Cảnh báo phương Tây về ý đồ đánh bại Nga
Khi Mỹ chuẩn bị cung cấp lô vũ khí mới cho Ukraine, còn Kiev đẩy mạnh hối thúc các đối tác phương Tây cung cấp xe tăng chiến đấu hiện đại và các loại vũ khí hạng nặng khác, Nga đã phản ứng bằng những lời cảnh báo cứng rắn vào hôm 18/1. Một lần nữa, Nga ám chỉ đến kho vũ khí hạt nhân của mình để răn đe Mỹ và NATO chớ giúp đỡ Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga.
|
Một căn cứ quân sự Ukraine bị Nga tấn công vào đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt". Ảnh: Occhicone. |
Cựu Tổng thống Nga Medvedev - đương kim Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga, tuyên bố qua mạng xã hội Telegram: "Việc đánh bại một cường quốc hạt nhân trong một cuộc chiến quy ước có thể kích hoạt một cuộc chiến tranh hạt nhân".
Ông Medvedev viết thêm: "Các nước sở hữu vũ khí hạt nhân chưa thua trong các xung đột lớn mà số phận của họ phụ thuộc vào". Ông Medvedev đã có các phát ngôn ngày càng cứng rắn trong thời gian xung đột Nga - Ukraine gần 1 năm qua.
Khi được hỏi về phát biểu của ông Medvedev, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng phát biểu đó phù hợp với học thuyết hạt nhân của Nga và "không có gì mâu thuẫn ở đây cả".
Tương tự, trong một bài thuyết giáo vào hôm 18/1, người đứng đầu Nhà thờ Chính thống giáo Nga thừa nhận rằng "bất cứ nỗ lực nào nhằm phá hủy nước Nga sẽ đồng nghĩa với sự kết thúc thế giới".
Giáo trưởng Kirill - người ủng hộ kiên định cho tất cả các chính sách của Kremlin, nói: "Ngày nay có các mối đe dọa lớn đối với thế giới, đối với đất nước chúng ta và đối với toàn nhân loại, bởi vì có một số người điên rồ nghĩ rằng nước Nga - sở hữu vũ khí mạnh, có những con người mạnh mẽ, và thường xuyên chiến thắng - lại có thể bị đánh bại".
Trong khi đó, tại Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết các bình luận trên là nhất quán với các tuyên bố trước đây của Nga về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Patel cho rằng chiến tranh hạt nhân không có bên thắng và không bao giờ được phép nổ ra.
Các điều chỉnh tham vọng đối với quân đội Nga
Tuần này, Tổng thống Nga đã mở rộng quân đội nước này thêm khoảng 300.000 người. Số lượng binh sĩ tại ngũ sẽ tăng lên mức 1,5 triệu người trong 3 năm tới. Ông Putin đã ra lệnh lập thêm một quân đoàn mới và 2 quân khu gần biên giới với châu Âu.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu sau đó đề ra một kế hoạch tham vọng để đạt được các thay đổi nói trên. Ông cho biết, các cơ cấu quân sự mới sẽ được tạo ra quanh thủ đô Moscow, cố đô Saint Petersburg và Cộng hòa Karelia. Vị trí cuối cùng nằm ngay ở biên giới với Phần Lan - một quốc gia Bắc Âu đang trong quá trình trở thành một thành viên của NATO.
Hãng tin nhà nước Nga RIA Novosti dẫn lời ông Shoigu nói: "Bảo đảm an ninh quân sự của nhà nước, bảo vệ các chủ thể liên bang mới và các cơ sở trọng yếu của Liên bang Nga chỉ có thể được bảo đảm bằng việc củng cố các yếu tố cấu trúc chính của Lực lượng vũ trang".
Điện Kremlin kêu gọi kế hoạch mở rộng quân sự này là để phản ứng lại "cuộc chiến ủy nhiệm" mà theo Nga tuyên bố là do phương Tây phát động chống lại Nga ở Ukraine.
Một số nhà phân tích cho rằng các thay đổi này, đặc biệt là việc chia Quân khu miền Tây thành vài quân khu nhỏ hơn, là sự trở lại với cách tiếp cận trước đây của Nga, cụ thể là trước năm 2010.
Dara Massicot - nhà nghiên cứu chính sách cao cấp của tập đoàn RAND, nói rằng điều chỉnh này sẽ cần thêm người và thiết bị. "Đây là một mục tiêu khó đạt được vào năm 2026 nếu không có những thay đổi lớn đối với nền kinh tế và hệ thống nhân sự của Nga".
Vào ngày 18/1, Tổng thống Nga Putin đã tới thăm một xí nghiệp quốc phòng - nhà máy Obukhovsky ở Saint Petersburg, trong thời gian qua bị Mỹ trừng phạt. Tại nhà máy này, ông Putin ca ngợi các nỗ lực tăng sản lượng vũ khí, bao gồm các khí tài hạng nặng.
Ông Putin nói với các công nhân nhà máy rằng chiến thắng cho Nga là "tất yếu".