mô lớn nhất thế giới với 64 chiếc, sau Mỹ (68) và Trung Quốc (79).
Tuy nhiên, cơ cấu của đội tàu ngầm Trung Quốc phần lớn là các tàu chạy bằng diesel-điện. Dòng tàu này di chuyển khá ồn và phải nổi lên thường xuyên hơn để tiếp liệu so với các tàu năng lượng hạt nhân. Trong khi đó, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc hiện vẫn được xem là khá non trẻ và còn nhiều thiếu sót về thiết kế, cũng như khí tài trang bị kèm theo nếu so với 2 quốc gia còn lại.
Vì vậy, theo Popular Mechanics, Mỹ và Nga hiện là 2 thế lực hàng đầu về tàu ngầm trên thế giới. Cuộc cạnh tranh của 2 nền quân sự này đã có từ thời Chiến tranh Lạnh.