Song theo Charles C. Krulak, một cựu tướng 4 sao và từng có thời là chỉ huy lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ, các sự kiện diễn ra vào ngày 6/1 vừa qua là một cao trào có thể dự đoán từ trước của những rạn nứt ngày càng lớn giữa quân đội và người dân Mỹ.
|
Nhiều người tham gia cuộc bạo loạn hôm 6/1 đã và đang là các quân nhân các lực lượng vũ trang Mỹ. Ảnh: Task & Purposes |
Trong một bài viết được đăng tải trên trang tin Project Syndicate, ông Krulak cho rằng sự rạn nứt này có nguồn gốc lịch sử sâu xa. Sau Thế chiến II, những quân nhân Mỹ trở về nước với sự trọng vọng lớn lao về những gì họ đã đoàn kết, chiến đấu và hoàn thành một cách vẻ vang trên chiến trường. Hầu hết người dân Mỹ đều tự hào với quân đội của họ, và thị trường việc làm vẫn còn rất cởi mở đối với những quân nhân xuất ngũ.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Đó là thời điểm hầu hết người dân Mỹ chẳng thể biết được đất nước của họ đang chiến đấu vì cái gì. Khi cuộc chiến kết thúc vào năm 1975, những người lính trở về từ Việt Nam chẳng nhận được bất kỳ vinh danh nào. Không những thể, phản ứng dữ dội của công chúng đối với cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã làm thay đổi về cơ bản mối quan hệ giữa quân đội và người dân Mỹ. Những vấn đề gây ra bởi sự thay đổi chính sách quân dịch cũng ngày càng lan rộng hơn kể từ đó.
Quân đội Mỹ phần nào lấy lại hình ảnh sau chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1990, song điều này cũng chẳng thể kéo dài được lâu, khi nhân loại bước vào thế kỷ 21. Thời điểm này, xu hướng toàn cầu hóa và các cuộc cách mạng công nghệ đã và đang bắt đầu định hình lại xã hội Mỹ. Nhiều ngành nghề cũng vì thế mà trở nên thoái trào, hoặc bị xóa sổ hoàn toàn. Bên cạnh đó, làn sóng người nhập cư cùng các vấn đề công bằng xã hội cũng bắt đầu nở rộ. Quân đội không thể không tránh khỏi những tác động trên.
Theo ông Charles Krulak, bối cảnh chính trị, xã hội và kinh tế đã đẩy người lính Mỹ vào những cuộc chiến dài hơi, thiếu những mục tiêu chiến lược rõ ràng và mất đi sự ủng hộ của công chúng. Thậm chí, người Mỹ từng có điệp khúc chua chát rằng trong khi quân đội đi tham chiến, thì người dân lại đi siêu thị Walmart. Hậu quả là, không ít người lính đã mất nhiều năm cuộc đời của họ ở Iraq hay Afghanistan mà chẳng nhận được bất cứ điều gì khi về nước.
Trong cuốn sách được xuất bản năm 1973, có tựa đề The American Way of War (tạm dịch Con đường chiến tranh của Mỹ), nhà sử học Russell F. Weigley đã trích dẫn lời Tướng George C. Marshall rằng: “Một nền dân chủ không thể lâm vào một cuộc chiến 7 năm”. Chiến tranh càng kéo dài, đặc biệt là khi nó phải trải qua nhiều thế hệ, thì sự mất lòng tin giữa người dân và binh lính, thủy thủ, phi công và lính thủy quân lục chiến tại ngũ ngày càng lớn.
Cuộc chiến chống khủng bố cũng góp phần làm sáng tỏ tình trạng bất ổn và chủ nghĩa cực đoan bùng phát tại Quốc hội Mỹ hôm 6/1. Một số cựu chiến binh và quân nhân tại ngũ bị ghẻ lạnh kết luận rằng, một điều gì đó không ổn đang diễn ra tại Mỹ mà họ đã, đang phải chiến đấu và hy sinh vì nó. Hai cuộc bầu cử tổng thống vừa qua càng dấy lên tâm lý bất mãn này, và khiến các quân nhân này bị thuyết phục rằng, họ có trách nhiệm phải đối đầu với những “kẻ thù” trong nước. Điều này đã được các nhà lãnh đạo chính trị khai thác để phục vụ lợi ích của riêng họ.
Dịch Covid-19 cũng góp phần tạo nên sự bất mãn này. Khi nền kinh tế bị suy thoái giữa mùa dịch, số việc làm, nhất là những công việc thu nhập thấp, bị cắt giảm. Điều này khiến không ít cựu quân nhân trở nên chán chường và tuyệt vọng do lâm vào cảnh thất nghiệp. Một số người đã giải tỏa điều này bằng việc náu mình trong các cộng đồng trực tuyến, nơi dễ phát tán các tư tưởng cực đoan. Khi những tranh cãi xung quanh kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 ngày càng trở nên căng thẳng, họ đã biến những tư tưởng này thành hành động.
Dù vậy, Charles Krulak vẫn tin rằng, đa phần quân nhân Mỹ vẫn kiên định ủng hộ và tuân thủ Hiến pháp quốc gia, và những người có quan điểm cực đoan trong hàng ngũ của họ sẽ nhanh chóng bị phát hiện và xử lý thích đáng. Krulak đề xuất các biện pháp sàng lọc trong quá trình tuyển quân, như cần xem xét cả các hoạt động trên mạng xã hội của từng ứng viên, bên cạnh việc soi hình xăm cơ thể để phát hiện các biểu tượng ngầm truyền bá tư tưởng cực đoan hoặc phân biệt chủng tộc. Ngoài ra, các cuộc phỏng vấn sẽ cần mang tính sâu sát hơn, và công tác giáo dục tư tưởng cho các quân nhân tại ngũ cũng cần được cải thiện.
Cựu chỉ huy lực lượng Thủy quân lục chiến kết luận rằng, dù quỹ đạo rắc rối của các mối quan hệ quân-dân tại Mỹ đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho một số thành phần cực đoan, thì những người này vẫn chỉ chiếm thiểu số. Quân đội đã bảo vệ nền dân chủ Mỹ trong nhiều thế kỷ, và sẽ còn tiếp tục truyền thống cao quý này trong nhiều năm nữa.