Mỹ chi tiền tỷ huấn luyện binh sĩ chiến đấu dưới lòng đất

Google News

(Kiến Thức) - Theo đó Lầu Năm Góc đã chi ít nhất nửa tỷ USD nhằm huấn luyện các binh sĩ Mỹ chiến đấu được dưới lòng đất trong môi trường tác chiến đô thị hoặc đối phó với chiến tranh du kích.

Theo thông tin được Sputnik đăng tải, quân đội Mỹ đã quyết định chi tới hơn nửa tỷ USD, cụ thể là 576 triệu USD để hoàn thiện học thuyết chiến tranh trong lòng đất, chống chiến tranh trong lòng đất và đào tạo binh sĩ của nước này với những kỹ năng mới chưa từng có trong quân đội Mỹ từ trước tới nay.
Và dường như địa đạo Củ Chi vẫn là cơn ác mộng không thể quên của quân đội Mỹ dù Chiến tranh Việt Nam đã qua được tới hơn 50 năm.
 Có lẽ hệ thống địa đạo ở Củ Chi trong Chiến tranh Việt Nam vẫn là điều ám ảnh quân đội Mỹ suốt gần nửa thế kỷ qua kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc. Nguồn ảnh: Vietnamwar.
Sputnik phân tích, Lầu Năm Góc đang phải thừa nhận một sự thực phũ phàng đó là những đối thủ của họ trong các cuộc chiến tranh tiếp theo sẽ không còn là những đối thủ dưới cơ hoàn toàn như Iraq hay Afghanistan nữa mà sẽ là những đối thủ ngang tầm với Mỹ như Nga, Trung Quốc hoặc Triều Tiên.
Trong những cuộc chiến tranh giữa các quốc gia có tiềm lực quân sự tương đương, mấu chốt của cuộc chiến không phải là ở trên không, trên biển hay ở trên đất liền mà ở dưới lòng đất.
Đơn giản là vì các cường quốc trên thế giới đều hiểu, một cuộc chiến tranh tổng lực sẽ ảnh hưởng lớn tới năng lực sản xuất quốc phòng của mình nên đã xây dựng rất nhiều cơ sở quốc phòng bao gồm các nhà máy, xí nghiệp, kho chứa vũ khí ở bên trong lòng đất hoặc trong lòng núi đá. Thêm nữa, các trung tâm chỉ huy đầu não, nội các chính phủ, các thành viên cấp cao của quân đội cũng sẽ có "suất" trong các hầm chỉ huy quy mô lớn nếu xảy ra chiến tranh.
Điều này dẫn đến việc, phải tiến hành một cuộc chiến tranh dưới lòng đất để có thể giành được ưu thế trước đối phương hoặc ít nhất là phản công lại được những đòn tấn công vào trong lòng đất của đối thủ.
Các công trình dân sự như hệ thống ga tàu điện ngầm ở dưới lòng các thành phố New York, London hay Moscow có tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn kilomets đường hầm ngầm dưới lòng đất. Ví dụ như ở New York, chỉ tính riêng hệ thống đường tàu điện ngầm cũng đã dài tới gần 700 km và sẽ trở thành những căn hầm trú ẩn hoặc căn cứ cực kỳ vững chắc trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
 Hàng nghìn kilomets đường tàu điện ngầm dưới những thành phố lớn có thể sẽ trở thành "bãi chiến trường" trong tương lai khi có một cuộc chiến tranh tiếp theo diễn ra. Nguồn ảnh: Picts.
Đầu năm 2017, dư luận Mỹ cũng đã nghi ngờ sức chiến đấu của quân đội nước này trong bối cảnh căng thẳng giữa Triều Tiên và thế giới tăng cao thì bất ngờ có thông tin cho biết Triều Tiên có tới 5000 nhà máy sản xuất vũ khí được đặt trong lòng đất - nơi mà vệ tinh và vũ khí Mỹ rất khó có thể vươn tới.
Hệ thống hầm ngầm với rất nhiều ngõ ngách được IS sử dụng trong các thành phố hoặc khu vực mà chúng chiếm đóng cũng đã khiến các cường quốc quân đội trên thế giới bao gồm cả Nga và Mỹ phải "chật vật" vất vả mới có thể hóa giải được.
Tất cả những ví dụ trên đã chứng mình mối lo ngại của quân đội Mỹ là có cơ sở. Kèm theo đó, vào đầu năm 2017 quân đội Mỹ cũng đã hoàn thành việc xây dựng bản đề án đào tạo và huấn luyện kỹ chiến thuật cho binh lính khi tác chiến trong môi trường hầm ngầm của đối phương. Hiện tại, bản đề án này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và cải thiện dần.
"Chúng tôi đã ngỡ ngàng nhận ra rằng, trong tác chiến dưới hầm ngầm, dưới các đường ngầm hay thậm chí là dưới cống, có một số vấn đề mà chúng ta sẽ gặp phải và sẽ không thể khắc phục được theo cách thông thường trên mặt đất" - Trung tá Townley Hedrick, Chỉ huy trưởng tại Trung tâm Bộ binh Cơ động trả lời phỏng vấn của tờ Military.com hồi đầu tháng trước.
 Lính Mỹ nỗ lực trong vô vọng khi phải đối mặt với hệ thống địa đạo ở Củ Chi trong Chiến tranh Việt Nam. Nguồn ảnh: History.
Các chiến thuật để tác chiến dưới lòng đất sẽ có thể giống với các chiến thuật tác chiến ở các môi trường hẹp trên mặt đất như trong các tòa nhà hay trong boong-ke.
Ví dụ, thông tin liên lạc bằng radio dưới lòng đất chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều so với việc liên lạc ở trên mặt đất. Để khắc phục được điều này, có thể đưa vào sử dụng các loại thiết bị liên lạc bằng sóng siêu cao tần. Việc thiếu không khí và chất lượng khí ô-xy không tốt cũng có thể ảnh hưởng lớn tới hoạt động của người lính. Việc thiếu ánh sáng có thể dễ dàng khắc phục hơn bằng cách dùng đèn pin hoặc thậm chí là dùng kính nhìn đêm.
 Lính Mỹ được huấn luyện tác chiến dưới lòng đất với trang bị đặc biệt. Nguồn ảnh: Military.
Trong những đường hầm thẳng tắp dài hàng trăm mét, binh lính cũng sẽ hoàn toàn "phơi mặt" trước hỏa lực của đối phương mà không có bất cứ vật cản nào để làm chỗ trú ẩn. Vậy nên người lính khi tác chiến dưới hầm ngầm thậm chí sẽ phải mang theo lá chắn chống đạn để chiến đấu như lính đặc nhiệm chống khủng bố.
Quân đội Mỹ hiện đang lên kế hoạch trang bị thiết bị phù hợp và huấn luyện các kỹ năng tác chiến đặc biệt trong hầm ngầm cho từ 26 tới khoảng 31 lữ đoàn của lực lượng bộ binh. Tới thời điểm hiện tại, quân đội Mỹ đã hoàn thành việc huấn luyện cơ bản cho 5 lữ đoàn, tính toán ra chi phí khoảng 22 triệu USD cho mỗi lữ đoàn.
Sputnik bình luận một cách hóm hỉnh, với giá 22 triệu USD chỉ để trang bị thêm kỹ năng chiến đấu dưới lòng đất cho binh lính, quân đội Mỹ hãy hy vọng rằng lính của họ sẽ có thể tìm thấy... vàng bên trong những đường hầm ngầm dưới lòng đất.

Mời độc giả xem Video: Lính Mỹ được huấn luyện cách tác chiến trong hầm ngầm.

Tuấn Anh

>> xem thêm

Bình luận(0)