|
Lựu pháo M777 đang được sử dụng ở chiến trường Ukraine. Nguồn Reuters/Stringer
|
Sáu khẩu lựu pháo M777 (tương đương một đại đội pháo binh), mà Mỹ viện trợ cho Ukraine, được cho là đã được sửa chữa trước khi chúng đến Ba Lan và từ đó đến Ukraine.
Tiết lộ trên được đưa ra, sau khi một lính Ukraine tên là Ruslan Olefirenko bị Quân đội Nga bắt giữ, nói với hãng thông tấn TASS của Nga rằng, một khẩu pháo M777 của Mỹ đã bị nổ đạn ở đầu nòng và khiến nhiều lính Ukraine đang vận hành pháo thiệt mạng.
Việc nòng pháo M777 bị vỡ không phải là vấn đề duy nhất mà các binh sĩ Ukraine phải lo sợ. Theo Orifilenko, những khẩu pháo của Ukraine thường bắn quá điều kiện kỹ thuật cho phép, nên nhiều khi, bộ phận nạp đạn bị kẹt và pháo không sử dụng được.
|
Lựu pháo M777 đang được sử dụng ở chiến trường Ukraine. Nguồn Reuters/Stringer |
Lời khai của Orifilenko đã được Washington chính thức xác nhận. Cuộc kiểm toán của Lầu Năm Góc phát hiện ra rằng, sáu khẩu pháo M777 lấy ở kho dự trữ của Quân đội Mỹ tại Kuwait và sau đó được chuyển giao cho Ukraine, đã không được bảo dưỡng theo đúng quy trình.
Qua điều tra, dầu thủy lực cũ sử dụng trong các bộ phận hãm lùi, đẩy lên và cân bằng của sáu khẩu pháo trên đã không được thay thế; đây là điều nguy hiểm, do dầu thủy lực là chất hóa học, sẽ bị thay đổi tính chất lý-hóa theo thời gian và dẫn đến xuống cấp.
Bốn trong số sáu khẩu lựu pháo được phát hiện khóa nòng không khớp với các bánh răng. Các chuyên gia Lầu Năm Góc cho biết, đó là lý do tại sao khóa nòng không đóng được đúng cách.
Tiểu đoàn 401 của Quân đội Mỹ, đóng quân tại Trung Đông, là đơn vị chịu trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật cho các hệ thống vũ khí. Công việc của tiểu đoàn được giảm xuống là giám sát bảo trì. Bản thân việc bảo trì pháo M777 do một công ty Mỹ có trụ sở tại Chantilly, Virginia phụ trách; đó chính là công ty Amentum.
|
Lựu pháo M777 đang được vận chuyển đến Ba Lan để viện trợ cho Ukraine. Nguồn US DoD
|
Tuy nhiên, sáu khẩu lựu pháo M777 đã rời Kuwait vào năm 2022 và được vận chuyển đến Ba Lan. Tại đó, Tiểu đoàn giám sát và hỗ trợ mặt đất của Mỹ đã xác định rằng, sáu khẩu M777 không thể đưa đến Ukraine để chiến đấu, vì chúng không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Ngoài những vấn đề đã được phát hiện ở Kuwait với pháo M777, ở Ba Lan, họ còn tìm thấy nhiều hỏng hóc hơn trong các khẩu pháo này. Ví dụ, báo cáo kiểm toán của Lầu Năm Góc cho biết, các kim hỏa bị mòn và các vấn đề với hệ thống tầm, hướng của pháo đã được tìm thấy. Một số sửa chữa đã được thực hiện, để khắc phục các sự cố đã xác định với lựu pháo.
Theo trang Bulgarian Military cho biết, trong 14 tháng của cuộc xung đột ở Ukraine, có những vấn đề với lựu pháo kéo hoặc tự hành, không chỉ ở các loại do Mỹ cung cấp hoặc sản xuất.
|
Không quân Mỹ vận chuyển pháo tự hành M109 để viện trợ quân sự cho Ukraine. Nguồn US DoD
|
Các loại pháo M109, Caesar, FH70, PzH 2000 và Krab là những khẩu pháo đã gặp sự cố và đã được báo cáo từ năm ngoái. Từ việc nhận dạng sai loại đạn và lỗi trong hệ thống điều khiển hỏa lực, cho đến việc nòng súng bị vỡ do áp suất khí thuốc quá mạnh.
Bên cạnh đó là việc mòn nhanh nòng pháo và buồng đạn do bắn quá tiêu chuẩn quy định là một vấn đề phổ biến. Thậm chí có những trường hợp “khá thú vị” từ cuộc xung đột ở Ukraine với lựu pháo kéo M777; khi một khẩu M777 đã bắn tới 6.000 viên đạn pháo và phải thay nòng bốn lần.
Một trong những tiết lộ nữa về hạn chế về pháo binh của Ukraine nữa, là của nhà hoạt động xã hội người Pháp Xavier Moreau. Ông tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Nga rằng, pháo tự hành Caesar mà Pháp giao cho Ukraine, không sử dụng đúng loại đạn.
|
Pháo tự hành bánh hơi Caesar Pháp viện trợ cho Ukraine. Nguồn Bulgarian Military |
Theo ông Moreau, Pháp cung cấp loại đạn có tầm bắn rất ngắn, không phải loại nguyên bản mà Pháp đã sử dụng trên pháo Caesar của họ. Moreau nói rằng, loại đạn mà pháo binh Pháp sử dụng đắt tiền, vì phải mua của Đức và Pháp rõ ràng không đủ khả năng tài chính để cung cấp loại đạn có tầm bắn tới 40 km này cho Ukraine.